5 điều chưa biết về lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump

(Baonghean.vn) - Ngày 20/1 tới đây, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức, trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Quá trình chuẩn bị cho lễ nhậm chức có nhiều điều đặc biệt hơn so với các tổng thống nhiệm kỳ trước.

Cùng Báo Nghệ An tìm hiểu những điều đặc biệt trước lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Trump.

1. An ninh cho lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Trump khủng cỡ nào?

 Các nhân viên đang chuẩn bị cho buổi lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ảnh Daily Mail
Các nhân viên đang chuẩn bị cho buổi lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ảnh Daily Mail

Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Johnson cho biết: "Không có mối nguy hiểm hiện hữu cụ thể nào đối với buổi lễ nhậm chức", nhưng không vì thế mà họ được phép bỏ qua mọi tình huống. "Môi trường khủng bố toàn cầu rất khác so với năm 2009 và 2013 tại lễ nhậm chức của Tổng thống Barack Obama", ông Johnson nói. Do vậy, lực lượng thực thi luật pháp Mỹ phải lưu tâm tới chủ nghĩa cực đoan bạo lực tồn tại ngay trong lòng nước Mỹ và cả các hành động tấn công kiểu sói đơn độc và những người tự cực đoan hóa.

Cụ thể, để tránh các cuộc tấn công theo kiểu máy bay không người lái, lực lượng an ninh Mỹ sẽ đưa các tấm kính chống đạn cỡ khủng để bảo vệ buổi lễ. Lính bắn tỉa của chính phủ Mỹ sẽ liên tục tuần tra trên các nóc nhà. Lực lượng điều tra liên bang Mỹ (FBI) sẽ đưa những thiết bị dò sinh học, phóng xạ và hóa học tới quanh khu vực diễn ra buổi nhậm chức.

Khu vực diện tích 2,7 dặm ở trung tâm Washington, nơi diễn ra buổi lễ diễu hành truyền thống dọc Đại lộ Pennsylvania sẽ bị cấm các loại xe lưu thông. Bất cứ ai đi bộ vào khu vực này sẽ phải trải qua quá trình kiểm tra an ninh gắt gao.

Tất cả những người tới xem buổi lễ đều không được phép mang nhiều thứ bên mình, ngoại trừ điện thoại di động, máy quay và ví tiền. Họ còn bị cấm mang bóng bay, xe đạp, thiết bị chiếu laser, lọ thủy tinh, các gói đồ và các loại vũ khí tới đây. Nhà chức trách Mỹ còn bố trí các xe tải chở đầy xi măng, các xe buýt và xe hạng nặng tới để ngăn chặn một vụ đâm xe vào đám đông như ở Pháp hồi năm ngoái.

2. Người xướng ngôn trong lễ nhậm chức của ông Trump là ai?

 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1 tới. Ảnh: CNN.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1 tới. Ảnh: CNN.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã phá lệ không chọn ông Charlie Brotman, 89 tuổi, người từng làm xướng ngôn viên trong lễ nhậm chức của 11 đời Tổng thống kể từ thời Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower năm 1957.

Thay thế ông Brotman là ông Steve Ray, 58 tuổi, một phát thanh viên tự do tại Washington. Ông Ray được mời làm người xướng ngôn trong lễ nhậm chức của Tổng thống thứ 45 của Mỹ vào ngày 20/1/2017. Đặc biệt, ông Charlie Brotman sẽ được vinh danh là Người xướng ngôn danh dự và là khách mời VIP trong buổi lễ nhậm chức của Tổng thống Trump.

Ông Steve Ray tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Báo chí Phát thanh vào năm 1980. Sau khi ra trường, ông Steve Ray làm công việc phát thanh trong hơn 30 năm. Gần đây, ông Ray là người dẫn chương trình Radio News và được nhiều người biết đến. Ông cũng đọc các bài dài trong mảng quốc tế cho hãng tin Reuters.

Không chỉ thành công trong sự nghiệp báo chí - phát thanh, ông Ray còn là một diễn viên. Ông đã đóng nhiều vai phụ trong phim nhựa và phim truyền hình. Trong đó, ông có vai diễn đáng chú ý trong bộ phim “House of Cards” và "Die Hard".

Trước khi được mời làm người xướng ngôn trong lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump, ông Steve Ray từng là tình nguyện viên tham gia vận động cho Tổng thống Donald Trump trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

3. Lễ nhậm chức của Trump sẽ tốn kém kỷ lục: 200 triệu USD

Hai sĩ quan Mỹ đóng giả Donald Trump và vợ Melania tập dượt cho buổi tuyên thệ nhậm chức ở Washington, ngày 15-1 - Ảnh: Reuters
Hai sĩ quan Mỹ đóng giả Donald Trump và vợ Melania tập dượt cho buổi tuyên thệ nhậm chức ở Washington, ngày 15-1 - Ảnh: Reuters

Nghi lễ chuyển giao quyền lực trong hòa bình giữa các đời tổng thống Mỹ có chi phí khổng lồ. Theo Washington Post, cộng tổng các khoản, lễ nhậm chức của tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump năm nay, diễn ra vào ngày 20/1, sẽ tiêu tốn từ 175 đến 200 triệu USD, bao gồm các buổi tiệc và bữa tối chính thức, sự kiện hòa nhạc, lễ tuyên thệ tại trụ sở Quốc hội, lễ diễu hành, tiệc khiêu vũ cùng chi phí an ninh. Trong đó, 70 triệu USD đến từ những nhà ủng hộ tư nhân do ông Trump vận động, số còn lại trích từ ngân sách chính phủ.

Lễ tuyên thệ vào ngày 20/1 do Ủy ban Hỗn hợp của Quốc hội về Nghi lễ Nhậm chức chịu trách nhiệm tiến hành, có chi phí trên một triệu USD và do chính quyền liên bang chi trả. Số tiền bỏ ra chủ yếu dùng để dựng một sân khấu hoành tráng ở phía tây tòa nhà Quốc hội, đồng thời tổ chức tiệc trưa cho tân tổng thống cùng phó tổng thống (Vé sự kiện ngoài trời đa phần do các thành viên Thượng viện và Hạ viện phân phát, thường dành cho cử tri).

Công đoạn chuẩn bị an ninh, di chuyển, cấp cứu và dọn dẹp là phần ngốn nhiều tiền của nhất. Chính quyền liên bang Mỹ vào năm 2005 và 2009 phải bỏ ra lần lượt 115 triệu USD và 124 triệu USD cho công tác này. Theo New York Times, năm nay, riêng chi phí an ninh bảo vệ lễ nhậm chức của ông Trump đã lên tới 100 triệu USD.

Dù vậy, theo giới chuyên gia, dù chi phí cao, lợi nhuận mà các lễ nhậm chức tổng thống mang lại cho kinh tế địa phương là rất lớn. Lễ nhậm chức năm nay của ông Trump ước tính sẽ mang về cho Washington D.C hàng trăm triệu USD.

4. Giai điệu trong lễ nhậm chức của ông Trump

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tại một sự kiện ở Hershey, bang Pennsylvania ngày 15/12/2016. Ảnh: AP/TTXVN
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tại một sự kiện ở Hershey, bang Pennsylvania ngày 15/12/2016. Ảnh: AP/TTXVN

Trong lễ tuyên thệ nhậm chức ngày 20/1 của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, sẽ có một giai điệu được phát hai lần, dành riêng cho ông chủ Nhà Trắng thứ 44 Brack Obama và người kế nhiệm Trump, điều này khiến công chúng muốn tìm hiểu thêm về bài hát có tên "Hail to the Chief" này.

"Hail To The Chief" được coi là bài hát chính thức để chào mừng Tổng thống Mỹ. Giai điệu này lần đầu tiên vang lên tại “xứ sở cờ hoa” từ hơn 205 năm trước. 

Cụm từ "Hail to the Chief" có “quê nhà” tại Scotland và ra đời từ năm 1810 trong bài thơ "The Lady of the Lake" của Walter Scott. Theo đó bài thơ này không hề có liên quan tới nước Mỹ hay tổng thống của “xứ sở cờ hoa”.

Tuy nhiên nội dung trong bài thơ đã được chuyển thể thành vở nhạc kịch cùng tên và tạo thành công vang dội ở thời điểm đó. Trong những bài hát thuộc vở nhạc kịch "The Lady of the Lake" đã vượt đại dương sang Mỹ, "Hail to the Chief" thực sự gây ấn tượng.  Sau đó, giai điệu được thêm lời hát để ca ngợi người lãnh đạo nước Mỹ và từng được chơi trong buổi lễ mừng ngày sinh nhật Tổng thống đầu tiên George Washington vào năm 1815.

CNN dẫn lời các nhà sử học cho biết "Hail to the Chief" sau đó được chơi trong lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Mỹ thứ 8 Martin Van Buren năm 1837 và ông chủ Nhà Trắng thứ 10 John Tyler năm 1841. Trong thời gian Tổng thống thứ 11 James Polk tại nhiệm (1845 -1849), "Hail to the Chief" liên tục được chơi bất cứ khi nào tổng thống bước vào phòng trong một sự kiện.


5. Ông Trump tuyên thệ điều gì trong lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ?

Ông Donald Trump trong đêm tuyên bố thắng cử - Ảnh: AP
Ông Donald Trump trong đêm tuyên bố thắng cử - Ảnh: AP

Trong lễ nhậm chức, ông Trump sẽ phải đọc câu tuyên thệ như bao đời Tổng thống Mỹ từ trước đến nay. Nguyên văn của câu tuyên thệ: “Tôi trịnh trọng thề/xác nhận rằng tôi sẽ đảm đương vị trí tổng thống Mỹ một cách trung thành, và làm hết khả năng để giữ gìn, duy trì và bảo vệ Hiến pháp Mỹ”.

Các tổng thống Mỹ đều có thể lựa chọn 1 trong 2 từ swear (thề) và affirm (xác nhận). Tuy nhiên, trong tất cả các đời tổng thống từ trước tới nay, chỉ có duy nhất tổng thống Franklin Pierce (1853-1857) là lựa chọn sử dụng “xác nhận” thay cho “thề”.

Theo Hiến pháp Hoa Kỳ có hiệu lực từ năm 1789, phải có cụm từ “Xin Chúa giúp tôi” đối với lời tuyên thệ của tất cả các thẩm phán và nhân viên chính phủ, ngoại trừ tổng thống Mỹ.

Trong bài diễn văn cuối cùng trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama đã cam kết: “Tôi cam kết với Tổng thống đắc cử Donald Trump là chính quyền của tôi sẽ bảo đảm một quá trình chuyển giao suôn sẻ, thuận lợi như mà Tổng thống Bush đã tiến hành trong giai đoạn chuyển giao quyền lực cho tôi trước đây”.

Thái Bình

(Tổng hợp)

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó. 

Israel chuẩn bị cho kịch bản ở các khu vực khác ngoài Gaza

Israel chuẩn bị cho kịch bản ở các khu vực khác ngoài Gaza

(Baonghean.vn) - Israel đang tiếp tục cuộc chiến ở Gaza nhưng cũng đang chuẩn bị cho kịch bản ở các khu vực khác, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết ngày 11/4, trong bối cảnh lo ngại rằng Iran đang chuẩn bị tấn công Israel để đáp trả việc sát hại các chỉ huy cấp cao của Iran.