5 dự án vũ khí tối mật vô tình bị rò rỉ thông tin

Nguyễn Hoàng 26/06/2018 07:08

Cả ba cường quốc quân sự Nga, Mỹ và Trung Quốc đều từng làm lộ thông tin về vũ khí bí mật trước khi chúng được giới thiệu chính thức.

Xe tăng K2 Black Panther của Hàn Quốc. Ảnh: Sputnik

Các cường quốc quân sự trên thế giới luôn bảo mật chặt chẽ những thông tin về vũ khí thế hệ mới như máy bay, tàu chiến hoặc xe tăng. Tuy nhiên, không có quốc gia nào tránh được hoàn toàn những trường hợp vô tình làm rò rỉ các chi tiết quan trọng cho công chúng hoặc chính đối thủ của mình, theo Sputnik.

Xe tăng K2 Black Panther

Năm 2007, quân đội Hàn Quốc ra mắt mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực K-2 có khối lượng 55 tấn với đơn giá lên đến 8,5 triệu USD. Dự án phát triển K-2 do Cơ quan Phát triển Quốc phòng và công ty Hyndai Rotem phối hợp triển khai và thử nghiệm ở những địa điểm rất bí mật.

Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2000, nhiều bức ảnh chụp mẫu xe tăng này với tháp pháo phủ bạt kín đã lọt vào tay giới báo chí. Các chuyên gia quân sự nhanh chóng tính toán được kích thước và khối lượng của xe tăng với sai số rất thấp, đồng thời còn phát hiện được loại vũ khí chủ lực của xe là pháo nòng trơn Rheinmetall 120 mm. Trong khi đó, hệ thống điện tử, thiết bị liên lạc và phòng vệ chủ động của K-2 vẫn được giấu kín.

Tàu thử nghiệm Sea Shadow

IX-529 Sea Shadow là mẫu tàu thử nghiệm tàng hình do Cơ quan Nghiên cứu các dự án Quốc phòng tiên tiến (DARPA) thuộc Lầu Năm Góc và tập đoàn Lockheed Martin phối hợp phát triển cho hải quân Mỹ trong giai đoạn giữa những năm 1980.

Dù đã triển khai những biện pháp bảo mật cao như chuyển địa điểm sản xuất ra biển và chỉ thử nghiệm vào ban đêm, truyền thông Mỹ vẫn phát hiện ra Sea Shado, được mô tả như một vật thể nổi không xác định, nhiều năm trước khi mẫu tàu này chính thức ra mắt vào năm 1993. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ khi đó đã đánh lừa được báo chí khi tuyên bố rằng đây chỉ là chiếc tàu khai thác mỏ của tỷ phú Howard Hughes.

Pháo điện từ lắp trên tàu chiến Trung Quốc

Pháo điện từ được Trung Quốc thử nghiệm hồi tháng 2/2018. Ảnh: Twitter

Đầu tháng 2/2018, mạng xã hội lan truyền bức ảnh một khẩu pháo hạng nặng bí ẩn được lắp trên một tàu chiến Trung Quốc. Báo cáo tình báo Mỹ hồi tuần trước nhận định đây là loại pháo điện từ mới, dự kiến được Bắc Kinh biên chế chính thức trước năm 2025.

Mẫu pháo điện từ của Trung Quốc có thể đạt tầm bắn 200 km và sơ tốc đầu nòng 9.300 km/h, cho phép tiêu diệt mọi mục tiêu bị nhắm bắn trong vòng 90 giây. Mỗi quả đạn pháo điện từ của Trung Quốc có giá ước tính từ 25.000-50.000 USD. Đây được coi là giải pháp giúp tàu chiến tấn công chính xác mục tiêu với chi phí tương đối rẻ, so với các loại tên lửa hành trình có giá tới hàng triệu USD.

Tiêm kích tàng hình J-20

Mẫu tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-20 của Trung Quốc chính thức được công khai vào tháng 1/2011. Tuy nhiên, vào năm 2009, các hình ảnh về mẫu chiến đấu cơ này đã xuất hiện tràn ngập trên mạng Internet, sau khi một quan chức Bắc Kinh thông báo dự án đã bước vào giai đoạn sắp hoàn thiện.

Theo một giả thuyết, quân đội Trung Quốc đã cố tình làm rò rỉ các bức ảnh nhằm phô trương về dự án mới. Công chúng có dịp quan sát rõ hơn mẫu chiến đấu cơ của Trung Quốc tại triển lãm hàng không năm 2016.

Ngư lôi hạt nhân Poseidon

Tài liệu về dự án Status 6 mà truyền hình Nga để rò rỉ hồi tháng 11/2015. Ảnh: RT

Dự án phát triển ngư lôi hạt nhân Status-6 bị rò rỉ vào tháng 11/2015 khi đài truyền hình Nga vô tình chiếu cảnh quay có bản thiết kế chi tiết loại vũ khí này trong lúc đưa tin cuộc họp quốc phòng có sự tham dự của Tổng thống Vladimir Putin.

Ban đầu tình báo Mỹ nhận định đây chỉ là một chiến dịch tuyên truyền của quân đội Nga, nhưng sau đó đã xác nhận Moskva đã chính thức thử nghiệm Status-6 và coi đây là "mối đe dọa chiến lược lớn" đối với các cảng biển, căn cứ quân sự ven biển và các nhóm tác chiến tàu sân bay.

Cuối tháng 3, quân đội Nga chính thức đặt tên cho mẫu ngư lôi này là Poseidon sau hơn 10 ngày lấy ý kiến bình chọn từ người dân.

Theo vnexpress.net
Copy Link
Mới nhất
x
5 dự án vũ khí tối mật vô tình bị rò rỉ thông tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO