9 quy tắc giúp cha mẹ tìm được tiếng nói chung với con trẻ

Trúc Anh 25/05/2018 18:57

Trong quá trình nuôi dạy, bất cứ bậc phụ huynh nào cũng vấp phải những khó khăn khi con trẻ bỗng dưng có những biểu hiện chống đối hoặc không nghe lời. Dưới đây là cách để cha mẹ hiểu con hơn và phương pháp tìm được tiếng nói chung giữa 2 thế hệ.

1. Tìm ra lợi thế của con

Không ai cảm thấy vui vẻ khi bị chê bai và con cũng vậy. Ngay cả phụ huynh, khi bị người khác cấm đoán hay tỏ thái độ tiêu cực thì bản thân cũng rất phẫn nộ. Chính vì thế, bạn nên tìm ra một lợi thế của con và cố gắng khen, động viên con phát triển ưu điểm đó nhiều hơn. Việc này sẽ giúp con cảm thấy thích thú và từ bỏ những thái độ phản đối hay thậm chí là làm loạn trong nhà.

2. Đưa ra các lựa chọn

Một điều nữa mà cha mẹ thường mắc phải là hay ra lệnh và bắt ép con phải thực hiện theo lời nói của mình. Trong những trường hợp này, con sẽ có phản ứng gay gắt vì chúng không thích bị áp đặt.

Giải pháp ở đây là các bậc phụ huynh nên đưa ra các lựa chọn trong giới hạn vừa phải, phù hợp với độ tuổi để bé cảm thấy mình có quyền tự quyết định và sẽ thoải mái, vui vẻ thực hiện điều cần làm.

3. Đừng coi thường các vấn đề của trẻ, dù là nhỏ nhất

Tuy đơn giản nhưng rất ít cha mẹ thực hiện được quy tắc này. Bạn thường không để ý đến những ý rắc rối nhỏ nhặt hay các sở thích đơn giản của con, điều này khiến trẻ trở nên không hài lòng và bắt đầu phản ứng khó chịu với cha mẹ.

Do đó, bạn nên cố gắng dành không gian riêng tư cho con đồng thời ưu tiên một số hoạt động yêu thích để bé thêm hứng thú. Điều này cũng sẽ giúp phụ huynh dần hiểu con hơn.

4. Có thể phá vỡ các quy tắc

Khi chơi với trẻ, người lớn thường tự áp đặt các quy tắc vốn có với bé và yêu cầu chúng bắt buộc phải tuân theo luật chơi. Nhưng việc này là một sai lầm vì nhiều khi bé thích tự sáng tạo quy tắc chơi của riêng mình và sẽ cảm thấy không hài lòng với luật chơi cũ.

Người lớn đã quen bị mắc kẹt trong những quy tắc, luật lệ cứng nhắc nhưng trẻ em thì không như vậy. Hãy để chúng thỏa sức phát triển sự sáng tạo của riêng mình, phương pháp này sẽ kích thích tư duy cũng như giúp con vui vẻ, sống tích cực hơn.

5. Đừng giúp con quá nhiều

Bạn cảm thấy mất kiên nhẫn khi phải chờ đợi con làm điều gì quá lâu và chỉ muốn làm thay hoặc giúp chúng thực hiện ngay lập tức để tiết kiệm thời gian. Nhưng điều này chỉ càng khiến con có thói quen ỉ lại và thụ động trong cuộc sống.

Thay vì nói: “Để mẹ làm cho con”, phụ huynh nên khuyến khích bé: “Mẹ sẽ hướng dẫn con cách làm việc này”. Và nếu bé nhờ tới sự trợ giúp của cha mẹ, hãy đánh giá xem con có đang làm tốt hay không để đưa ra hướng dẫn phù hợp hoặc tiếp tục động viên trẻ tự làm.

6. Mong muốn lời khuyên từ con

Khi bạn tỏ ý muốn có lời khuyên từ trẻ, bé sẽ cảm thấy ý kiến của mình được đánh giá cao. Ở độ tuổi này, con luôn muốn thể hiện trách nhiệm nên điều này sẽ giúp chúng cảm thấy vui vẻ và tích cực hơn trong các hoạt động hằng ngày.

Cha mẹ nên đặt câu hỏi để bé đưa ra giải pháp và lời khuyên cho một số công việc trong cuộc sống, điều này giúp con cảm thấy mình được tin tưởng và sẽ luôn trò truyện, chia sẻ với bạn nhiều hơn.

7. Thể hiện sự đồng cảm

Khi con trò truyện với bạn về các vấn đề chúng đang gặp phải, thay vì nói những câu như: “Mẹ đã nói rồi mà con đâu có nghe” thì các bậc phụ huynh hãy chia sẻ và cảm thông với bé nhiều hơn bằng câu nói như: “Mẹ hiểu là bạn ấy đã làm con rất buồn”…

Đừng đánh giá thấp các vấn đề của con vì nó có thể gây nên nhiều phản ứng và tính cách tiêu cực. Nếu con muốn khóc, hãy cứ để bé khóc đồng thời cha mẹ nên vỗ về, an ủi và thảo luận với trẻ về cách khắc phục.

8. Thảo luận về các tình huống giả định

Đây là việc làm cần thiết nhằm phát triển kỹ năng sống cho con. Các bậc phụ huynh nên chia sẻ với bé về các tình huống giả định để tìm ra phương pháp xử lý phù hợp. Ví dụ như: “Jason bỗng dưng đánh nhau với bạn bè rất thường xuyên. Con nghĩ tại sao Jason lại làm như vậy và bố mẹ bạn ấy nên làm gì?”.

Việc cùng con suy nghĩ dưới sự hướng dẫn của cha mẹ sẽ định hướng cho bé có những kiến thức thực tế, góp phần phát triển kỹ năng sống cần thiết cho trẻ trong nhiều trường hợp.

9. Hãy nhớ sử dụng sự hài hước

Việc xen kẽ sự hài hước vào các hoạt động như cùng con chơi đồ hàng hay ngay cả trong những khoảnh khắc khó khăn sẽ giúp bé dễ chịu và bớt phản ứng gay gắt khi gặp các vấn đề không hài lòng. Điều này còn tạo bầu không khí vui vẻ, đầy ắp tiếng cười cho gia đình.

Theo danviet.vn
Copy Link

Mới nhất

x
9 quy tắc giúp cha mẹ tìm được tiếng nói chung với con trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO