4 lưu ý không thể bỏ qua khi xông hơi thuốc tại nhà

ThS.BS. Phạm Đức Thắng 15/08/2023 10:04

Xông hơi thuốc là phương pháp dùng hơi nước thuốc tác động vào vùng trị liệu nhằm mục đích điều trị bệnh. Đây là biện pháp có thể áp dụng tại nhà, nhưng cần thực hiện đúng cách...

1. Xông hơi thuốc có tác dụng gì?

Xông hơi thuốc gây tác động nhiệt lên cơ thể , giúp tăng bài tiết mồ hôi và chất cặn bã, giãn mạch ngoại vi, tăng lưu lượng máu, tăng cường sự trao đổi chất.

Hơn nữa, xông hơi còn giúp cải thiện chức năng hô hấp, làm giảm bớt tình trạng tắc nghẽn.

Đây là biện pháp chăm sóc sức khỏe vô cùng hiệu quả, được áp dụng trong nhiều bệnh lý khác nhau như : Cảm mạo Viêm mũi dị ứng, viêm xoang, mày đay, dị ứng, viêm da cơ địa, tổ đỉa, mụn trứng cá...Bệnh lý cơ xương khớp, viêm kết mạc, viêm phần phụ …

x1.jpg
Xông hơi thuốc là biện pháp tác động nhiệt lên cơ thể giúp chữa trị một số bệnh lý.

2. Trường hợp nào không được xông hơi thuốc?

Một số trường hợp sau đây không nên xông hơi thuốc:

- Người vừa uống rượu bia: Với các trường hợp này, xông hơi thuốc có thể làm cho mạch máu giãn nở quá mức dẫn đến những biểu hiện mệt mỏi , choáng váng, chóng mặt, buồn nôn... Nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến đột quỵ hoặc tử vong tại chỗ nếu không phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời.

- Người đang bị sốt: Xông hơi thuốc làm cho cơ thể mất nhiều nước hơn, đặc biệt là mất các chất điện giải và chất khoáng khiến cơ thể càng mệt thêm.

x2.png
Người đang bị sốt không nên xông hơi thuốc.

- Người bệnh tăng huyết áp : Các trường hợp bị tăng huyết áp mà chưa kiểm soát tốt không nên xông hơi thuốc do mạch máu có thể bị giãn nở đột ngột gây ra những biến chứng nghiêm trọng.

- Người già yếu:Người già yếu, cơ thể suy nhược, phụ nữ có thai và các trường hợp cấp cứu không nên xông hơi.

3. Thực hiện xông hơi thuốc đúng cách

Bước 1: Cho thuốc xông vào nồi, đổ nước ngập thuốc khoảng 2cm, đậy vung kín. Đun sôi thuốc trong khoảng thời gian từ 5 đến 10 phút. Đặt nồi nước xông vào vị trí xông trong buồng xông.

Bước 2: Người bệnh mặc quần áo lót, ngồi trước nồi xông, sử dụng tấm vải lớn hoặc chăn trùm kín toàn thân. Mở nắp vung cho hơi thuốc bốc ra từ từ vừa với sức chịu đựng của cơ thể. Vừa hít thở sâu hơi nước thuốc, vừa dùng dụng cụ khuấy nồi thuốc xông cho hơi thuốc bốc lên.

Bước 3: Ngồi xông cho đến khi thấy mồ hôi ở đầu, mặt, cổ, ngực, lưng toát ra thì dừng xông, thời gian khoảng 15 - 20 phút. Lấy khăn khô lau khô toàn thân và thay quần áo khô sạch.

x3.jpg
Thành phần xông hơi thuốc được sử dụng theo từng bệnh lý cụ thể.

4. Một số lưu ý khi xông hơi thuốc

Nhiệt từ hơi nước có thể gây bỏng do đó chỉ nên để nhiệt độ xông hơi cao hơn nhiệt độ cơ thể từ 7-8 độ C. Chú ý trong quá trình xông không để hơi nóng quá gần da gây bỏng và không được xông quá 30 phút. Do khi xông cơ thể sẽ bị mất nước nên cần uống bù nước ấm sau khi xông. Chú ý không uống nước lạnh vì gây mất cân bằng nhiệt trong cơ thể. Không nên tắm ngay sau khi xông vì khi ấy lỗ chân lông đang mở, nếu gặp lạnh sẽ dễ bị cảm lạnh, càng làm bệnh nặng hơn. Không nên xông nhiều lần hoặc xông liên tục sẽ khiến cơ thể bị mất nước , bệnh thêm nặng và gây nguy hiểm cho sức khỏe.

x4.png
Nhiệt độ xông hơi thuốc chỉ nên cao hơn nhiệt độ cơ thể 7-8 độ để tránh bị bỏng.

Một số bài thuốc xông thường dùng:

- Bài thuốc xông trị cảm mạo: Lá tre, sả, lá bưởi, ngải cứu, bạc hà, tía tô, kinh giới, hương nhu mỗi lá một nắm to (lưu ý: cho lá tre vào đun trước, lúc nước gần sôi thì cho sả vào và cuối cùng là các loại lá còn lại)

Sau khi xông nên ăn cháo hành, tía tô, cho thêm chút muối, để tăng cường hiệu quả giải cảm.

- Bài thuốc xông giảm đau lưng:

+ Bài thuốc 1: Lá lốt 40-50g, trinh nữ 40-50g, lá long não 20-30g và quế chi 15g. Nấu nước xông.

+ Bài thuốc 2: Hoắc hương, hy thiêm, tía tô, ngải cứu, địa liền mỗi loại 40-50g. Nấu nước xông.

- Bài thuốc xông trị mề đay: Kinh giới 20g, lá bưởi 20g, hương nhu 20g và thổ phục linh 20g. Nấu nước xông.

Theo Suckhoedoisong.vn
Copy Link
Mới nhất
x
4 lưu ý không thể bỏ qua khi xông hơi thuốc tại nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO