4 kỹ năng cơ bản người dùng ô tô nên biết
Nắm vững những kỹ năng cơ bản khi sử dụng ô tô như thay lốp, pin chìa khóa hay kiểm tra tình trạng gạt mưa,… không chỉ giúp bạn tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn tự "cứu mình" trong những trường hợp ô tô bất ngờ gặp sự cố.
Lốp xe bị thủng xì hết hơi, bình ắc quy hết điện hay chìa khóa hết pin không thể mở cửa xe được… là những sự cố không ít người dùng gặp phải trong quá trình sử dụng ô tô hàng ngày. Khi gặp những tình huống này nhiều người dùng ô tô lo lắng, loay hoay không biết cách xử lý như thế nào. Một số người dùng, đặc biệt là tài xế nữ thường gọi xe cứu hộ để được hỗ trợ. Tuy nhiên, phương án này thường làm mất khá nhiều thời gian, chi phí.
Do đó, người dùng ô tô cần trang bị một số kỹ năng cơ bản để có thể tự xử lý trong một số trường hợp gặp các sự cố đơn giản như xe thủng lốp, cạn bình hay không thể mở cửa do chìa khóa hết pin. Dưới đây là 4 kỹ năng cơ bản người dùng ô tô nên biết trong quá trình sử dụng ô tô:
Thay lốp ô tô
Thay lốp là một trong những kỹ năng cơ bản nhất tài xế cũng như chủ xe cần nắm khi sử dụng ô tô. Trong những trường hợp bất khả kháng như bể bánh xe, lốp xe bị hết hơi mà xung quanh là đường vắng, không có tiệm sửa xe hay trung tâm bảo hành, thì kỹ năng tự thay lốp xe sẽ vô cùng hữu ích.
Thao tác thay lốp ô tô tưởng chừng phức tạp nhưng thực ra khá đơn giản. Đầu tiên khi phát hiện lốp xe bị giảm áp suất, nên tìm kiếm chỗ đỗ xe an toàn. Sau đó lấy bộ dụng cụ thay lốp thường để dưới hộc đồ dưới sàn khoang hành lý hoặc dưới đệm ghế hành khách. Dùng bộ kích để nâng xe gần khu vực lốp cần thay. Nâng sao cho bánh xe cách mặt đất từ 7 - 10cm để có thể tháo rời. Sau đó tiếp tục nới các ốc cho đến khi tháo bánh xe ra khỏi trục. Tháo lốp dự phòng thường đặt khoang hành lý hoặc treo dưới gầm xe để thay thế lốp bị hỏng, rồi vặn lại ốc theo thứ tự đối xứng nhau. Cuối cùng, hạ kích thủy lực xuống và siết chặt ốc.
Kích hoặc thay bình ắc quy
Bên cạnh thay lốp, kích bình hoặc thay bình ắc quy khi xe hết điện cũng là kỹ năng người dùng ô tô nên nắm. Ô tô không khởi động được do bình ắc quy hết điện là hiện tượng rất nhiều người dùng ô tô gặp phải do quên tắt đèn hay để xe lâu ngày không sử dụng… Khi gặp tình huống này, nên dùng thiết bị kích bình hoặc dây cáp đấu nối nguồn sạc... sẽ giúp khắc phục hiện tượng ô tô không khởi động được do bình ắc quy hết điện.
Để thuận tiện nhất, nên trang bị bộ kích bình thay vì dây câu. Hiện tại, những thiết bị này được thiết kế với nhiều kích thước, kiểu dáng, dung lượng và giá bán khác nhau. Tùy vào túi tiền, các chủ xe có thể dễ dàng đặt mua trên các trang thương mại điện tử. Chỉ cần cắm dây vào bộ sạc, sau đó dùng một đầu kẹp màu đỏ trên dây đấu nối kẹp vào cực dương ắc quy của xe. Đầu kẹp màu đen trên dây đấu nối lắp kẹp vào cực âm trên ắc quy hoặc một miếng kim loại không sơn trên xe. Trên các thiết bị kích bình mini thường có 2 đèn báo màu xanh, đỏ. Khi các đầu dây đấu nối đúng vào các cực tương ứng trên ắc quy của xe, đèn xanh sẽ bật sáng. Kích hoạt thiết bị kích bình và chờ khoảng 1 phút thì cho khởi động động cơ. Sau khi động cơ khởi động thành công thì tiến hành tháo dây kích bình.
Thay pin chìa khóa thông minh
Các loại chìa khóa này thường được gắn pin để hoạt động. Vì vậy, sau một thời gian sử dụng (khoảng từ 1 - 2 năm), pin gắn trên chìa khóa sẽ cạn kiệt dần khiến chìa khóa có dấu hiệu chập chờn, khó nhận sóng hoặc hết pin không thể khởi động xe như bình thường.
Với chìa khóa thông minh hết pin, tài xế nên sớm thay pin mới để dễ dàng sử dụng. Pin sử dụng cho khóa thông minh ô tô thường là loại pin dẹp, tròn được bán tại đại lý ô tô hoặc cửa hàng phụ tùng, phụ kiện. Một số hãng xe thường khuyến cáo người dùng ô tô nên thay pin chìa khóa thông minh sau khi sử dụng khoảng 2 - 3 năm. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện thời tiết, tần suất sử dụng xe… tài xế nên thay pin khi nhận thấy chìa khóa thông minh có dấu hiệu chập chờn, khó nhận sóng hoặc pin bị hư hỏng.
Kiểm tra, thay cần gạt mưa
Hệ thống gạt mưa rửa kính góp phần đảm bảo tầm nhìn khi lái xe nhưng trong thực tế nhiều người mới sử dụng ô tô vẫn chưa quan tâm đúng mức và không biết cách khắc phục những sự cố của hệ thống này.
Nếu phát hiện chổi gạt quá mòn, bề mặt cao su bị chai cứng hay rạn nứt nên thay thế chổi gạt mới. Hiện nay, có khá nhiều loại chổi gạt được bán trên thị trường với mức giá và chất lượng khác nhau. Người dùng ô tô nên lưu ý chọn những loại chổi gạt chính hãng hoặc của các thương hiệu lớn đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, sau khi thay thế chổi gạt, nên dùng dung dịch rửa kính, khăn vải mềm để lau sạch bụi bẩn còn bám lại trên bề mặt kính.
Nhà sản xuất thường khuyến cáo người dùng ô tô nên thay cần gạt mưa sau khi sử dụng từ 12 - 18 tháng. Tuy nhiên, với thời tiết nóng ẩm tại Việt Nam, các chốt nối cần gạt rất dễ bị gỉ sét, bề mặt cao su của lưỡi gạt nước dễ bị biến dạng, bào mòn. Khi bật kiểm tra gạt mưa, nếu nhận thấy các dấu hiệu như lưỡi gạt để lại vệt nước thành dòng trên kính lái; lưỡi gạt phát ra tiếng kêu, tiếng va vấp khi hoạt động hay gạt mưa nhưng vẫn nhìn không rõ… nên mua gạt mưa mới thay thế. Cách thay thế cần gạt mưa cũng khá đơn giản và các chủ xe đều có thể thực hiện. Đầu tiên, dựng đứng cần gạt. Sau đó mở chốt khóa cần gạt để tháo cần gạt cũ ra khỏi chốt. Cuối cùng lắp cần gạt mới vào đúng vị trí.