5 cách sử dụng giúp xe số bền hơn

news.zing.vn 05/03/2019 17:47

Sử dụng số hợp lý, phanh đúng cách, không ép côn, thay lọc gió, lọc dầu đúng hạn… là những cách giúp chiếc xe của bạn bền hơn.

1. Sử dụng số hợp lý

Một trong những tật xấu thường gặp nhất của lái xe là không về số thấp khi dừng đỗ tạm thời, dừng đèn đỏ, hoặc điều khiển xe tốc độ thấp trong khi vẫn để số cao. Thới quen này sẽ làm xe bạn “ngốn” xăng nhiều hơn và động cơ phải hoạt động trong tình trạng yếu, máy ì, nhanh lão hóa hơn.

Thông thường, nếu để ý trên các bảng đồng hồ công-tơ-mét của các dòng xe số, nhà sản xuất thường chỉ định rõ ràng tốc độ hợp lý nhất. Chẳng hạn, trong khoảng từ số 1 đến số 2 tốc độ là 20 km/h, từ số 2 – 3: 20 – 40 km/h, số 3 – 4: 40 – 60 km/h… Do đó, bạn hãy sử dụng số hợp lý để xe luôn được vận hành trong điều kiện tốt nhất, luôn về số thấp khi đi chậm hay dừng đèn đỏ hoặc sau khi phanh.

2. Phanh đúng cách

Tất cả xe máy đều có 2 phanh nằm ở bánh trước và bánh sau, vì thế, bạn nên nhớ hãy luôn giữ chân phải lên bàn đạp phanh khi điều khiển xe và tay phải đặt trên cần phanh tay. Nếu chỉ sử dụng phanh trước, nguy cơ bị trượt bánh trước là rất cao. Còn nếu sử dụng chỉ phanh sau, sẽ có nguy cơ chiếc xe bị văng, trượt.

Trong cả hai trường hợp, nếu may mắn xe không bị lật, đổ thì bạn cũng mất một quãng đường phanh dài cho tới khi chiếc xe dừng hẳn lại. Cách tốt nhất phanh đồng thời cả hai phanh trước/sau theo nguyên tắc để phanh sau bám trước rồi mới bóp phanh trước.

3. Không ép côn

Tật ép côn để rồ ga, tăng độ vọt ở xe số thường gặp ở các bạn trẻ, tuy nhiên bạn không nên làm điều này nếu không muốn phải thay côn thường xuyên hoặc luôn phải nghe tiếng hú khó chịu của ly hợp khi vận hành. Thông thường đối với các xe côn tự động hoặc côn tay, bộ ly hợp được sử dụng vào mục đích cho xe chuyển tốc độ theo từng bước số. Việc giữ chân, tay để thực hiện thao tác ép côn rồi thả mạnh đột ngột nhằm tăng tốc cho xe sẽ khiến cho hệ thống ly hợp phải hoạt động với cường độ mạnh, dễ gây hỏng.

4. Thay lọc gió, lọc dầu đúng hạn

Lọc gió có tác dụng ngăn mọi bụi bẩn, tạp chất lọt vào động cơ, nếu chúng bị rách, hỏng sẽ không thể cung cấp chuẩn xác lượng gió cho chế hòa khí, dẫn tới các hiện tượng như: xe ăn xăng nhiều hơn, khó nổ vào buổi sáng, không thể đạt được công suất tối đa. Còn nếu để lọc dầu tắc, nhiệm vụ thanh lọc các tạp chất lẫn trong dầu buồng máy sẽ bị ảnh hưởng nếu như không được thay mới đúng lúc. Lọc dầu khi tắc sẽ gây ra hiện tượng thiếu dầu cho động cơ. Điều này khiến xe vận hành bị nóng hơn và dễ xảy ra hiện tượng bó máy.

5. Không đấu nối thêm đèn điện, dùng phụ gia ngoài

Gần đây, nhiều vụ cháy xe khi đang vận hành có nguyên nhân từ việc chủ xe đấu nối thêm các thiết bị điện từ ngoài vào. Các thiết bị như: còi đôi, đèn pha công suất lớn, đèn chớp, đèn màu trang trí… lắp thêm đều là nguyên nhân chính khiến bình ắc quy, đi ốt xạc, cuộn điện bị hỏng; thậm chí gây cháy xe. Nguyên nhân chính là do khi lắp đặt thêm những thiết bị, cuộn điện không sản sinh đủ công suất, dây điện bị chập cháy do quá tải hoặc bình ắc quy nhanh bị hao điện.

Mới nhất

x
5 cách sử dụng giúp xe số bền hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO