6 'ông lớn' FDI vào lĩnh vực công nghệ, thiết bị điện tử ở Nghệ An là ai?
(Baonghean.vn) - Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam, kết thúc năm 2023, Nghệ An thu hút được 1,6 tỷ USD, là 1 trong 10 tỉnh, thành thu hút đầu tư FDI tốt nhất cả nước.
Ngày 20/12 vừa qua, Nghệ An đã hoàn thành thủ tục cấp phép cho Nhà máy Radiant Opto –Electronics Việt Nam Nghệ An vào Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP tại huyện Hưng Nguyên. Dự án trị giá 120 triệu USD này đã đưa tổng mức thu hút FDI năm 2023 của Nghệ An lên 1,6 tỷ USD; trong đó, số vốn thu hút vào Khu Kinh tế Đông Nam là 1,596 tỷ USD và ngoài khu kinh tế là 6,02 triệu USD.
Trên phạm vi cả nước, Nghệ An là địa phương số ít thu hút được 6 tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới về sản xuất thiết bị linh kiện điện tử vào đầu tư, kinh doanh. Cụ thể, đó là các "ông lớn":
+ Tập đoàn Luxshare có tổng mức đầu tư vào Nghệ An là 290 triệu USD với 2 dự án: Luxshare ICT 1 trị giá 140 triệu USD và Luxshare 2 trị giá 150 triệu USD, tại Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An (Hưng Nguyên). Tập đoàn này sản xuất linh kiện điện tử với các sản phẩm: Dây cáp cho thiết bị điện tử thông minh; thiết bị số hóa tín hiệu tiếng nói và truyền qua mạng; thiết bị khuyếch tán tín hiệu, thiết bị truyền thông; bút cảm ứng, đèn chiếu sáng, khóa điện tử, bộ đàm; tem định vị thông minh,...
+ Tập đoàn Goertech cam kết đầu tư 500 triệu USD và giai đoạn 1 đầu tư dự án 100 triệu USD tại Khu Công nghiệp WHA Industrial Zone 1- Nghệ An. Tập đoàn Goertek năm 2022 vinh dự được góp mặt trong tốp 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam.
+ Tập đoàn Foxconn, đối tác hàng đầu của Apple đầu tư dự án 100 triệu USD tại Khu Công nghiệp WHA Industrial Zone 1- Nghệ An. Tập đoàn này chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử cho các công ty lớn của Mỹ, Canada, Trung Quốc, Phần Lan và Nhật Bản. Hiện tập đoàn đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư triển khai dự án với diện tích 48 ha tại Nghệ An.
+ Tập đoàn Everwin Precision cam kết đầu tư 400 triệu USD, trong đó giai đoạn 1 đầu tư 200 triệu USD tại Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An. Dự án này được Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào ngày 6/1/2021, với quy mô diện tích hơn 43 ha. Đây là dự án chuyên sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị truyền thông và các sản phẩm điện tử dân dụng.
Cuối tháng 11 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã thông qua chủ trương đầu tư dự án Nhà máy công nghệ Everwin Precision (Nghệ An), nhà máy thứ hai của tập đoàn này. Dự án cũng được đầu tư tại Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên trên diện tích gần 16,5ha, có tổng vốn đầu tư là 115 triệu USD (tương đương 2.806 tỷ đồng), từ 100% vốn góp của nhà đầu tư.
+ Tập đoàn JuTeng đầu tư dự án 200 triệu USD, xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện sản phẩm điện tử và phụ tùng ô tô JuTeng tại Khu công nghiệp Hoàng Mai I, được Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 30/12/2021, với quy mô diện tích hơn 120 ha. Sau gần 9 tháng kể từ khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Tập đoàn Quốc tế Ju Teng đã hoàn thành các thủ tục theo đúng quy định và hiện đang tổ chức xây dựng nhà xưởng. Dự án sẽ sử dụng khoảng 6.000 - 9.000 lao động và là một trong những dự án trọng điểm mà tỉnh Nghệ An mời gọi đầu tư.
+ Tập đoàn Sunny đầu tư dự án 150 triệu USD tại Khu Công nghiệp WHA Industrial Zone 1- Nghệ An. Dự án của Tập đoàn Sunny chuyên về sản xuất, gia công, lắp ráp mô đun camera, màn hình, đèn xe thông minh, chiếu sáng thông minh, gia công lắp ráp các thiết bị quang điện, thấu kính thuỷ tinh, thấu kính nhựa. Dự án triển khai trên diện tích 42,8 ha, công suất thiết kế với sản lượng camera ô tô 60 triệu sản phẩm/năm, các sản phẩm khác 5 triệu sản phẩm/năm.
Với 6 "ông lớn" đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, Nghệ An trong tương lai hứa hẹn sẽ là một trong những trung tâm sản xuất thiết bị linh kiện điện tử lớn của các nước, tạo việc làm cho gần 90.000 lao động.
Nghệ An đặt mục tiêu thu hút từ 3-3,5 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025 và 4,5-5 tỷ USD trong giai đoạn 2025-2030, tương đương với chỉ tiêu thu hút từ 900 triệu đến 1 tỷ USD mỗi năm. Cụ thể, trong năm tới, ngoài thu hút dự án đầu tư khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại xã Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai), Nghệ An đang xúc tiến và làm thủ tục cho một số các dự án đầu tư khác và kết quả rất khả quan.
Hai năm qua, Nghệ An đã thực hiện “5 sẵn sàng” trong thu hút đầu tư và phục vụ nhà đầu tư. Đó là: chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng về mặt bằng; huy động và ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng thiết yếu; tập trung nâng cao chất lượng nguồn lao động; tăng cường hỗ trợ đồng hành cùng các nhà đầu tư hạ tầng hiện có; tiếp tục cải thiện thực chất môi trường đầu tư; đồng thời, tháo gỡ 4 rào cản, thách thức về thiếu mặt bằng sạch; chất lượng nguồn nhân lực còn chưa cao; kết cấu hạ tầng, dịch vụ logistics còn nhiều hạn chế, xa các trung tâm và cực phát triển…
Ông Lê Tiến Trị- Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam cho biết: Sau khi thu hút được 3 nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp có uy tín và chuyên nghiệp là VSIP, WHA và Hoàng Thịnh Đạt, tỉnh tập trung cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp làm thủ tục.
Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, trước đó Nghệ An “đi trước mở đường” về quy hoạch như đề xuất điều chỉnh mở rộng Khu Kinh tế Đông Nam từ 20.776 ha lên 80.000 ha và định hướng mở rộng lên 105.000 ha; đồng thời, ưu tiên đầu tư các hạ tầng trọng điểm như Cảng nước sâu Cửa Lò (3 bến), nâng cấp Cảng Hàng không quốc tế Vinh; đầu tư thi công đấu nối một số công trình hạ tầng giao thông và kho bãi dịch vụ logistics với các khu công nghiệp, cảng biển, sân bay… Các điều kiện thu hút đầu tư thuận lợi hơn khi Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Năm 2023, Nghệ An cấp mới 18 dự án, với số vốn đăng ký 1.323,38 triệu USD và điều chỉnh 11 dự án, với số vốn 271,17 triệu USD cho các khu công nghiệp trong khu kinh tế. Trong 2 dự án ngoài khu kinh tế có 1 dự án cấp mới trị giá 4,2 triệu USD và 1 dự án điều chỉnh, với 1,82 triệu USD.