7 thói quen xấu đang hủy hoại máy tính của bạn
Trên thực tế, có rất nhiều thói quen xấu mà chúng ta vô tình mắc phải trong quá trình sử dụng máy tính, và những thói quen này đang âm thầm "hủy hoại" chiếc máy tính của bạn theo thời gian.
Không có gì là vĩnh cửu, đặc biệt là thiết bị công nghệ nhưng nếu biết cách sử dụng và bảo dưỡng, máy tính của bạn có thể hoạt động bền bỉ suốt nhiều năm.
Tuy nhiên, nếu chiếc máy tính của bạn thường xuyên gặp trục trặc sớm hơn mong đợi, rất có thể chính những thói quen vô tình của bạn đang góp phần rút ngắn tuổi thọ của nó.
.jpg)
Dưới đây là những sai lầm phổ biến có thể âm thầm "giết chết" chiếc máy tính của bạn mà bạn thậm chí không hề hay biết.
1. Bỏ qua vấn đề quá nhiệt
Nhiệt là kẻ thù không đội trời chung của máy tính. Khi quá nóng, bộ xử lý có thể tự động giảm hiệu suất để kiểm soát nhiệt độ hoặc thậm chí tắt đột ngột để bảo vệ phần cứng.
Việc vận hành ở nhiệt độ cao trong thời gian dài có thể làm giảm tuổi thọ của bộ vi xử lý, quạt và pin, chưa kể đến việc máy tính trở nên ồn ào và nóng rực khi chạm vào.
Cách ngăn máy tính quá nhiệt:
- Đối với máy tính để bàn: Giữ cho thùng máy có đủ luồng không khí bằng cách đảm bảo lỗ thông hơi không bị che khuất và hệ thống quạt hoạt động hiệu quả. Hạn chế đặt máy trong không gian kín, nơi có thể giữ nhiệt.
Nếu bạn đang ép xung, hãy theo dõi cẩn thận điện áp và nhiệt độ để tránh gây áp lực quá lớn lên phần cứng. Việc giám sát nhiệt độ bộ vi xử lý (CPU) thường xuyên là một thói quen tốt để đảm bảo máy luôn hoạt động ổn định.
.jpg)
- Đối với máy tính xách tay: Máy tính xách tay cần được chăm sóc kỹ lưỡng hơn do tính di động dễ dẫn đến nhiều thói quen xấu. Tránh để máy ở những nơi có nhiệt độ cao, như trong ô tô dưới trời nắng, hoặc đặt trên bề mặt mềm như chăn, gối, những thứ có thể chặn luồng khí làm mát bên dưới.
Thay vào đó, hãy đặt máy tính xách tay trên bề mặt phẳng, nơi các chân cao su có thể nâng nhẹ máy để tản nhiệt tốt hơn. Nếu bạn thường xuyên sử dụng máy tính xách tay trên giường hoặc ghế sofa, một chiếc bàn tản nhiệt sẽ giúp đảm bảo hệ thống luôn mát mẻ.
2. Để bụi bẩn và chất lỏng tự do xâm nhập
Theo thời gian, tất cả máy tính đều tích tụ bụi, làm tăng nhiệt độ linh kiện và khiến quạt phải hoạt động quá mức. Việc vệ sinh định kỳ sẽ giúp ích, nhưng quan trọng hơn là ngăn chặn bụi bẩn xâm nhập ngay từ đầu.
Những yếu tố khiến máy tính của bạn bẩn nhanh hơn:
- Khói thuốc lá và lông thú cưng có thể làm bụi bẩn bám dày đặc hơn, khiến hệ thống tản nhiệt hoạt động kém hiệu quả.
- Đặt máy tính để bàn trực tiếp trên sàn nhà khiến nó hút nhiều bụi, tóc và mảnh vụn nhỏ vào bên trong. Nếu sàn có thảm, bạn thậm chí có thể vô tình chặn quạt của bộ nguồn.
Do đó, bạn nên đặt máy tính lên bàn làm việc hoặc một giá đỡ phù hợp, đồng thời sử dụng bộ lọc bụi trên quạt hút để giảm thiểu sự xâm nhập của bụi.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên tránh ăn uống gần máy tính, hoặc ít nhất là cẩn thận khi làm vậy. Bánh mì vụn mắc kẹt dưới bàn phím không chỉ mất vệ sinh mà còn có thể làm kẹt phím hoặc hỏng công tắc. Và chắc hẳn bạn đã nghe không ít câu chuyện đáng tiếc về những chiếc máy tính xách tay bị phá hủy chỉ vì một ly cà phê đổ tràn lên bàn phím.
Ngay cả những hành động tưởng chừng vô hại như lau màn hình cũng có thể gây rủi ro. Đừng bao giờ xịt trực tiếp dung dịch tẩy rửa lên màn hình, chất lỏng có thể len vào các khe hở và gây hư hại.
Đặc biệt, dung dịch tẩy rửa quá mạnh có thể làm hỏng lớp phủ bảo vệ trên màn hình. Thay vào đó, hãy dùng một miếng vải sợi nhỏ, xịt dung dịch làm sạch lên đó một lượng vừa đủ rồi lau nhẹ nhàng.
3. Sử dụng máy tính xách tay một cách bất cẩn
Không giống như máy tính để bàn có thể yên vị trong văn phòng, máy tính xách tay phải chịu đủ kiểu va chạm, rung lắc và sử dụng bất cẩn. Càng sử dụng cẩu thả, bạn càng có nguy cơ làm hỏng một bộ phận quan trọng nào đó.
Trong thực tế, không ít người nhấc máy tính xách tay lên bằng màn hình, mở bản lề từ một bên với lực quá mạnh, thậm chí ném máy lên ghế sofa như thể đó là một chiếc gối.
.jpg)
Một số người còn dùng mặt lưng laptop như đế lót ly cho đồ uống. Những thói quen này có thể khiến bản lề nhanh mòn, vỏ máy nứt gãy, hoặc các linh kiện bên trong bị lỏng lẻo theo thời gian.
Nếu máy tính xách tay của bạn vẫn sử dụng ổ cứng HDD thay vì SSD, những cú sốc vật lý như rung lắc mạnh hoặc va đập khi ổ đĩa đang hoạt động có thể làm lệch đầu đọc hoặc thậm chí khiến nó chạm vào bề mặt đĩa, gây hỏng dữ liệu. Dù tình huống này không quá phổ biến, nhưng nếu xảy ra, hậu quả có thể rất nghiêm trọng, đặc biệt nếu bạn chưa sao lưu dữ liệu quan trọng.
4. Sử dụng và bảo dưỡng pin cũ sai cách
Theo thời gian, pin máy tính xách tay sẽ dần xuống cấp sau vài năm sử dụng. Mặc dù sự suy giảm này là không thể tránh khỏi, nhưng nếu bạn thường xuyên để pin cạn kiệt đến 0% trước khi sạc lại, quá trình chai pin sẽ diễn ra nhanh hơn đáng kể.
Để kéo dài tuổi thọ pin, hãy sạc và xả pin thường xuyên thay vì để nó cạn sạch rồi mới cắm sạc. Bạn có thể kiểm tra tình trạng pin trên Windows để theo dõi lịch sử sạc và điều chỉnh thói quen sử dụng cho hợp lý.
Tuy nhiên, cũng đừng quá lo lắng, việc để pin cạn đôi khi, chẳng hạn như khi bạn đang làm việc trên máy bay, sẽ không gây ảnh hưởng quá lớn. Nhưng về lâu dài, sạc pin đều đặn sẽ giúp duy trì tuổi thọ của nó tốt hơn.

Nếu pin của bạn bắt đầu phồng lên, tạo ra khe hở giữa các tấm pin hoặc đẩy vào vỏ máy tính xách tay, hãy ngừng sử dụng ngay lập tức và thay thế pin một cách an toàn. Tiếp tục sử dụng pin phồng có thể dẫn đến nguy cơ cháy nổ nghiêm trọng.
Khi đến lúc thay pin, đừng ham rẻ và mua hàng nhái trôi nổi trên eBay hay các nguồn không rõ nguồn gốc. Hãy chọn pin chính hãng từ nhà sản xuất hoặc từ các cửa hàng uy tín.
Pin kém chất lượng có thể không chỉ yếu mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Điều tương tự cũng áp dụng cho bộ sạc, hãy sử dụng bộ sạc chính hãng hoặc, nếu máy tính xách tay của bạn sạc qua cổng USB-C, hãy đảm bảo sử dụng bộ sạc đạt chứng nhận để tránh làm hỏng máy.
5. Không chú ý đến an toàn điện
Máy tính tiêu tốn một lượng điện năng lớn và rất dễ bị hư hỏng do các sự cố quá áp, có thể xảy ra sau khi mất điện, khi bật thiết bị công suất cao khác trong nhà, hoặc do lưới điện không ổn định.
Nguồn điện của máy tính có một số biện pháp bảo vệ cơ bản, nhưng nếu muốn bảo vệ lâu dài hơn, bạn nên đầu tư một bộ UPS, với pin dự phòng giúp bảo vệ máy khỏi mất điện đột ngột và có thể giúp giảm thiểu các xung điện áp nhỏ và kéo dài tuổi thọ cho máy tính của bạn.

Máy tính xách tay lại càng cần được chăm sóc kỹ lưỡng hơn, do tính di động của chúng. Cáp nguồn của máy tính để bàn thường cố định, nhưng cáp nguồn của máy tính xách tay lại phải chịu rất nhiều áp lực khi di chuyển, xuyên qua các khu vực chật hẹp, bị kéo mạnh ra khỏi ổ cắm, hay thậm chí bị xoắn lại trong quá trình sử dụng.
Điều này không chỉ khiến cáp trở nên kém bền mà còn gây ra nguy cơ cháy nổ. Vì vậy, luôn rút bộ sạc ra khỏi ổ cắm, thay vì kéo mạnh dây cáp. Nếu phát hiện cáp bị sờn hoặc dây điện bên trong bị lộ ra, hãy thay thế ngay lập tức để tránh các nguy cơ tiềm ẩn.
6. Làm căng cáp sạc nguồn và cáp kết nối
Dù làm hỏng cổng USB hay dây cáp không nguy hiểm như việc xử lý sai bộ đổi nguồn, nhưng chúng vẫn có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng và không đáng có cho máy tính của bạn.
Nếu bạn đang sử dụng các thiết bị cắm ngoài như USB hoặc ổ cứng di động, hãy cẩn thận đừng làm cong hoặc tác động mạnh vào chúng. Với những cổng USB-C cao cấp trên máy tính xách tay hiện nay, bạn chắc chắn không muốn vô tình làm hỏng một cổng quan trọng.

Cáp sạc và dây kết nối cũng cần được bảo quản đúng cách. Việc bẻ cong cáp liên tục hoặc uốn gập quá mạnh có thể làm đứt kết nối bên trong, khiến cáp trở nên chập chờn hoặc vô dụng.
Ngoài ra, hãy để cáp tránh xa trẻ nhỏ và vật nuôi, một cú cắn của thú cưng có thể làm hỏng lớp cách điện và thậm chí gây nguy hiểm khi sử dụng. Khi cất giữ, đừng quấn dây quá chặt để tránh làm gãy lõi bên trong.
7. Duyệt web mà không có biện pháp bảo vệ
Nhiều người tin rằng chỉ cần cẩn thận khi lướt web là đủ để tránh phần mềm độc hại, nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Ngay cả những trang web hợp pháp cũng có thể bị nhiễm mã độc và lây lan virus mà bạn không hề hay biết.
Sau đây là các nguyên tắc bảo mật cơ bản mà bạn cần áp dụng khi lướt web:
- Cập nhật hệ điều hành và phần mềm thường xuyên để vá các lỗ hổng bảo mật.
- Sử dụng trình quản lý mật khẩu và không đặt cùng một mật khẩu cho nhiều trang web.
- Học cách nhận diện các trang web lừa đảo và tránh nhấp vào liên kết đáng ngờ.
- Không tải phần mềm lậu, vì đây là nguồn lây nhiễm virus phổ biến.
- Bảo mật Wi-Fi tại nhà bằng mật khẩu thông qua giao thức bảo mật WPA2 hoặc WPA3 để tránh bị kẻ xấu xâm nhập.