90 ngày 'đếm ngược' của sỹ tử lớp 12
(Baonghean.vn) - “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024” là phong trào thi đua đang được các trường học trong toàn tỉnh triển khai, với mục tiêu cùng với ngành Giáo dục tỉnh nhà tăng ít nhất 4 bậc về thứ hạng trong mùa thi năm nay.
Chạy đua với thời gian
Sau kỳ thi thử lần 1, với điểm trung bình 5,9 điểm môn Ngữ văn, cô giáo Lê Thị Thạch và các học sinh ở lớp 12C9, Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách (Thanh Chương) chưa thể yên tâm với kết quả đạt được.
Chính vì thế, từ đầu tháng 4 này, song song với việc dạy và học theo chương trình chính khóa ở trên trường, vào mỗi buổi chiều, các giờ học đã bắt đầu chuyển sang việc ôn luyện đề.
“12C9 là lớp đặc thù nên năng lực học sinh có hạn, ý thức của các em đối với việc ôn thi cũng không cao. Sau kỳ thi thử lần thứ nhất, tôi đã xem lại toàn bộ điểm thi và bài làm của các em để đánh giá chính xác năng lực từng em. Trên cơ sở đó, trong quá trình dạy học, ôn tập và luyện đề sẽ tập trung vào những nội dung các em còn non.
Ngoài ra, quá trình luyện đề cũng sẽ tạo cho các em kỹ năng làm bài. Từ nay đến khi kỳ thi chính thức diễn ra, chúng tôi đang đặt mục tiêu môn Ngữ văn sẽ đạt trung bình 7,3 điểm, muốn vậy thì cả cô và trò phải nỗ lực cố gắng từng ngày. Với riêng tôi, tôi sẽ nhiệt tình hết sức, đem hết tâm huyết để hỗ trợ học trò và xem các em như con của mình để đồng hành sát sao trong chặng đường nước rút này”, cô Thạch chia sẻ.
“Không đi chậm, không nói chuyện riêng, không làm việc riêng trong giờ học, tự giác ngồi vào bàn tự học, tự mày mò, tích lũy kiến thức khi ở nhà” là những yêu cầu mà Ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách (Thanh Chương) đặt ra cho 438 học sinh lớp 12 của nhà trường trong lễ phát động “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024”.
“Chúng tôi đã tổ chức thi thử và so sánh kết quả với các lần thi thử và thi thật của các năm trước, thì thấy một bộ phận học sinh vẫn chưa có ý thức học tập. Vì thế, trong đợt thi đua này, cùng với yêu cầu từ phía học sinh, tập thể hội đồng sư phạm của nhà trường cũng đồng sức đồng lòng, quyết tâm thi đua để đạt và vượt các chỉ tiêu cam kết thi tốt nghiệp, bằng những hành động, việc làm cụ thể.
Đó là đầu tư giáo án phù hợp với từng đối tượng học sinh, tăng cường tổ chức thi thử riêng nhiều lần, nhiệt tình trong dạy học miễn phí, kiên trì nhẫn nại trong phụ đạo yếu kém, yêu thương, bao dung trong giáo dục, kỷ cương, nề nếp trong dạy học, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá học sinh. Nhà trường cũng đã cùng thầy, cô giáo chủ nhiệm, chi hội trưởng hội phụ huynh ký cam kết về việc thực hiện ý thức tổ chức, kỷ luật, ký cam kết cố gắng đạt điểm cao vào các đợt thi thử…”.
Chỉ chưa đầy 3 tháng nữa, Kỳ thi tốt nghiệp THPT chính thức bắt đầu. Trong thời điểm nước rút, giáo viên và học sinh ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 đều đang quyết tâm để đạt mục tiêu giữ vững vị trí có điểm thi trung bình nằm trong tốp đầu của tỉnh.
Đây cũng là ngôi trường mà tỷ lệ học sinh có nguyện vọng vào đại học chiếm gần 100%, nên việc ôn thi được các em hết sức chú trọng.
Em Nguyễn Xuân Hải– Học sinh lớp 12C1 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 cho biết: “Theo như thông báo mới nhất, năm nay các trường khối an ninh sẽ xét tuyển kết hợp giữa điểm thi THPT Quốc gia và kết quả của kỳ thi Đánh giá năng lực của Bộ Công an tổ chức. Vì thế, hiện tại em vừa phải học tốt tổ hợp khối C3 Toán – Văn – Sử, vừa học đều tất cả các môn để có thể làm được 50 câu trắc nghiệm và tự luận trong bài thi đánh giá năng lực của Bộ Công an. Em đã thử làm thử một đề và thấy kiến thức khá rộng, đề khá “xương”.
Do đó, từ nay đến khi kỳ thi chính thức diễn r,a em xác định phải luyện đề nhiều, nắm kỹ các kiến thức trong sách giáo khoa. Gần ngày thi, chúng em sẽ góp tiền mua chung bộ đề thi đánh giá năng lực để luyện thêm cho mình kỹ năng làm bài”.
Đồng hành cùng học sinh
Năm học 2023 – 2024 là năm đầu tiên ngành Giáo dục Nghệ An phát động phong trào thi đua “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024”. Qua gần 1 tháng triển khai, phong trào này đã tác động tích cực đến công tác dạy và học ở các nhà trường.
Tại Trường THPT Nguyễn Duy Trinh (Nghi Lộc), ngay từ đầu năm lớp 12, nhà trường đã phân loại nhóm năng lực của học trò để định hướng các em trong việc lựa chọn ngành, nghề, trường mình mong muốn. Việc phân loại này cũng giúp giáo viên dễ dàng ôn tập cho học sinh, giúp các em đạt điểm cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Chúng tôi không xác định dạy tủ cho các em mà dạy đều tất cả các kiến thức để phục vụ cho học sinh vừa có thể làm tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT, vừa có thể tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực. Tôi cũng xác định phải dạy làm sao để học sinh hiểu được cốt lõi của các dạng. Khi đã nắm chắc các kiến thức cơ bản, học sinh sẽ từng bước tiếp cận các dạng bài tập khó hơn, các bài toán vận dụng, vận dụng cao.
Trường THPT Hà Huy Tập (thành phố Vinh) cũng là một trong những ngôi trường đầu tiên của tỉnh Nghệ An tổ chức lễ phát động và ký cam kết triển khai chương trình “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024”.
Trong năm học này, nhà trường phấn đấu xếp thứ hạng tốt nghiệp từ thứ 10 đến thứ 12 toàn tỉnh, tất cả các môn đều tăng hạng so với năm 2023. Ngoài ra, trường cũng đặt mục tiêu 100% học sinh đậu tốt nghiệp.
Thầy giáo Cao Thanh Bảo – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thời điểm này, các giáo viên sẽ chủ yếu tổng hợp kiến thức nền tảng cho học sinh và giúp các em rà soát những kiến thức còn thiếu sót để kịp thời bổ sung và rèn luyện. Chúng tôi cũng đã yêu cầu các tổ chuyên môn bám sát nội dung, cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ đó, xây dựng kế hoạch ôn tập bảo đảm chuẩn kiến thức, ôn tập từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp và cho học sinh làm quen với các dạng đề minh họa”.
Để phong trào thi đua “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024” được triển khai thiết thực và lan toả, các nhà trường phải có kế hoạch cụ thể, chi tiết, bài bản cho từng nội dung khác nhau. Việc dạy học phải đảm bảo đúng đối tượng và phải tạo được khí thế học tập cho từng học sinh, từng nhà trường. Các thầy giáo, cô giáo cũng cần phải nỗ lực, tăng cường sinh hoạt chuyên môn, tận tâm, tận tụy với học trò.
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, các nhà trường cần phải vào cuộc một cách tích cực, thực chất, không chạy theo hình thức, bệnh thành tích, lấy học trò làm trung tâm và lấy kết quả để đánh giá chất lượng của nhà trường”.