7 công nghệ hữu ích trên ô tô cho các chuyến du lịch xa
(Baonghean.vn) - Những chiếc xe hiện đại với các công nghệ mới đã giúp cho việc đi lại an toàn và thuận tiện hơn. Tuy nhiên, khi lái trong thành phố một số tính năng vô tình bị bỏ quên và bị hạn chế. Chỉ khi chạy đường dài, chúng mới thật sự "tỏa sáng" và hữu ích cho tài xế.
1. Điều khiển hành trình thích ứng (Adaptive Cruise Control)
Khi di chuyển trên đường phố đông đúc, chức năng này gần như bị "bỏ xó" vì không ai xài đến. Tuy nhiên, khi ra quốc lộ, cao tốc, tài xế nào cũng muốn sở hữu hệ thống điều khiển hành trình thích ứng.
Công nghệ này hoạt động dựa trên sự điều khiển của bướm ga (vị trí bàn đạp ga), giúp xe luôn duy trì tốc độ đã set sẵn, dựa trên một radar phía trước nhằm quét khoảng cách và xác định vật cản. Tùy theo khoảng cách an toàn được trang bị mà xe luôn giữ khoảng cách an toàn với xe trước.
2. Màn hình hiển thị kính lái (Head-Up Display)
Trong chuyến hành trình dài, người lái dễ bị xao nhãng khỏi đoạn đường trước mặt nếu phải nhìn vào màn hình chính quá nhiều. Theo nghiên cứu, thời gian xem các thông số hiển thị trên bảng điều khiển và các thiết bị khác xe đã đi được đoạn đường 14 m - ứng với tốc độ khoảng 50 km/h (tức là sẽ di chuyển 14 m không nhìn đường). Đó là lý do màn hình hiển thị kính lái thành một trang bị vừa thuận tiện vừa thời trang.
Hệ thống có thể giúp cho tài xế không phải rời mắt khỏi mặt đường, không phải liếc mắt xuống bảng đồng hồ; tất cả những thông tin cần thiết sẽ hiển thị ngay trên kính lái dễ quan sát và hữu ích cho tài xế.
3. Hệ thống khởi hành ngang dốc và hỗ trợ đổ dốc
Trong chuyến hành trình dài, chắc hẳn bạn sẽ phải vượt qua quãng đường có đèo dốc; thế nên, đa số những mẫu ô tô hiện nay đều được trang bị hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc hay hệ thống hỗ trợ đổ dốc.
Khi hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc kích hoạt, dù có nhấc chân khỏi phanh, chiếc xe vẫn đứng yên trên dốc trong một khoảng thời gian nhất định, để có thể đổi từ chân phanh sang chân ga và cho xe tiếp tục di chuyển.
Còn hệ thống hỗ trợ đổ dốc sẽ giúp xe sẽ từ từ lăn bánh, an toàn khi đang xuống dốc mà không cần hãm phanh liên tục hay điều chỉnh các cấp số.
4. Hệ thống ổn định thân xe điện tử (Electronic Stability Program - ESP)
Hệ thống ổn định thân xe điện tử là hệ thống an toàn tiêu chuẩn và được kích hoạt mặc định trên xe. Hệ thống sẽ giúp ổn định xe khi phanh, khi vào cua, khởi hành hay tăng tốc…; xe sẽ vận hành ổn định, những người ngồi trên có được sự thoải mái nhất.
Hệ thống hoạt động thông qua các cảm biến góc lái và cảm biến gia tốc ngang, kết hợp cùng hệ thống chống bó cứng phanh ABS để luôn giữ các bánh xe vận hành hoàn hảo, loại bỏ khả năng trượt bánh.
5. Hệ thống ghế tốt
Nếu như chỉ đi vòng vòng quanh phố thì ghế cứng hay mềm không ảnh hưởng nhiều đến tài xế. Nhưng không gì dễ chịu hơn khi lái xe đường xa sở hữu một chiếc ghế êm ái, có thông khí và mát xa. Ghế điều chỉnh điện và có chức năng nhớ vị trí cũng là một điểm cộng.
6. Sạc điện thoại không dây
Một ổ sạc điện thoại thông thường vẫn sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ này, nhưng một hệ thống sạc không dây thì còn tốt hơn. Các bác tài sẽ không mất thời gian để cắm dây sạc, không bị vướng dây sạc khi cần dùng điện thoại lúc chạy xe, và điện thoại thì sẽ luôn đầy pin mà không cần phải nhớ sạc.
Điểm bất lợi duy nhất của công nghệ này là phải mua đúng loại điện thoại có chức năng sạc không dây tự động.
7. Hệ thống phát hiện buồn ngủ
Hệ thống thứ nhất dùng các camera hồng ngoại để theo dõi cử động cơ bắp, kiểu chớp mắt, góc độ của đầu và nhiều biểu hiện khác. Sau đó, dữ liệu này sẽ được xử lý thông qua phần mềm nhận diện gương mặt để đưa ra kết luận người lái tỉnh táo hay đã mệt mỏi.
Hệ thống thứ 2 sử dụng thuật toán để so sánh hành vi của người lái với lúc bắt đầu di chuyển. Sau đó hệ thống sẽ đưa ra so sánh mô tả hành vi lái xe vào thời gian thực tế để xác định cách điều khiển, thời gian điều khiển vô lăng của người lái có thay đổi không...
Trường hợp phát hiện người lái có biểu hiện ngủ gật, hệ thống sẽ phát âm thanh báo động, đèn trên táp lô xe chớp để báo hiệu tấp vô lề đường.