6 dấu hiệu nhận biết trẻ rối loạn nhân cách trong tương lai
Không khó để nhận biết một đứa trẻ có nguy cơ rối loạn nhân cách hoặc chuộng bạo lực khi lớn lên. Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý để có thể uốn nắn con cái ngay từ nhỏ, hạn chế sự phát triển lệch lạc trong tương lai.
Những năm đầu đời là vô cùng quan trọng với mỗi cá nhân, cha mẹ không chỉ nuôi dưỡng mà còn phải có trách nhiệm trong việc dạy dỗ và hình thành cách nhìn của trẻ với thế giới xung quanh.
Các chuyên gia cho biết, ngay từ khi mới 3 tuổi, dấu hiệu của một đứa trẻ nhiều khả năng bị rối loạn hành vi rất dễ để có thể nhận thấy. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh lại không quan tâm hay cho rằng chúng không đáng kể.
JM Macdonald, một nhà tâm lý học người Mỹ đã phân tích hành vi của khoảng 100 tên tội phạm để rút ra 6 lưu ý dành cho cha mẹ dưới đây.
1. Ác với động vật
Sự tàn nhẫn với các loài vật là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của rối loạn tâm thần ở trẻ.
Khi bạn giải thích cho một đứa trẻ rằng không được kéo đuôi con mèo hoặc kéo dây xích của con chó, nếu trẻ hiểu và không lặp lại những hành động này trong tương lai, thì bạn không phải lo lắng gì cả. Tuy nhiên, nếu trẻ vẫn tỏ ra bạo lực hoặc thậm chí giết chúng, đó là lúc bạn cần hành động ngay.
Đây là cách mà những tên tội phạm tương lai thể hiện sự tức giận của họ. Hơn nữa, họ thường giết những nạn nhân theo cách tương tự như đã làm hại động vật. Thậm chí, FBI Mỹ còn thống kê các trường hợp lạm dụng động vật trong báo cáo phạm tội hằng năm của họ.
Chân dung Jeffrey Dahmer, một kẻ từng giết 15 người . Hãy chú ý cách anh ta giữ con mèo hồi nhỏ. |
2. Mắc chứng tè dầm
Không có gì chắc chắn rằng một đứa trẻ trên 6 tuổi mà vẫn còn tè dầm sẽ trở thành một kẻ điên loạn trong tương lai. Tuy nhiên, rối loạn này lại là nguyên nhân sâu xa của các hành vi bạo lực ở một đứa trẻ vì chúng thường bị chê cười dẫn tới tức giận. Nếu cha mẹ không phản ứng kịp thời, để trẻ phải một mình đối mặt với sự nhạo báng, xúc phạm thì sẽ khiến nhân cách chúng phát triển lệch lạc.
Trong quá khứ, kẻ sát nhân Andrei Chikatilo của Liên bang Xô viết mắc chứng tè dầm và thường bị mẹ mình đánh đập, từ đó dẫn đến tâm lý muốn nhìn những đứa trẻ khác phải chịu đau đớn. |
3. Vi phạm các quy tắc
Hầu như đứa trẻ nào cũng từng ở trong tình huống vì lo sợ mà buộc phải nói dối. Nhưng cũng có nhiều trẻ thường xuyên nói dối hoặc không tuân theo các quy tắc dù cho hình phạt có nặng đến đâu bởi chúng coi việc làm sai chính là niềm vui.
Như một đứa trẻ ăn cắp đồ chơi không hẳn vì chúng cần nó, chúng chỉ cảm thấy vui vẻ với việc làm của mình. Những đứa trẻ như vậy rất dễ trở thành tội phạm trong tương lai
4. Không biết hối lỗi
Khi bị trừng phạt, một đứa trẻ bình thường sẽ rất sợ sệt và vội vàng xin lỗi. Tuy nhiên, với trẻ luôn thể hiện sự kiêu hãnh, tự tin vì lỗi lầm của mình, đây là lúc người lớn thật sự phải chú ý để tìm ra hướng hành động cho thích hợp.
Những đứa trẻ luôn có tâm lý không phải do lỗi của bản thân mình thường có vấn đề về cách cư xử trong tương lai. Tất nhiên, không phải ai có tính cách này cũng sẽ trở thành một kẻ rối loạn nhân cách, nhưng nó cũng là một lý do quan trọng để tìm kiếm sự giúp đỡ từ một nhà tâm lý học.
5. Chuyên bắt nạt những đứa trẻ khác
Tất nhiên, không phải đứa trẻ nào hay bắt nạt các bạn cũng đều bị rối loạn nhân cách. Một người trở thành kẻ bắt nạt vì nhiều lý do: do muốn được chú ý, muốn thể hiện quyền lực, do bắt chước cha mẹ hay thần tượng của mình... Nhưng nếu con bạn làm điều đó chỉ vì thích và tận hưởng cảm giác làm đau người khác, rất có thể sẽ trở thành tội phạm trong tương lai.
6. Không nhạy cảm
Con bạn không dễ sợ hãi hoặc xúc động như những đứa trẻ khác. Trẻ em nếu không dễ dàng rơi vào trạng thái căng thẳng, chúng sẽ không có cảm giác sợ những việc làm sai trái.