7 thuyền viên sống sót trên tàu VTB 26 được cứu như thế nào?

20/07/2017 15:01

(Baonghean.vn) - Trong số các thuyền viên sống sót, một thợ máy bơi đến Đảo Ngư, 2 người khác được phát hiện đang bơi vào gần bãi biển Nghi Thiết, cách tàu chìm khoảng 5 km.

Chiều 20/7, cơ quan chức năng cũng đã xác định được danh tính của thi thể vừa được đội thợ lặn tìm thấy trong khoang tầng 2 của tàu vào sáng nay. Đồng nghiệp trên tàu xác nhận, thi thể này là của đại phó Nguyễn Văn Xuân (quê Thanh Hóa).

Lực lượng biên phòng cũng đã bàn giao thi thể cho người thân anh Xuân mang về quê mai táng. Hai người mất tích còn lại sỹ quan boong Nguyễn Văn Chiêu và Nguyễn Hải Quyết, thủy thủ OS.

Là cán bộ tham gia tìm kiếm suốt 4 ngày qua, đại úy Hoàng Nghĩa Duy (Đồn phó Đồn biên phòng cửa khẩu Cửa Lò – Bến Thủy), nhận định, nhiều khả năng vẫn còn thuyền viên mắc kẹt trong con tàu bị chìm. Lúc xảy ra chìm tàu, đại úy Duy là người trực chỉ huy tại đồn biên phòng.

k
Đại úy Duy chia sẻ với PV Báo Nghệ An. Ảnh. P.V

“Khoảng 2h sáng 17/7, tôi nhận được thông tin từ tàu Lam Hồng 99 thông báo tàu VTB 26 phát tín hiệu cấp cứu. Lúc này, Lam Hồng 99 không đủ khả năng để di chuyển đến khu vực VTB 26 đang gặp nạn”, đại úy Duy kể và cho hay, ông lập tức trình báo lên cấp trên để tìm phương án cứu hộ. Ít phút sau, vị đồn phó điện lại cho tàu Lam Hồng 99 và được tàu này cho biết, đã không còn nhận được tín hiệu từ tàu VTB 26. “Qua thông tin này đồng thời dựa vào lời kể của các thuyền viên sống sót, tôi nghĩ tàu này từ lúc phát tín hiệu cấp cứu đến khi bị chìm chỉ trong khoảng 10 phút”, đại úy Duy kể với PV Báo Nghệ An.

Lúc này, tàu VTB 26 đang neo đậu cách bờ khoảng 3 hải lý, cách Đảo Ngư khoảng 800 mét về hướng tây bắc. Đây cũng là khu vực tâm bão số 2 đi qua, gió giật mạnh, sóng cao nhiều mét không tàu nào có thể tiếp cận được vị trí tàu VTB 26 bị chìm. Khoảng 7h sáng, khi gió đã giảm, lực lượng tìm kiếm mới có thể điều động phương tiện, tham gia cứu hộ. Tỉnh Nghệ An cũng quyết định lập Sở chỉ huy hiện trường tại Cảng vụ Hàng hải Nghệ An. Lực lượng cứu hộ được huy động gần 600 người cùng hàng chục tàu, thuyền các loại.

Khiêm (áo đen) là người bơi vào đến Đảo Ngư cách tàu chìm khoảng 800 mét. Ảnh. Tiến Hùng.
Khiêm (áo đen) là người bơi vào đến Đảo Ngư cách tàu chìm khoảng 800 mét. Ảnh. Tiến Hùng.

Đến hơn 8h sáng, tàu cứu hộ phát hiện 3 người đang trôi nổi gần khu vực tàu bị chìm gồm thuyền trưởng Phạm Văn Hải, máy trưởng Nguyễn Văn Sáng và thợ máy Lý Văn Giang. Lập tức, cả ba nạn nhân được đưa lên tàu ủ ấm, sau đó chuyển đến bệnh viện.

Khoảng 10h, lực lượng tìm kiếm phát hiện một người đang cố leo lên Đảo Ngư. “Tôi lập tức điện cho đảo trưởng trên đó để cử anh em xuống đưa người này lên”, đại úy Duy kể. Thuyền viên này là Đăng Duy Khiêm (thợ máy, 23 tuổi, quê Thái Bình). Kể với đại úy Duy, Khiêm cho hay, sau khi tàu bị sóng đánh, nước nhanh chóng tràn vào khoang. Một cánh cửa gần vị trí thủy thủ này bị sức nước làm bung. Trong lúc vùng vẫy, Khiêm nhanh trí giật lấy cảnh cửa bám vào đó. Trôi nổi suốt khoảng 8 tiếng, cậu dạt vào Đảo Ngư. Trong lúc leo lên đảo, thủy thủ này bị con hà sống ở các tảng đá ven đảo làm bị thương. Khiêm sau đó được biên phòng đưa lên đảo chăm sóc.

Đội thợ lặn tìm kiếm các thuyền viên. Ảnh. Thành Duy.
Đội thợ lặn tìm kiếm các thuyền viên. Ảnh. Thành Duy.

Hiện nay, thủy thủ này vẫn đang ở lại hiện trường để hỗ trợ công tác tìm kiếm. Tất cả 13 thuyền viên trên tàu đều có tuổi đời còn rất trẻ. Trong số những người thiệt mạng, thủy thủ Lê Đắc Tài (quê Thanh Hóa), mới chỉ 22 tuổi. "Trên tàu em chơi thân với Tài, nó không biết bơi. Nó rất sợ nước. Anh em nhiều lần đưa nó xuống biển tập bơi nhưng vẫn không được", Khiêm kể với đại úy Duy.

Cùng thời điểm tìm thấy Khiêm, lực lượng cứu hộ phát hiện 2 thủy thủ gồm Ngô Cao Cường và Vũ Văn Đạt đang bơi gần bờ biển Nghi Thiết. “Khu vực này cách vị trí tàu chìm khoảng 5 km. Lúc tìm thấy, một người chỉ còn cách bờ khoảng 50 mét. Người còn lại cách khoảng 300 mét, được tàu cảnh sát biển đến cứu”, đại úy Duy kể.

Hơn một tiếng sau, tàu cứu nạn phát hiện thi thể trôi dạt ở vùng biển Cửa Hội, gần khu vực phao số 0. Tiếp tục tìm kiếm, đến khoảng 13h30, lực lượng cứu hộ nhận được thông tin một thi thể đang trôi nổi gần vị trí tàu chìm nên cử tàu đến vớt. Khi chạy đến khu vực này, họ phát hiện thêm một thuyền viên đang còn sống, trôi nổi gần thi thể. Gần nửa ngày trôi nổi trên biển, lúc được phát hiện, người này chỉ còn đủ sức để vẫy tay.

Đưa thi thể đại phó Xuân lên bờ. Ảnh. Tiến Hùng.
Đưa thi thể đại phó Xuân lên bờ. Ảnh. Tiến Hùng.

Đến hết ngày 17/7, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 9 thuyền viên, trong đó 7 người được cứu sống. “Chúng tôi cũng nhận định trong 4 thuyền viên còn mất tích, nhiều khả năng có người còn bị mắc kẹt trong tàu. Nhưng thời điểm đó, mưa gió, nước biển lại đục ngầu nên qua khảo sát, không thể cho thợ lặn tìm kiếm”, đại úy Duy cho hay. Trong ngày thứ 2 tìm kiếm, lực lượng cứu hộ vẫn không tìm thấy người nào mặc dù cũng đã triển khai hàng chục tàu tích cực quần thảo.

Đến sáng 19/7, 10 thợ lặn chuyên nghiệp được đưa từ Hải Phòng ra vị trí tàu chìm. Vài tiếng sau, họ phát hiện thi thể sỹ quan máy Nguyễn Văn Dương bị mắc kẹt trong cabin tầng hai. Đến sáng 20/7, nhóm này tiếp tục tìm thấy thi thể đại phó Nguyễn Văn Xuân ở khu vực khoang tầng 2, bị vùi lấp dưới bùn.

Là người trực tiếp bàn giao các thuyền viên sống sót cũng như thi thể cho gia đình nạn nhân, Đại úy Duy cho hay, phần lớn gia cảnh các thuyền viên đều khó khăn. "Riêng thuyền viên Khiêm thì đến nay vẫn chưa thấy người nhà vào thăm hỏi", đại úy Duy nói.

Tiến Hùng

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
7 thuyền viên sống sót trên tàu VTB 26 được cứu như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO