7 điều đặc biệt tại phiên tòa xét xử ông Phan Văn Vĩnh

Bảo Hà 25/11/2018 08:25

92 người hầu tòa, phòng xử rộng 1.000 m2, chủ tọa xét hỏi làm bị cáo dù phản cung cũng phải nhận tội.

Sáng 13/11, TAND tỉnh Phú Thọ khai mạc phiên tòa lớn nhất trong lịch sử với 92 bị cáo ở 6 nhóm tội danh. Trong các bị cáo có hai người từng mang chức vụ cao là cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh và cựu cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao C50 Nguyễn Thanh Hóa.

Đường dây đánh bạc trực tuyến này với số tiền thu gần 10.000 tỷ đồng được xác định là đường dây có quy mô lớn nhất cả nước.

Sau 10 ngày thẩm vấn và ba ngày tranh tụng, chủ tọa thông báo HĐXX nghị án kéo dài, sẽ công bố bản án vào sáng 30/11.

13 ngày vừa qua, việc điều hành, tổ chức phiên tòa có nhiều điểm đặc biệt.

HĐXX dưới sự điều hành của nữ chủ tọa. Ảnh: Phạm Dự

Phòng xét xử hơn 1.000 m2

Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ Ngô Tố Dụng cho biết đây là vụ án tính chất phức tạp, số lượng người bị xét xử lớn nhất từ trước tới nay tại Phú Thọ. Tòa đã cải tạo khu vực sân chừng 1.000 m2 thành phòng xử án "rộng mênh mông".

Hai màn hình lớn được đặt hai bên, VKS thường trình chiếu từng bút lục khi cần thiết hoặc các văn bản cho bị cáo, người liên quan đối chiếu. Nhiều luật sư chia sẻ dù dự nhiều phiên tòa song chưa thấy ở đâu đầu tư hiện đại như ở đây, xứng đáng là "phiên tòa mẫu".

Phiên tòa có lịch làm việc dày đặc kéo dài từ thứ Hai tới hết thứ Bảy song thời gian bố trí nghỉ hợp lý. Cụ thể, sáng 7h30 đến 11h, chiều từ 14h đến 17h.

Sân tòa được trải thảm nhựa, khoảng 120 băng ghế được xếp ngay ngắn. Ảnh: Phạm Dự

Dùng xe cẩu chuyển hồ sơ vụ án từ VKS về tòa

Khi nhận hồ sơ từ VKSND tỉnh, tòa cử hơn 10 thư ký sang kiểm đếm bút lục trong hai ngày. Sau đó, để chuyển số hồ sơ lên xe, cơ quan tố tụng phải thuê máy cẩu.

Hồ sơ vụ án để trong 7 chiếc tủ sắt cao hơn hai mét, tất cả đều có khóa bảo mật. Từ nhiều tháng trước phiên tòa, các thẩm phán đều đọc hồ sơ tới khuya mới về.

Theo VKS, từ giai đoạn điều tra, dù huy động hơn 100 cán bộ công an, lực lượng kỹ thuật tham gia suốt 12 tháng song việc điều tra vẫn chưa thể triệt để. Vụ án liên quan nhiều cấp, ngành.

Khẳng định "không có vùng cấm", VKS nói vụ án còn được điều tra tiếp ở giai đoạn hai, trong đó có làm rõ dấu hiệu nhận hối lộ, động cơ vụ lợi của ông Vĩnh và cựu cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa.

Gần 300 người tham gia tố tụng

Những người tham dự phiên tòa. Ảnh: Phạm Dự

Theo công bố của chủ tọa, phiên xử có mặt 91 bị cáo, một người xin vắng mặt, 30 luật sư bào chữa. Gần 200 người tham gia tố tụng. 72 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được triệu tập song vắng nhà tới 300%

Để phục vụ xét hỏi 92 bị cáo, HĐXX mời 14 người làm chứng và ba điều tra viên của Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Phú Thọ).

Luận tội kiểu cuốn chiếu

Bản luận tội không trình bày theo mô tuýp thông thường mà VKS vận dụng kiểu cuốn chiếu với từng bị cáo. Ví dụ: Sau khi đưa ra nội dung truy tố với ông Phan Văn Vĩnh, bản luận tội nêu lại tình trạng thẩm vấn của bị cáo này tại tòa, tiếp đó là những căn cứ, lập luận của cơ quan công tố về hành vi phạm tội. Cuối cùng, VKS đề nghị tội danh cũng như mức hình phạt.

Nhiều luật sư nhận định cách luận tội như trên là "khoa học, dễ theo dõi". Khi đối đáp, công tố viên cũng chỉ nêu ý chính trong nội dung cáo trạng nên giúp phiên tòa tiết kiệm được thời gian.

Phần tranh luận cũng được HĐXX áp dụng hình thức cuốn chiếu. Nghĩa là bị cáo tranh luận, sau đó luật sư trình bày bào chữa rồi đại diện VKS tranh luận trực tiếp. Xong bị cáo này mới đến bị cáo khác.

Không bị cáo nào kêu oan

Sáng 21/11, VKS cho hay 89/91 bị cáo có mặt, ba bị cáo, riêng bà Lê Thị Lan Thanh, Phan Văn Vĩnh (cựu trung tướng, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát), Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - C50). Trong đó, bị cáo Vĩnh chưa thừa nhận lợi dụng chức vụ mà khai chỉ phạm lỗi gián tiếp, thiếu trách nhiệm. Bị cáo Hóa quanh co chối tội, đổ lỗi cho người khác.

Tuy nhiên sang tới ngày 22/11, cả ba bị cáo đều thay đổi lời khai, nhận tội. Đặc biệt là ông Nguyễn Thanh Hóa, từ khi bước vào tranh luận tới lúc nói lời sau cùng, ông nhiều lần nói xin lỗi với Đảng, Bộ Công an, với Nguyễn Văn Dương và cấp dưới cũ của mình ở C50.

Còn Nguyễn Văn Dương chỉ xin hưởng khoan hồng để yên tâm cải tạo, không chống án.

Ông Nguyễn Thanh Hóa đã nhận tội sau một ngày phản cung. Ảnh: Phạm Dự.

Bị cáo ở 24 tỉnh, thành phố

Tháng 5/2017, Huy bí tiền chơi bạc bèn lên mạng Internet tìm cách chiếm quyền sử dụng tài khoản Facebook của một phụ nữ ở tỉnh Phú Thọ, lừa bạn của cô này chuyển 110 thẻ cào với giá trị 55 triệu đồng. Số thẻ này Huy dùng để chơi bạc ở cổng game Rikvip/Tip.Club và cho bạn chơi cùng.

Khi hành vi lừa đảo bị phát giác, từ lời khai của Huy, cơ quan điều tra phát hiện đường dây đánh bạc qua mạng núp bóng game bài do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam tổ chức. Kết quả, 92 người phải hầu tòa về 6 tội danh.

Theo đó, mạng lưới đã lôi kéo được gần 43 triệu tài khoản tham gia đánh bạc trực tuyến. Tổng doanh thu bất chính lên tới gần 10.000 tỷ đồng. Trong 92 bị cáo hầu tòa có 43 người tham gia đánh bạc trải khắp 24 tỉnh thành, từ đồng bằng đến miền núi, từ thành thị tới nông thôn, có cả tri thức, công nhân, nông dân, sinh viên.

Một trong số đó là bị cáo Phạm Quang Minh (Bắc Giang). Ở phần thẩm vấn Minh trình bày đã thua khoảng hai tỷ đồng và từ đây kéo theo bao hệ lụy khiến giờ "vô cùng ăn năn hối hận vì đã không biết trân trọng cuộc sống trước đây". Từ người kinh doanh quần áo có thu nhập ổn định, Minh đã phá sản, phải bán nhà, vay nợ người thân, vợ hiện bỏ đi đâu không rõ.

Các con bạc dù đến từ Đà Nẵng, TP HCM, Bình Dương, hay Cao Bằng, Phú Thọ... đều điểm chung là: thua bạc, mất tiền.

Nhanh chóng thu hồi được hơn 1.300 tỷ đồng

Theo thông báo của cơ quan công tố, trong vụ án này, hơn 20 bị cáo cùng nhóm các cựu chủ đại lý cấp một, hai, người đánh bạc đã bị tạm giữ đồ vật, tài sản, tiền mặt trị giá hơn 1.300 tỷ đồng. Trong đó, Phan Sào Nam đã tự nguyện nộp 1.300 tỷ trong 1.500 tỷ đồng thu lời bất chính. Dương chỉ nộp hơn 240 tỷ và bị cho rằng vẫn che giấu nguồn tiền bất minh còn lại khoảng 1.500 tỷ đồng.

So với nhiều vụ đại án khác, nguồn tiền thu hồi trong vụ án này là "con số mơ ước". Ông Đinh La Thăng trong hai vụ án phải bồi thường 630 tỷ đồng song ông nói chỉ có "nửa căn nhà chung cư" là tài sản chung vợ chồng để có thể kê biên thi hành án.

Cơ quan chức năng xác định Nguyễn Văn Dương (chủ tịch Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC), Phan Sào Nam (chủ tịch VTC Online) và các đồng phạm đã lợi dụng công nghệ cao để tổ chức đánh bạc qua mạng. Việc này có sự trợ giúp của ông Vĩnh và Hóa là những người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan nhà nước được giao đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao.

Theo vnexpress.net
Copy Link

Mới nhất

x
7 điều đặc biệt tại phiên tòa xét xử ông Phan Văn Vĩnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO