5 địa danh 'rùng rợn' thách thức phượt thủ Việt

10/12/2017 18:14

Nhà tù Hỏa Lò, khu nhà nguyện bỏ hoang ở Đà Lạt hay công viên nước bỏ hoang ở Huế được mệnh danh là những địa điểm “rùng rợn”, thách thức lòng can đảm của phượt thủ.

Hỏa Lò - nhà tù ghê rợn với máy chém thời trung cổ

Nhà tù Hỏa Lò nằm trên phố Hoả Lò, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (vốn nằm trên đất làng Phụ Khánh thuộc tổng Vĩnh Xương huyện Thọ Xương) được thực dân Pháp xây dựng năm 1896, tức là chỉ 4 năm sau khi "địa ngục trần gian" bắt đầu xây dựng ở Côn Đảo.

Hỏa Lò có tổng diện tích hơn 12.000 m2, là một trong những nhà tù lớn và kiên cố bậc nhất Đông Dương lúc bấy giờ.

Những bức tượng bằng gỗ tái hiện cảnh tù đày khủng khiếp ở nhà tù Hỏa Lò
Những bức tượng bằng gỗ tái hiện cảnh tù đày khủng khiếp ở nhà tù Hỏa Lò

Theo bình chọn của CNN, nhà tù Hỏa Lò đứng top đầu trong danh sách các địa danh rùng rợn nhất Đông Nam Á. Nhà tù chật chội, tù túng, đầy rẫy cảnh tượng tù nhân bị tra tấn, hành hình. Hiện nay, nhà tù Hỏa Lò vẫn còn dựng những bức tượng bằng gỗ, tái hiện lại cảnh tù đày khủng khiếp và những năm tháng đau thương trong ký ức nhiều người.

Phế tích nhà thờ đá hoang sơ ở Ba Vì

Vườn Quốc gia Ba Vì không chỉ nổi tiếng bởi những con đường xanh bạt ngàn mà còn kích thích sự tò mò của những người ưa khám phá, bởi sự rêu phong, hoài cổ của những khu di tích giữa rừng già. Nổi bật trong số đó phải kể đến nhà thờ đá cổ xây dựng từ thời Pháp thuộc.

Ảnh: Kenu Nguyễn
Ảnh: Kenu Nguyễn

Nhà thờ nằm ở độ cao 800 mét giữa tán rừng già cổ thụ, do bị bỏ hoang đã nhiều năm nên phần mái của nhà thờ không còn nữa, giáo đường trơ trọi, âm u giữa rừng cây lá um tùm. Trên bức vách, dấu thập tự phủ một màu hoài cổ, hắt tia nắng chiều bàng bạc qua ô cửa sổ.

Ở đây, sương lúc nào cũng lẩn khuất, thỉnh thoảng sà xuống bao trùm lấy ngôi thánh đường. Màu xanh của rêu, màu xám của nấm mốc, màu bạc của sương mù tạo nên một không gian huyền ảo. Tuy đã đổ nát do thời cuộc và thời gian, phong rêu phủ kín, nhưng nét hoang sơ và những gì còn sót lại tại đây mang đậm dư vị của kiến trúc Pháp cổ, càng làm kích thích tò mò của những người yêu thích du lịch, khám phá.

Bí ẩn nhà nguyện bỏ hoang ở Đà Lạt

Tu viện bỏ hoang đầy bí ẩn nằm trên đường Hùng Vương, TP. Đà Lạt đang là điểm đến của nhiều người, không phải bởi sắc màu của những vườn hoa, cũng không phải bởi con đường quanh co bên rừng thông dẫn tới những ngôi biệt thự lưng chừng dốc… mà bởi nét kiến trúc nguyên sơ bị tàn phá, phủ màu rêu mốc và những câu chuyện ma mị thêu dệt theo thời gian.

Nét kiến trúc cổ kính, rêu phong của nhà nguyện bỏ hoang thu hút du khách ưa khám phá, mạo hiểm
Nét kiến trúc cổ kính, rêu phong của nhà nguyện bỏ hoang thu hút du khách ưa khám phá, mạo hiểm

Nhà nguyện có kiến trúc kết hợp giữa phương Tây và phương Đông. Hệ thống mái ngói kiểu phương Đông được kéo suốt từ gác chuông qua mái vòm tới các không gian chính và phụ. Những ô cửa sổ và cửa chính mang đậm bóng dáng kiến trúc Gothic đặc trưng của phương Tây với mái vòm.

