6 bước tự bảo dưỡng điều hòa tại nhà giúp tiết kiệm chi phí

Ngọc Anh 22/04/2018 14:29

(Baonghean.vn) - Điều hòa nhiệt độ sau một thời gian sử dụng cần phải bảo dưỡng, vệ sinh định kỳ, nếu không dễ gây hư hỏng nặng. Để đảm bảo sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện năng, dưới đây là những bước vệ sinh điều hòa tại nhà đơn giản nhưng hiệu quả.

1. Kiểm tra hoạt động của máy

  • Trước khi bảo dưỡng điều hòa cần kiểm tra tình trạng bên ngoài của dàn nóng/lạnh (vỏ máy); kiểm tra các điểm nối điện xem chúng có đạt yêu cầu và độ an toàn; kiểm tra khả năng lưu thông gió của dàn nóng/lạnh; loại bỏ vật cản nếu cần thiết.

2. Vệ sinh dàn nóng

Dàn nóng là nơi tiếp xúc môi trường bên ngoài với nhiều bụi bẩn, côn trùng nên cần được vệ sinh đúng cách. Tháo nắp dàn nóng, dùng máy bơm áp lực nhỏ xịt nước theo dạng tia vào các khe của dàn tản nhiệt nhằm tẩy sạch lớp bụi bẩn, côn trùng bám. Chú ý quan sát xem dàn nóng có được che chắn cẩn thận không, dây tiếp đất còn nguyên vẹn không,…

Trong quá trình xịt rửa, cần tránh tối đa việc làm dàn nóng bị móp biến dạng. Nếu làm biến dạng các lá kim loại thì dùng vật mỏng đầu nhọn vuốt theo chiều dọc cho thẳng, tránh làm thủng các ống môi chất xuyên trong các lá kim loại.

3. Vệ sinh dàn lạnh

Khi tiến hành vệ sinh dàn lạnh, hãy dùng bơm áp lực phun nước trực tiếp vào dàn lạnh, phun từ từ lên dàn và quạt dàn lạnh đến khi thấy hết bẩn. Có thể dùng các chất tẩy rửa chuyên dụng để làm sạch bụi bẩn và khử mùi hôi. Sau đó, làm khô dàn lạnh rồi lắp đúng vị trí.

Nhớ kiểm tra cả ống thoát nước dư.

4. Rửa sạch lưới lọc không khí

Lưới lọc không khí là nơi rất hay bị bám bụi, gây ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu suất, cũng như ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt của gia đình.

Để làm vệ sinh lưới lọc, trước hết bạn cần tháo mặt dàn lạnh, rút lưới ra rồi để lưới lọc ở dưới máy nước và phun rửa sạch. Sau đó vẩy khô rồi cắm vào mặt máy lắp lại. Lưới lọc không khí rất dễ bám bụi nên phải vệ sinh khoảng 2 - 4 tuần/ lần.

5. Kiểm tra lưu lượng gas điều hòa

Kiểm tra lượng gas điều hòa bằng cách quan sát 2 ống đồng nối vào dàn nóng. Nếu cả 2 ống nhỏ và lớn đều không ướt, sờ vào không lạnh, gió thổi ra dàn nóng không nóng, cần liên lạc với nhân viên kỹ thuật để nạp gas bổ sung nếu cần thiết.

Đồng thời kiểm tra đường ống dẫn gas, nhất là tại các mối nối để tránh tình trạng máy bị rò rỉ gas.

6. Chạy thử điều hòa

Chạy thử cũng là một bước rất quan trọng trong bảo dưỡng điều hòa. Khi chạy thử, phải chú ý đến tiếng kêu của động cơ, tiếng va đập, có mùi hôi hay không… nhằm sớm phát hiện các lỗi phát sinh trong quá trình bảo dưỡng.

Nếu máy chạy êm, làm mát nhanh và không có dấu hiệu bị chảy nước là đã bảo dưỡng thành công.

Dấu hiệu cần bảo dưỡng điều hòa

- Tiếng ồn thường xuyên phát ra trong dàn lạnh và phía ngoài dàn nóng; đặc biệt sẽ cảm nhận rõ rệt hơn vào ban đêm.

- Gió thổi ra tại vị trí dàn lạnh không đều và yếu, thường chỉ thổi được một góc dàn lạnh. Một số trường hợp trong dàn lạnh điều hòa thổi ra rạng sương.

- Kiểm tra áp suất gas điều hòa thấy thiếu hụt quá mức cho phép; hoặc kiểm tra dòng khởi động thấy thấp hoặc cao hơn mức cho phép...

- Điều hòa bốc ra các mùi khó chịu.

- Mức tiêu thụ điện thấy điều hòa tăng cao so với những tháng sử dụng trước đó.

Theo Tổng hợp
Copy Link

Mới nhất

x
6 bước tự bảo dưỡng điều hòa tại nhà giúp tiết kiệm chi phí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO