5 tướng bại trận dưới tay Đại tướng Võ Nguyên Giáp
(Baonghean.vn) - Trong suốt cuộc trường chinh giành lại độc lập của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX, chủ nghĩa thực dân Pháp, đế quốc Mỹ với đội quân hiện đại và mạnh nhất thế giới đã phải gục ngã dưới chân những người lính nông dân "chân dép lốp" do Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp chỉ huy.
1. Tướng Philippe leclerc
Vị tướng Pháp đầu tiên bại trận trước Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Tướng 4 sao Philippe leclerc là người bị thất bại đầu tiên. Tướng Philippe leclerc nhậm chức tại Việt Nam vào tháng 8/1945, đến tháng 6/1946 bị triệu hồi vì thất bại trong chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh”.
Trong thời kỳ này, núp bóng quân Anh, quân Pháp đã gây hấn ở Nam Bộ rồi đưa quân ra Hải Phòng, Lạng Sơn, phá bỏ các hiệp định, tạm ước đã ký với Chính phủ ta, quyết bắt sống cơ quan đầu não chính quyền Nhà nước non trẻ. Tuy nhiên, kế hoạch ấy đã bị phá sản nhanh chóng vì bị các lực lượng vũ trang của ta giam chân không thể tốc tiến thực hiện ý đồ.
2. Tướng Henri Navarre
Báo chí nước ngoài từng ca ngợi Navarre như một danh tướng có thể “uốn nắn lại tình hình Đông Dương…” |
Henri Eugène Navarre (31/7/1898 - 26/9/1983) là một tướng quân đội Pháp từng tham gia chiến đấu trong Chiến tranh thế giới I, Chiến tranh thế giới II và là Tổng chỉ huy quân đội Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ. gày 07/5/1953, Tướng Henri Navarre được cử sang làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương.
Do tự tin quá mức và đánh giá thấp năng lực của Việt Minh nên đã dẫn tới thất bại của Navarre. Năm 1956, Navarre nghỉ hưu và xuất bản cuốn sách “Đông Dương hấp hối” đổ lỗi thất bại của ông này ở Đông Dương cho bản chất hệ thống chính trị, trí thức, chính trị gia, nhà báo và các nhà hoạt động chủ nghĩa cộng sản của Pháp.
3. Tướng De Castries
Chiều 7/5/1954, Tướng de Castries (giữa) và Bộ tổng chỉ huy Pháp tại chiến trường Ðiện Biên Phủ ra đầu hàng, chấm dứt giấc mộng bá chủ Ðông Dương của thực dân Pháp. |
Tướng De Castries (1902-1991) là chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm kiêm chỉ huy cao nhất của quân Pháp trong trận đánh Điện Biên Phủ. Việc Tướng De Castries bị bắt sống ngay tại căn hầm của mình ngày 7/5/1954 đã đánh dấu sự thảm bại của quân Pháp trong cuộc chiến.
Nhắc tới chiến bại Điện Biên Phủ, Tướng De Castries đã bày tỏ sự thán phục tài cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. "Tướng Giáp là một người thông minh, dũng cảm, một người giỏi chỉ huy du kích. Ông ấy cũng giỏi về chính trị, về chủ nghĩa cộng sản. Chúng tôi đã thấy rõ điều đó. Nay qua trận Điện Biên Phủ, tôi thấy Tướng Giáp không những giỏi về chỉ huy đánh du kích, mà còn giỏi cả về chỉ huy trận địa chiến, chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng, và cả về nghi binh đánh lừa tình báo đối phương”, Tướng De Castries chia sẻ.
4. Tướng William Westmoreland
Đại tướng William Westmoreland - Tổng tư lệnh quân đội Mỹ trong Cuộc chiến tranh Việt Nam (1964 - 1968). |
William Westmoreland, sinh năm 1914 và qua đời năm 2005, trước khi tham gia vào cuộc chiến tranh tại miền Nam Việt Nam đã từng là một vị tướng lừng lẫy trong Thế chiến II cũng như tại cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953). Westmoreland bắt đầu tham gia cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam vào tháng 7 năm 1963. Lúc đó, Westmoreland là một trung tướng giữ chức Phó Tư lệnh Bộ chỉ huy Cố vấn quân sự Mỹ, dưới quyền của Đại tướng Paul Harkins.
Đến tháng 8 năm 1964, ông thay thế tướng Paul Harkins và trở thành vị chỉ huy cấp cao nhất của quân đội Mỹ tại chiến trường Việt Nam. Cho đến lúc qua đời, vị đại tướng 4 sao của quân đội Mỹ vẫn không tin rằng mình từng thất bại tại chiến trường Việt Nam, nơi ông đã chỉ huy một lực lượng binh lính đông đảo nhất trong suốt cuộc chiến tranh ở Đông Dương.
5. Tướng McNamara
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Strange McNamara bắt tay Tướng Giáp trong cuộc gặp mặt năm 1995 ở Hà Nội. |
Robert Strange McNamara được cho là “kiến trúc sư trưởng” của cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Ông sinh năm 1916 tại San Francisco, California và mất năm 2009 tại Washington, Mỹ. Sau khi đến Việt Nam lần đầu vào tháng 4/1962, McNamara cho biết: "Mọi tính toán định lượng có được đều chứng tỏ rằng chúng ta đang thắng". McNamara còn tuyên bố có thể dành thắng lợi tại Việt Nam trong vòng 3 tới 4 năm nữa.
Năm 1965, ngoài việc đem hàng chục ngàn binh sĩ vào miền Nam Việt Nam, các chiến đấu cơ đã thực hiện 55.000 phi vụ, thả 33.000 tấn bom xuống miền Bắc Việt Nam. Năm sau, số vụ dội bom tăng lên 148.000, với 128.000 tấn bom. Tuy nhiên, kết quả không được như Mỹ mong đợi, năm 1966, McNamara đã tỏ ra chán nản: “Không lượng bom nào có thể chấm dứt được chiến tranh” ở Việt Nam.
Thái Bình
(Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN |
---|