Người dân địa phương kể lại rằng nơi đây trước là nhà dòng, sau đó trở thành khách sạn Lâm Viên, rồi trường chuyên Thăng Long, sau này là trường trung học Trần Phú. Kể từ khi nhà nguyện đóng cửa, nơi đây trở nên u tối.

Đến bây giờ, khu nhà nguyện này thuộc sự quản lý của Đại học Kiến trúc, nhưng trường chưa sửa chữa và đưa vào sử dụng, để lớp bụi thời gian tiếp tục bao phủ những ô cửa kính vỡ vụn theo thời gian, hành lang u tối đầy cỏ dại...

Biệt thự quái dị thử thách lòng can đảm của du khách

Công trình này ban đầu có tên là Biệt thự Hằng Nga, sau được đổi thành “Crazy House” hay “Ngôi nhà quái dị” được xây dựng từ năm 1990 trên khuôn viên rộng gần 1.900 m2, ở số 3 đường Huỳnh Thúc Khánh (TP. Đà Lạt, Lâm Đồng).

Công trình gồm nhiều tòa nhà nối tiếp nhau được xây dựng với hình thù khá độc đáo, kì dị.
Công trình gồm nhiều tòa nhà nối tiếp nhau được xây dựng với hình thù khá độc đáo, kì dị.

Ngôi nhà điên nổi tiếng vì kiến trúc độc đáo đến quái dị, với vẻ bề ngoài trông như những gốc cây, hang động giữa rừng già, hoặc một phần cơ thể của những con thú hoang dã. Ngay từ cổng vào, du khách sẽ "đập vào mắt" một tấm mạng nhện to đùng, tất nhiên không phải bằng tơ nhện thật, mà là dây thép nhưng rất ấn tượng. Bước tiếp qua những bậc thang nhỏ xíu, xoắn ốc... là khách sạn Hốc Cây và lâu đài Mạng Nhện.

Đó là hai thân cây cổ thụ làm bằng bê tông, trong đó có những căn phòng đầy đủ tiện nghi cần thiết của một khách sạn sang trọng, mang tên của các loài vật như: kangourou, hổ, gấu, trĩ, khỉ...

Một khối nhà chính trông giống như thân cây khô, phía trong là cầu thang lên xuống theo hình xoắn ốc tự do và các phòng riêng biệt.
Một khối nhà chính trông giống như thân cây khô, phía trong là cầu thang lên xuống theo hình xoắn ốc tự do và các phòng riêng biệt.

Đẹp nhất vẫn là phòng “quả bầu” - cũng chính là phòng cao nhất và được khách du lịch quốc tế rất thích. Đêm về, nếu ngủ trong căn phòng này, nhìn thẳng lên trần nhà có thể thỏa thích ngắm nhìn trăng sao...; đồng thời có thể đốt củi, giữ ấm suốt đêm để ngủ mà không cần đắp chăn.

Công viên nước Hồ Thủy Tiên ở Huế

Công viên Hồ Thủy Tiên được mở cửa từ năm 2004 trong tình trạng còn chưa hoàn thiện, nhưng công viên này đã không bao giờ được hoàn thiện, thậm chí còn sớm bị bỏ hoang khi không thể thu hút đông du khách tìm đến nơi này, dần dần, nó bị lãng quên và chỉ còn tự nhiên đảm nhận nhiệm vụ “trang trí”.

Cảnh quan hoang lạnh, vắng lặng nơi đây khiến Hồ Thủy Tiên bỗng trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách ưa phiêu lưu.
Cảnh quan hoang lạnh, vắng lặng nơi đây khiến Hồ Thủy Tiên bỗng trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách ưa phiêu lưu.

Công trình này được tờ Daily Mail (Anh) giới thiệu là một điểm đến không thể bỏ qua đối với những du khách ưa phiêu lưu, mạo hiểm.

Một du khách đang thám hiểm công trình bị bỏ hoang.
Một du khách đang thám hiểm công trình bị bỏ hoang.

Tất cả những gì được lắp đặt cho công viên này vẫn còn nguyên vẹn, nhưng đặt cạnh sự “bủa vây” của thiên nhiên sau hơn một thập kỷ bị quên lãng, công viên Hồ Thủy Tiên càng mang đậm vẻ hoang lạnh kỳ quái, hấp dẫn du khách.

Theo Dantri

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
5 địa danh 'rùng rợn' thách thức phượt thủ Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO