4 nữ nhà báo phơi bày sự kinh hoàng của nghề cá Đông Nam Á

20/04/2016 17:08

Bốn nữ nhà báo của AP đã bất chấp hiểm nguy để điều tra mặt tối kinh hoàng trong nghề đánh bắt cá ở Đông Nam Á, giải cứu hơn 2000 nộ lệ, buộc những nước có liên quan thay đổi chính sách. Tác phẩm của họ đã xứng đáng nhận được giải Pulitzer danh giá.

Theo đó, loạt bài “Seafood from slaves” (Hải sản do nô lệ đánh bắt) của bốn nữ nhà báo Martha Mendoza, Robin McDowell, Esther Htusan và Margie Mason đã giúp AP giành giải ở hạng mục "Phục vụ cộng đồng" của Pulitzer.

Từ trái sang: bốn nữ nhà báo Martha Mendoza, Robin McDowell, Esther Htusan và Margie Mason của AP.
Từ trái sang: bốn nữ nhà báo Martha Mendoza, Robin McDowell, Esther Htusan và Margie Mason của AP.

“Seafood from slaves” đã phơi bày sự thật kinh hoàng sau ngành đánh bắt cá ở nhiều nước Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia. Trong đó, nhiều người bị giam cầm, bị bắt làm nô lệ, bị ép làm việc, bị đánh đập, cưỡng hiếp, thậm chí bị giết hại.

Theo AP, những phóng viên này đã phải bất chấp việc nguy hiểm tới tính mạng để điều tra. Họ đã từng bị các công ty truy đuổi, đe dọa. Thậm chí tàu của họ đã bị tấn công sau khi ngư dân tiếp cận họ để cầu xin sự giúp đỡ. Bốn nữ nhà báo đã từng phải nấp sau những chiếc xe tải tới 4 ngày liền để có thể tìm ra tên con tàu chở hải sản. Không chỉ vậy, những chiếc tàu này luôn được canh gác bởi các tay súng thuộc một băng đảng xã hội đen nào đó.

Họ theo dõi các xe tải tới các nhà máy lưu trữ lạnh, các nhà máy chế biến và sử dụng các dữ liệu hải quan và kinh doanh để tìm ra các nhà phân phối ở Mỹ sẽ tiêu thụ những sản phẩm này.

Phó chủ tịch, Tổng biên tập AP Kathleen Carroll cho hay: “Các nhà báo AP đã hoàn thành hai mục tiêu. Họ tìm thấy những người nô lệ bị giam cầm, trái với những tuyên bố của ngành này cho rằng vấn đề (nô lệ) đã được giải quyết. Họ tìm ra được đường đi của hải sản do nô lệ đánh bắt tới các cửa hàng, siêu thị (ở Mỹ), do vậy, các công ty không thể phủ nhận được”.

Bà Carroll nói: "Với lòng dũng cảm, sự liêm chính và kiên cường, đội nữ nhà báo này đã làm rung chuyển cả ngành xuất khẩu thủy sản có trị giá lên tới 7 tỷ USD/năm của Thái Lan, buộc chính phủ, các tập đoàn và người tiêu dùng phải nhìn nhận vấn đề”.

Cuộc điều tra của các nữ nhà báo AP đã giúp giải cứu hơn 2000 nô lệ, lật tẩy và bắt giữ hàng chục kẻ buôn người, thu giữ những chiếc tàu đánh bắt trị giá hàng triệu USD. Quốc hội Mỹ cũng đã đề xuất dự luật yêu cầu có sự minh bạch lớn hơn từ các nhà cung cấp thực phẩm.

Trước khi xuất bản bài đầu tiên hồi tháng 3/2015, AP đã tìm sự giúp đỡ của Tổ chức di cư Quốc tế để giải cứu những người đàn ông đã nhờ giúp đỡ trên đảo Benjina của Indonesia. Một tuần sau đó, hàng trăm nô lệ khác được cứu thoát.

Đây là giải thưởng Pulitzer lần thứ 52 của AP nhưng là giải đầu tiên trong hạng mục Phục vụ Cộng đồng.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Associated Press (AP) của Mỹ. Đây là hãng tin lớn nhất trên thế giới, có trụ sở tại New York. AP cũng là một trong những nguồn cung cấp tin tức lớn nhất cho các tờ báo, đài truyền hình và đài phát thanh trên thế giới.

Theo Infonet

TIN LIÊN QUAN

4 nữ nhà báo phơi bày sự kinh hoàng của nghề cá Đông Nam Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO