7.000 tỷ đồng tái cấu trúc ngành lúa gạo

12/10/2016 16:10

Đề án tái cấu trúc đặt mục tiêu duy trì và sử dụng linh hoạt 3,8 triệu ha đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Sản xuất lúa ở miền Tây được xác định hướng đến thị trường trong và ngoài nước ở phân khúc gạo chất lượng cao. Ảnh: Cửu Long
Sản xuất lúa ở miền Tây được xác định hướng đến thị trường trong và ngoài nước ở phân khúc gạo chất lượng cao. Ảnh: Cửu Long

Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) vừa thông qua đề án tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo Việt Nam giai đoạn 2020 tầm nhìn 2030 với tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng.

Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Trồng trọt, bên cạnh việc đáp ứng thị trường trong nước, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu lúa gạo theo hướng tăng giá trị và phát triển vững bền…

Có 25 chương trình, dự án tập trung thực hiện gồm quy hoạch, rà soát quy hoạch hoàn chỉnh hạ tầng đồng ruộng, chuyển đổi đất lúa; nghiên cứu chọn tạo giống; tổ chức sản xuất và cơ giới hóa; chế biến, thát triển thị trường, xây dựng thương hiệu…

Trong đó, việc hoàn chỉnh đồng ruộng, nâng cấp giao thông và thủy lợi nội đồng, hệ thống điện phục vụ sản xuất tại các vùng chuyên canh lúa ở miền Tây, đồng bằng sông Hồng và duyên hải nam Trung bộ có vốn đầu tư tới 5.000 tỷ đồng; thực hiện từ 2017 đến 2022.

Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là tái cơ cấu sản xuất lúa. Theo đó, đến năm 2020, duy trì và sử dụng linh hoạt 3,8 triệu ha diện tích đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Đề án đưa ra định hướng sản xuất lúa theo vùng. Cụ thể, tại Đồng bằng sông Cửu Long hướng đến thị trường trong và ngoài nước ở phân khúc gạo chất lượng cao. Chuyển đổi diện tích sản xuất lúa ở các nơi có hiệu quả thấp sang cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản; giảm diện tích lúa xuân hè, lúa vụ ba (thu đông) ở nơi không đủ điều kiện. Đồng thời xây dựng vùng sản xuất lúa thơm phục vụ xuất khẩu ở các vùng phù sa ngọt và ven biển.

Sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Hồng hướng đến thị trường nội địa, chủ yếu là thủ đô Hà Nội và các đô thị trong vùng; với xu thế tiêu dùng gạo đặc sản, gạo chất lượng cao gia tăng. Các tỉnh đồng bằng ven biển miền Trung ổn định sản xuất lúa hai vụ ở các vùng chủ động được nguồn nước tưới; chủ yếu phục vụ tiêu dùng nội tỉnh…

Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích trồng lúa lớn, mỗi năm đạt sản lượng 25-26 triệu tấn (chiếm gần 60% cả nước); cung cấp 95% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam; đảm bảo việc làm, thu nhập cho gần chục triệu lao động nông thôn…



Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
7.000 tỷ đồng tái cấu trúc ngành lúa gạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO