5 nguyên tắc giúp con không “sập bẫy” kẻ ác khi dùng Internet
Ngày nay, các gia đình vẫn cho con vào mạng Internet để học tập và nói chuyện cùng bạn bè. Tuy nhiên, có những nguyên tắc cần thiết lập để con không gặp nguy hiểm.
Không tiết lộ thông tin cá nhân
Phụ huynh phải nhắc nhở trẻ không được tiết lộ các thông tin cá nhân gồm có tên, email, số điện thoại, địa chỉ nhà riêng hoặc tên trường học, địa chỉ trường cho những người bạn không biết hoặc những người mới quen. Bởi trẻ thường không lường trước được những hậu quả có thể xảy ra.
Cha mẹ phải nói rõ và tâm sự cùng trẻ những nguy cơ có thể đến nếu như người xấu biết được các thông tin này. Trẻ có suy nghĩ non nớt, chưa va chạm với cuộc sống nhiều nên có thể tiết lộ mà không hề biết có thể đang tiếp tay cho cái xấu.
Đừng quá tin người khác
Khi nói chuyện qua mạng, không phải ai cũng cung cấp thông tin về bản thân một cách trung thực. Ngoài ra, có những thông tin trên mạng không chính xác, trẻ cần cảnh giác. Cha mẹ cần nói cho con hiểu điều này nhằm tránh hậu quả xấu xảy ra.
Muốn gặp ai quen trên mạng phải xin phép
Trong cuộc sống ngày này, việc quen một người bạn qua mạng không còn là điều mới. Tuy nhiên, cha mẹ phải nói cho con hiểu, nếu muốn gặp một ai đó quen qua mạng cần xin phép người lớn.
Để đảm bảo an toàn, cha mẹ nên có mặt trong cuộc gặp. Nếu con tự tiện gặp có thể bị kẻ xấu gây những hành động nguy hiểm mà không thể lường trước được. Nhiều vụ việc cho thấy các cô gái bị bạn quen qua mạng lừa bán, lừa đảo hoặc cướp tài sản vẫn được báo chí đưa tin là lời cảnh báo cần nâng cao cảnh giác.
Không trả lời tin nhắn, email của người không quen
Cha mẹ nên đưa ra lời khuyên với con không chấp nhận lời kết bạn từ người lạ hay những người không quen biết trên mạng xã hội. Khi con sử dụng email, bạn cần hướng dẫn trẻ không mở các tệp tin khả nghi, tệp tin từ địa chỉ không rõ ràng hoặc người không quen.
Bởi, các email đó có thể chứa virus hoặc các thông tin độc hại. Với một người lạ, người không quen biết, con không nên trả lời tin nhắn hoặc email.
Tạo sự thoải mái để con kể những vấn đề gặp phải khi dùng mạng
Nhiều phụ huynh thường giữ vẻ mặt cau có, không gần gũi với con, kém cởi mở khiến trẻ không tâm sự hay kể lể những điều xảy ra xung quanh. Nếu cha mẹ cởi mở, con sẽ cảm thấy an toàn khi chia sẻ với bạn về bất kỳ người nào hay hành vi khiến con cảm thấy lo lắng hay khó chịu.
Trong cuộc sống, cha mẹ lắng nghe và trò chuyện với con sẽ khiến con cảm thấy thoải mái để chia sẻ mọi vấn đề. Đây cũng là cách rút ngắn khoảng cách giữa cha mẹ với con cái. Nếu như bạn thấy con ít chia sẻ, có nghĩa bé đang sợ bạn hoặc không muốn bố mẹ biết điều gì đó.