7 sai lầm của phụ huynh “giết chết” đam mê trong con trẻ
Đam mê của trẻ có thể bị dập tắt từ sớm vì bố mẹ thường dạy phải tìm kiếm công việc thiết thực, không được mơ mộng viển vông.
1. Con là trung tâm của vũ trụ
Phụ huynh không nên bảo vệ, canh chừng con thái quá. Nếu muốn trẻ trở thành người độc lập, vững vàng, bạn hãy để chúng đưa ra lựa chọn và tự chăm sóc bản thân nhiều hơn.
Trong vài trường hợp, sự quan tâm, lo lắng có thể tạo hiệu ứng ngược. Trẻ lớn lên, tự do hơn nhưng sẽ không biết cách đối mặt với thực tế khi không có sự giúp đỡ của bố mẹ.
2. Thăng tiến trong công việc là chỉ số thành công
Nghề nghiệp không chỉ tăng trưởng theo chiều dọc (từ nhân viên lên quản lý, giám đốc...) mà còn theo chiều ngang. Chẳng hạn, một người trở nên nổi tiếng với kỹ năng may vá, vẽ và làm đồ mộc. Đây là một định nghĩa về thành công.
Ngày nay, bất kỳ sở thích nào cũng có thể trở thành công việc và sự phát triển cá nhân là một trong những điều quan trọng nhất. Nếu một đứa trẻ không thích học toán mà lại vẽ rất đẹp, phụ huynh có thể xem xét việc khuyến khích con học vẽ thay vì thuê gia sư toán.
3. Phải tìm kiếm một công việc thiết thực
Rất nhiều ước mơ của trẻ nhỏ bị dập tắt bởi nguyên tắc này. Một số phụ huynh thường phán xét: "Sách truyện và văn chương ư? Thật ngớ ngẩn. Kế toán là nghề thích hợp hơn đấy!". Tuy nhiên, trong 10-15 năm tới, tầm quan trọng của nghề nghiệp mà trẻ lựa chọn có thể khác bây giờ. Thế giới thay đổi liên tục, chỉ những ai có khả năng thích ứng linh hoạt mới đạt được thành công.
4. Con phải tích lũy càng nhiều kiến thức càng tốt
"Sao con lại không biết điều này được nhỉ?", chúng ta thường kêu lên khi một đứa trẻ không biết Anne Frank là ai. Thực tế, một đứa trẻ hiểu biết về nhiều lĩnh vực đáng được khen ngợi, nhưng việc thiếu kiến thức phổ thông không khiến tương lai bị hủy hoại. Thông tin đó có thể tìm kiếm dễ dàng trên Internet.
Tuy nhiên, bạn nên dạy con cách tìm thông tin nhanh chóng, kiểm chứng tính chính xác và quản lý thời gian tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả.
5. Con phải làm việc chăm chỉ thì mới thành công
Những tấm gương thành công như Steve Jobs không cần cố gắng hết sức ở những việc họ ghét, mà chỉ làm việc họ muốn, theo đuổi ý tưởng riêng. Trẻ cũng sẽ nhìn thấy nhiều người không hề nỗ lực để đạt được thành công, mà chỉ gặp may.
Thành công không đồng nghĩa với chăm chỉ. Thực tế, nếu không đưa ra lựa chọn đúng, bạn có thể làm việc ở một nơi không phù hợp và sự chăm chỉ trở nên vô ích.
6. Khi làm việc gì, con phải làm tốt nhất có thể
Đây là một trong những lời khuyên được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhưng nếu nhìn vào một ngày của học sinh ở trường, bạn sẽ thấy trẻ phải làm quá nhiều thứ. Để đạt được mục tiêu làm tốt tất cả, nhiều trẻ nghĩ đến việc gian lận trong học tập, thi cử. Ngoài ra, khi làm đủ tốt mọi việc, có thể trẻ sẽ không giỏi hẳn một việc nào.
7. Con phải tiết kiệm tiền
Tích cóp được khoản dự trữ là tốt nhưng biết cách để "tiền đẻ ra tiền" còn tốt hơn. Trong thế giới hiện đại, tiền nên được đầu tư nhưng phải thật thận trọng, và không phải ai cũng biết cách. Do đó, ai cũng cần được trang bị kiến thức cơ bản để lập kế hoạch tài chính.