9 nguyên nhân và 6 dấu hiệu cảnh báo bạn có cục máu đông nguy hiểm

Hoa Lê 25/03/2018 07:45

(Baonghean.vn) - Cơ thể sẽ ra sao nếu có những cục máu đông (huyết khối) trong lòng mạch máu? Chúng sẽ theo dòng máu chảy về các động mạch nhỏ hơn và lấp kín lòng mạch, khiến máu không lưu thông được, từ đó gây nên nhiều bệnh nguy hiểm: nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, phổi, đột tử…

6 dấu hiệu cảnh báo bạn có cục máu đông nguy hiểm. Ảnh minh họa/Nguồn Internet
6 dấu hiệu cảnh báo bạn có cục máu đông nguy hiểm. Ảnh minh họa/Nguồn Internet

Khi bị thương, bạn cần máu đông lại để ngăn chặn chảy máu. Tuy nhiên, đôi khi chúng có thể hình thành khi không cần thiết; điều này không tốt cho cơ thể, nhất là khi chúng xuất hiện ở những tĩnh mạch sâu gần cơ...

Khi các mạch máu bị bít kín, các vùng mô tương ứng sẽ lâm vào trạng thái nguy hiểm vì không được cung cấp oxi và dưỡng chất, bắt đầu cho nhiều vấn đề sức khỏe.

9 nguyên nhân phổ biến dẫn đến hình thành huyết khối

Ngồi lâu: Ngồi lâu, có thể là khi ngồi máy bay, khi lái xe, xem tivi hay ngồi trước máy tính hàng tiếng đồng hồ tại công sở hay ở nhà đều góp phần gây nên huyết khối. Theo các chuyên gia, thì đứng dậy và vận động sau mỗi 30-45 phút ngồi là rất cần thiết. Sử dụng các cơ chân có tác dụng giúp cho máu tĩnh mạch được lưu thông tốt hơn, do đó giảm nguy cơ hình thành máu đông.

Ngồi trước máy tính hàng tiếng đồng hồ tại công sở hay ở nhà đều góp phần gây nên huyết khối.
Ngồi trước máy tính hàng tiếng đồng hồ tại công sở hay ở nhà đều góp phần gây nên huyết khối. Ảnh minh họa/Nguồn Internet

Mang thai: Khi mang thai, lượng estrogen trong cơ thể tăng hơn bình thường, làm tăng lượng yếu tố đông máu, và tăng khả năng hình thành cục máu đông.

Bên cạnh đó, mang thai cũng làm tăng áp lực tĩnh mạch vùng khung chậu và chân, cũng góp phần làm tăng nguy cơ. Nguy cơ hình thành máu đông có thể kéo dài đến 6 tuần sau sinh. Vậy nên bạn cần tích cực vận động, như đi bộ, tập yoga, cả trong và sau khi mang thai.

Trọng lượng và chiều cao: Béo phì là một yếu tố nguy cơ cao dẫn đến huyết khối ở tĩnh mạch chi dưới. Bạn nên giữ chỉ số BMI (được tính bằng cân nặng trên bình phương chiều cao) trong khoảng từ 18,5 đến 24,9.

Nhịp tim không đều: Bạn có thể có hoặc không nhận biết được nhịp tim mình có đều hay không, dù trong nhiều trường hợp nhịp tim không đều không biểu hiện ra triệu chứng, và thường không được phát hiện, nhưng nó làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.

Nếu bắt mạch và thấy mạch đập không đều, bạn cần đi kiểm tra để phát hiện các rối loạn nhịp và điều trị nếu cần thiết.

Thuốc tránh thai: Estrogen và progestin trong một số loại thuốc tránh thai dùng đường uống cũng làm tăng các yếu tố đông máu. Bên cạnh đó, thuốc tránh thai còn nhiều tác dụng phụ khác.

6. Ung thư: Một số loại ung thư cũng làm tăng các chất gây đông máu, dẫn đến tăng khả năng hình thành cục máu đông. Ung thư não, tụy, phổi, đại tràng, buồng trứng, dạ dày, thận là những ung thư có nguy cơ gây huyết khối tĩnh mạch sâu cao nhất. Đồng thời một số liệu pháp hóa trị và thuốc điều trị ung thư cũng làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.

7. Hút thuốc: Một số chất trong thuốc lá làm tổn thương thành mạch, do đó làm tăng khả năng hình thành cục máu đông.

8. Chấn thương chân: Bất kỳ chấn thương chân nào cũng có thể làm hình thành cục máu đông ở tĩnh mạch sâu chi dưới, do làm tổn thương thành mạch.

9. Tuổi tác: Mặc dù huyết khối tĩnh mạch sâu có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng nhìn chung tuổi càng cao thì nguy cơ sẽ tăng lên, đặc biệt là đối với những người trên 60 tuổi. Mặc dù lão hóa là một quá trình tự nhiên, nhưng chế độ ăn uống, vận động phù hợp kết hợp với lối sống lành mạnh có thể giúp bạn phòng ngừa được rất nhiều bệnh tật.

6 dấu hiệu cảnh báo bạn có cục máu đông nguy hiểm

Sưng một bên chi: Một bên cẳng chân hoặc cánh tay sưng húp là một trong những dấu hiệu phổ biến của chứng nghẽn mạch máu. Cục máu đông có thể làm nghẽn dòng lưu thông máu ở chân và máu đổ về phía sau cục máu đông, gây tình trạng sưng tấy.

Một bên cẳng chân hoặc cánh tay sưng húp là một trong những dấu hiệu phổ biến của chứng nghẽn mạch máu.
Một bên cẳng chân hoặc cánh tay sưng húp là một trong những dấu hiệu phổ biến của chứng nghẽn mạch máu. Ảnh minh họa/Nguồn Internet

Đau chân hoặc tay: Nếu đau do bị tắc nghẽn mạch máu thường có thêm các dấu hiệu khác như sưng tấy, đỏ; tuy nhiên đôi khi chỉ cần triệu chứng này. Cơn đau do cục máu đông có thể dễ nhầm với chuột rút hay căng cơ. Nó đau nhiều hơn khi bạn đi bộ hoặc nhấc chân lên.

Vết đỏ xuất hiện trên da: Bạn có thể nhìn thấy sự thay đổi màu sắc như vết bầm tím nhưng thường là những vệt đỏ. Chứng nghẽn tĩnh mạch gây ra đỏ ở chân, tay bị tổn thương, khiến bạn có thể cảm thấy ấm khi chạm vào tay hoặc chân.

Đau ngực: Khi thấy đau ngực, bạn có thể nghĩ đến cơn đau tim, nhưng nó cũng có thể là dấu hiệu của chứng thuyên tắc phổi (cục máu đông đã di chuyển đến phổi). Tuy nhiên cơn đau do chứng thuyên tắc phổi có xu hướng dữ dội hơn, nhất là khi bạn hít thật sâu. Dù trường hợp nào thì bạn cũng cần gọi cấp cứu ngay.

Khó thở hoặc tim đập nhanh: Cục máu đông ở trong phổi có thể làm chậm dòng ôxy của bạn. Khi ôxy ở mức thấp, tim của bạn sẽ đập nhanh hơn để bù đắp cho sự thiếu hụt này. Khi cảm nhận được sự rung động trong lồng ngực và gặp khó khăn khi hít thở sâu thì đó là dấu hiệu cảnh báo bạn có thể bị thuyên tắc phổi.

Ho không rõ nguyên nhân: Nếu không thể ngừng ho, kèm thêm khó thở, tim đập nhanh hoặc đau ngực thì đó có thể là dấu hiệu của chứng thuyên tắc phổi. Thường bạn sẽ bị ho khan nhưng một vài người có thể ho ra chất nhày hoặc máu.

Theo Tổng hợp
Copy Link

Mới nhất

x
9 nguyên nhân và 6 dấu hiệu cảnh báo bạn có cục máu đông nguy hiểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO