5 tác dụng giúp đậu bắp được ví 'nhân sâm xanh'

Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ 14/06/2023 17:50

Đậu bắp được trồng khắp các vùng ở nước ta nhưng phổ biến là miền Nam. Nó là món ăn ngon và phòng chống nhiều bệnh tật.

Đậu bắp được trồng nhiều ở nước ta, nó là cây thân thảo. Nhiều người không thích ăn đậu bắp vì nó nhớt. Tuy nhiên, đây là loại quả tốt cho sức khỏe, được ví như nhân sâm xanh.

Cho tới nay, nhiều nghiên cứu báo cáo thành phần hóa học của đậu bắp bao gồm:

Quả tươi giàu chất nhầy, hydrat carbon (tinh bột, đường, palmatin, stearin), protein, flavonoid, scopoletin và các vitamin như A, B1, B2, B3, B9; vitamin C, E, K, các khoáng chất canxi, sắt, kẽm, kali, magie.

Lá của đậu bắp còn chứa các khoáng chất như K, Mg, Na, Ca, Fe, Mn, Zn, tannin, chất nhầy và giàu các dẫn xuất flavonoid.

Rễ chứa polysaccharide, carbonhydrate, dầu, chất nhầy, flavonoid và một số thành phần tác động chống oxy hóa.

Hạt chứa 15-20% chất dầu lỏng, xanh, mùi dễ chịu, thành phần chủ yếu là Acid oleic, palmitic và stearic. Hạt có chứa protein giàu dinh dưỡng, lipid, chất xơ và carbonhydrat và các thành phần có tác động chống oxy hóa như bêta-caroten, catechin, epicatechin, rutin, quercetin, procyanidin B1, procyanidin B2.

Đậu bắp không chỉ là món ăn quen thuộc trong bữa cơm hằng ngày, có thể chế biến đa dạng món ngon như luộc, xào tỏi, nấu canh chua,… mà còn rất giàu dinh dưỡng, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Thứ nhất, tác dụng trên hệ tiêu hóa: Đậu bắp được dùng để điều trị bệnh lỵ, tiêu chảy trong viêm đường ruột cấp tính và kích thích dạ dày, ruột. Quả đậu bắp chứa nhiều chất xơ và chất nhầy có tác dụng nhuận tràng nhẹ, giúp trợ tiêu hóa.

Ngoài ra, chất nhầy còn được sử dụng để điều trị loét dạ dày và tá tràng. Chất nhầy của quả đậu bắp với liều 1g/kg ức chế đáng kể các vết loét và không làm ảnh hưởng đến độ pH dạ dày. Cơ chế có thể là do chất nhầy của quả đậu bắp tạo thành một lớp bảo vệ niêm mạc dạ dày, đồng thời có thể làm tăng tiết chất nhầy trên bề mặt các tế bào biểu mô.

Theo một số nghiên cứu gần đây, hợp chất glycosyl hóa của vỏ đậu bắp các tác động ức chế sự thâm nhập và bám dính của vi khuẩn Helicobacter pylori vào lớp niêm mạc dạ dày giúp cải thiện tình trạng loét trên bệnh nhân.

Thứ hai, chống oxy hóa, bảo vệ gan: Nhiều nghiên cứu chứng minh tác động chống oxy hóa và bảo vệ gan của các thành phần khác nhau của cây đậu bắp. Procycanidin B2, procyanidin B1 và rutin trong hạt là thành phần có hoạt tính chống oxy hóa. Polyphenol, flavonoid trong các bộ phận khác nhau của cây đậu bắp (hoa, quả, lá và hạt), cao nhất trong hoa, có tác dụng chống oxy hóa.

Thứ ba, giảm mệt mỏi: Hạt đậu bắp chứa nhiều hơn các polyphenol và flavonoid so với vỏ quả và đây chính là phần có tác động chống mệt mỏi của quả đậu bắp.

Thứ tư, tác dụng hạ đường huyết và lipid máu: Đậu bắp được chứng minh qua rất nhiều nghiên cứu (nhất là đối với vỏ quả và lá). Trái đậu bắp làm giảm đường huyết sau ăn, giảm HbA1c và cải thiện lipid máu. Các cơ chế đậu bắp làm hạ đường huyết do kích thích tổng hợp glycogen ở gan, chậm hấp thu glucose ở ruột do ức chế men alpha glucosidase, kích thích tái sinh tế bào beta tụy. Đậu bắp làm giảm hấp thu lipid trong thức ăn, ức chế tân tạo mỡ, hỗ trợ điều trị hội chứng chuyển hóa, giảm lipid máu rõ rệt. Loại quả này giúp giảm huyết áp bằng cơ chế lợi tiểu kèm ức chế men chuyển (giống với cơ chế thuốc hạ huyết áp).

Thứ năm, đậu bắp là món ăn tốt dành cho xương khớp: Nhờ bởi chất nhầy và các thành phần khoáng chất phong phú trong trái đậu bắp, giúp ngăn ngừa, phòng chống bệnh loãng xương.

Lưu ý khi dùng: đậu bắp lành tính và không độc, có thể sử dụng lâu dài mà không có tác dụng phụ. Tuy nhiên, đậu bắp có tác dụng hỗ trợ hạ đường huyết và huyết áp rất hiệu quả. Vì vậy, dùng nhiều quá sẽ có nguy cơ dẫn đến tụt đường huyết và huyết áp quá mức, nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng cho người bệnh đái tháo đường và huyết áp. Khi chế biến đậu bắp nên nấu ở nhiệt độ vừa phải để đảm bảo giá trị dinh dưỡng. Người bị lạnh bụng, tiêu chảy, không nên dùng đậu bắp.

Theo vietnamnet.vn
Copy Link
Mới nhất
x
5 tác dụng giúp đậu bắp được ví 'nhân sâm xanh'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO