4 lý do các bạn trẻ không nên bỏ việc khi mới bắt đầu
Sự khởi đầu bao giờ cũng sẽ rất khó khăn, đặc biệt là đối với những người trẻ, các bạn sinh viên mới ra trường.
Trước khi nhận việc đa phần luôn mong muốn mình sẽ được làm việc trong một môi trường năng động, được học hỏi nhiều điều mới mẻ từ các đồng nghiệp cởi mở, thân thiện và có cơ hội thăng tiến. Thế nhưng mọi thứ sau đó không giống như tưởng tượng và chỉ sau một tuần bắt đầu bạn đã muốn thôi việc...
Nhưng khi bỏ việc quá sớm, có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nghề nghiệp bởi 4 lí do sau đây.
1. Khó nhận ra điểm mạnh, yếu của bản thân
Trưởng phòng Nhân sự CareerLink chia sẻ, khi rời bỏ công việc chỉ vừa mới bắt đầu sau vài ngày, đồng nghĩa rằng bạn vẫn chưa được tiếp xúc và trải nghiệm nhiều với vị trí này. Tất nhiên, khi mọi thứ diễn ra quá "chóng vánh" thì bạn không thể hiểu hết bản thân, chưa thể nhận ra được những mặt sở trường và mặt hạn chế của mình ở công việc hiện tại.
Vì vậy, đừng vội bỏ cuộc sớm, bạn sẽ không thể nhận ra khả năng thực sự và rất có thể sẽ tiếp tục phạm phải sai lầm khi ứng tuyển vào những công việc tiếp theo trong tương lai.
Ảnh minh họa |
2. Bỏ lỡ cơ hội để phát triển
Tình trạng khó khăn đang gặp phải thực sự có thể tốt cho bạn về lâu dài nhưng nếu rời đi quá sớm, bạn sẽ không bao giờ biết. Thông thường, sự phát triển chỉ xảy ra khi chúng ta thoát ra khỏi vùng thoải mái của mình và những khó khăn hiện tại là yếu tố giúp bạn ngày càng tiến bộ hơn. Nếu sớm bỏ cuộc trước những cam go, bạn sẽ mãi bị tụt lùi ở phía sau.
Thay vào đó, hãy giao tiếp với cấp trên một cách trung thực để yêu cầu sự hỗ trợ và kiên nhẫn hơn để nhận được những bài học đáng giá cũng như hoàn thiện bản thân mình hơn.
3. Bạn chưa sẵn sàng
Bạn sẵn sàng rời bỏ công việc nhưng có thể chưa thực sự sẵn sàng cho công việc tiếp theo. Nếu chỉ chạy theo danh hiệu, mức lương cao hơn ở một nơi khác mà chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chắc chắn bạn sẽ nhận về một sự khó chịu. Điều này có thể khởi nguồn cho một quá trình "hoảng loạn" hoặc nghi ngờ bản thân và nhanh chóng dẫn đến sự thôi thúc bạn cần phải rời đi một lần nữa. Và nếu bạn không tăng cường các kỹ năng hoặc duy trì sự tự tin cao độ trong thời gian đó, bạn sẽ phải "vật lộn" khi bắt đầu tìm một công việc khác.
Thay vì giả định các trở ngại là ở người quản lý, công ty hoặc đội nhóm của bạn, hãy nhìn vào bản thân. Bạn cần tìm ra nguyên nhân khiến bạn thất vọng và suy nghĩ về cách để cải thiện, chẳng hạn bạn không hài lòng vì thiếu sự hỗ trợ trong công việc, hãy thiết lập các mối quan hệ thân thiết với đồng nghiệp, cấp trên để đạt được điều đó.
4. Mất uy tín và ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân
Nếu bạn bỏ cuộc mà không tìm cách vượt qua thử thách và gặp phải khó khăn đó một lần nữa, bạn sẽ phải đối mặt với cảm giác sợ hãi tương tự. Ở công ty mới có thể nhiều vấn đề khác xuất hiện và bạn có thể cảm thấy khó khăn trong việc xử lý những lời chỉ trích mang tính xây dựng. Điều này khiến bạn trông như một người thiếu khả năng lẫn kỹ năng và sẽ làm suy giảm hình ảnh cá nhân dù bạn đang đảm trách vị trí nào đi nữa.
Bạn có thể phỏng vấn cho các công việc mới để có cái nhìn rộng hơn và tìm hiểu những gì bạn có thể làm, nhưng nó không ổn nếu điều đó là phương pháp "thoát hiểm" của bạn. Trước khi thực hiện bất kỳ động thái rời đi quá sớm nào, hãy dành thời gian để xác định những gì bạn thích ở công việc và chú ý đến các yếu tố khiến bạn sợ hãi, chẳng hạn như các phản hồi tiêu cực. Có thể sau một thời gian suy ngẫm bạn thực sự cần phải rời đi. Chỉ cần chắc chắn rằng bạn biết những gì mình làm và vì lí do thế nào.