6 loại tài sản xác lập quyền sở hữu toàn dân

Thái Bình 17/03/2018 06:38

(Baonghean.vn) - Thủ tướng chỉ thị rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng;Ban hành Bảng phân loại tiêu dùng theo mục đích gia đình; Điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; Phó Thủ tướng yêu cầu quản lý, xử lý các hình thức thanh toán điện tử phi pháp;... là những chỉ đạo nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng.

1. Thủ tướng chỉ thị rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng

Tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng
Tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông; đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích để giảm thời gian thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng.

Cụ thể: Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng từ 82 ngày theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2017 xuống còn tối đa 63 ngày (giảm 19 ngày); trong đó, thẩm định thiết kế cơ sở giảm tối thiểu 5 ngày, thẩm định thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công giảm tối thiểu 4 ngày và cấp giấy phép xây dựng giảm tối thiểu 10 ngày; trong trường hợp các thủ tục này do cùng một có quan thực hiện thì có thể tự cân đối thời gian đối với từng thủ tục bảo đảm tổng thời gian giảm đối với 3 thủ tục trên là 19 ngày.

Cơ quan chủ trì, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trên là các Bộ Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Công an, Quốc phòng; các Sở: Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương. Thời gian hoàn thành năm 2018.

2. Ban hành Bảng phân loại tiêu dùng theo mục đích gia đình

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Bảng phân loại tiêu dùng theo mục đích của hộ gia đình Việt Nam.

Quyết định này quy định chi tiết danh mục và nội dung của Bảng phân loại tiêu dùng theo mục đích của hộ gia đình Việt Nam được sử dụng thống nhất trong hoạt động thống kê nhà nước.

Cụ thể, danh mục Bảng phân loại tiêu dùng theo mục đích của hộ gia đình Việt Nam gồm 4 cấp: Cấp 1 gồm 13 mã; cấp 2 gồm 56 mã; cấp 3 gồm 180 mã; cấp 4 gồm 347 mã.

Trong đó, cấp 1 gồm các mã sau: Lương thực, thực phẩm và đồ uống không cồn; đồ uống có cồn, thuốc lá và chất gây nghiện; quần áo và giầy dép; nhà ở, điện, nước, ga và các nhiên liệu khác; đồ đạc, thiết bị gia đình và bảo dưỡng đồ dùng gia đình; y tế; giao thông vận tải; thông tin và truyền thông; giải trí và văn hóa; giáo dục và đào tạo; dịch vụ ăn uống và lưu trú; dịch vụ bảo hiểm và tài chính; chăm sóc cá nhân, bảo trợ xã hội và hàng hóa, dịch vụ khác. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 20/4/2018.

3. Triển khai Đề án tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (Đề án 896) vừa ký quyết định ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án này năm 2018.

Theo đó, năm 2018, các Bộ, ngành và cơ quan liên quan sẽ thực hiện xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư của các Bộ, ngành và các hoạt động khác.

Về xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong năm 2018, Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tổ chức các lớp đào tạo báo cáo viên, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghiệp vụ thu thập thông tin dân cư tại địa phương. Bộ Công an chủ trì tổ chức triển khai thu thập, cập nhật dữ liệu dân cư vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ Công an, Bộ Tư pháp chủ trì triển khai mở rộng cấp số định danh cá nhân.

4. Phó Thủ tướng yêu cầu quản lý, xử lý các hình thức thanh toán điện tử phi pháp

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chiều 15/3, Văn phòng Chính phủ đã phát đi văn bản của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao các cơ quan rà soát tình hình và đề xuất biện pháp quản lý, xử lý việc sử dụng các hình thức thanh toán trên internet liên quan tới các hành vi vi phạm pháp luật.

Theo Văn phòng Chính phủ, qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng và hoạt động internet thời gian qua, nổi lên hiện tượng tội phạm công nghệ cao, tội phạm trên internet sử dụng một số hình thức thanh toán mới để thanh toán cho các hoạt động phi pháp như đánh bạc, mua bán hàng hóa, dịch vụ phi pháp,...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, trong tháng 5/2018 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình và đề xuất biện pháp quản lý, xử lý đối với việc sử dụng các hình thức thanh toán trên internet, đặc biệt là các hoạt động thanh toán liên quan tới các hành vi phạm pháp luật (trốn thuế, đánh bạc, rửa tiền,...).

5. Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án phòng chống HIV/AIDS

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2018 - 2020” do Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét (Quỹ Toàn cầu) tài trợ.

Mục tiêu của Dự án góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam, khống chế tỷ lệ lây nhiễm HIV trong quần thể dân cư nói chung dưới 0,3% và giảm tác động của HIV/AIDS đối với phát triển kinh tế, xã hội.
Kết quả chính của Dự án là các gói dịch vụ thiết yếu can thiệp dự phòng HIV tiếp tục được triển khai và mở rộng; các phương pháp xét nghiệm mới được triển khai mở rộng tại 32 tỉnh, thành phố. Phân cấp xét nghiệm khẳng định HIV được mở rộng đến tuyến huyện để tạo điều kiện chẩn đoán sớm hơn và kết nối với chăm sóc.

6. Hỗ trợ đầu thu truyền hình số qua vệ tinh cho hộ nghèo, cận nghèo

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020.

Trong nhóm giải pháp về tài chính sửa đổi quy định: Việc sử dụng kinh phí từ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích để hỗ trợ đầu thu truyền hình số thực hiện theo nguyên tắc hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện hỗ trợ tại địa bàn thuộc vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất; hỗ trợ đầu thu truyền hình số qua vệ tinh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện nhận hỗ trợ tại địa bàn thuộc vùng phủ sóng truyền hình tương tác mặt đất trước thời điểm ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất nhưng không thuộc vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất.

Việc sử dụng kinh phí từ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích để hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ khác của Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 thực hiện theo Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

7. Khẩn trương đề xuất giải pháp xử lý tồn tại một số dự án ngành Công Thương

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại phiên họp thứ năm Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.

Thông báo kết luận nêu rõ, năm 2017, Ban Chỉ đạo, các Bộ và các doanh nghiệp đã bám sát nguyên tắc, quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ, công việc đề ra, đạt kết quả tích cực ban đầu; tình hình tại doanh nghiệp, dự án có chuyển biến tích cực như: Công ty cổ phần DAP 1 Đình Vũ - Hải Phòng, Thép Việt - Trung đã bù đắp được chi phí sản xuất, kinh doanh và bắt đầu có lãi; một số dự án, doanh nghiệp đã khởi động lại và duy trì sản xuất khá ổn định, giá bán cao hơn chi phí biến đổi nên đã giảm lỗ; một số Công ty: PVTEX Đình Vũ – Hải Phòng, Ethanol Quảng Ngãi đã có hướng xử lý rõ hơn, như khắc phục các vướng mắc về kỹ thuật, hợp tác để khởi động nhà máy, hợp tác để tìm kiếm thị trường tiêu thụ…

8. 6 loại tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân

Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu là tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân
Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu là tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân

1- Tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật gồm: Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu; vật chứng vụ án, tài sản khác bị tịch thu theo quy định của pháp luật về hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự.

2- Tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy, tài sản không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước theo quy định của Bộ luật dân sự; hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan.

3- Tài sản của quỹ xã hội, tài sản của quỹ từ thiện bị giải thể nhưng không có quỹ khác có cùng mục đích hoạt động nhận tài sản chuyển giao hoặc bị giải thể do hoạt động vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thuộc về Nhà nước theo quy định của Bộ luật dân sự (tài sản của quỹ bị giải thể).

4- Tài sản do tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ nhưng chưa hạch toán ngân sách nhà nước và hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác cho Nhà nước Việt Nam (tài sản do chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước).

5- Tài sản do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam theo cam kết sau khi kết thúc thời hạn hoạt động.

6- Tài sản được đầu tư theo hình thức đối tác công tư được chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng dự án.



Theo Tổng hợp
Copy Link
6 loại tài sản xác lập quyền sở hữu toàn dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO