9X Nghệ An đánh liều đưa loại quả 'quý tộc' trồng ở bãi bồi sông Lam
(Baonghean.vn) - Được coi là loại quả “quý tộc”, kén đất, ưa lạnh, khó thích nghi với khí hậu khắc nghiệt của Nghệ An, nhiều người đã trồng thử nghiệm dâu tây trong nhà kính nhưng không thành công. Vậy mà một thanh niên lại đánh liều trồng ở bãi bồi sông Lam và thu được kết quả ngoài mong đợi.
Những ngày gần đây, trên mạng xã hội “phát sốt” với hình ảnh vườn dâu tây trên bãi bồi sông Lam (đoạn qua xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên) với ví von là “Đà Lạt thu nhỏ ở Nghệ An”, thu hút hàng nghìn lượt người đến tham quan, trải nghiệm. Đây chính là thành quả bất ngờ mà Nguyễn Văn Sơn (SN 1991) ở Hưng Thành, Hưng Nguyên nhận được sau 6 tháng thấp thỏm mong ngóng kể từ khi đặt những bầu giống dâu tây xuống vùng đất bãi bồi. Ảnh: NVCC |
Những trái dâu căng mọng, đỏ tươi cho thấy loại cây “quý tộc” này thích ứng tốt với vùng đất bãi bồi sông Lam và khí hậu nơi đây. Ảnh: Thanh Phúc |
“Phải trải qua 3 năm thử nghiệm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến mùa dâu này mới thành công”, Sơn chia sẻ. Theo đó, từ năm 2019, 9X này đã trồng thử nghiệm song song cây dâu tây trong nhà kính và cả ở ngoài bãi bồi, so sánh ưu-nhược của 2 điều kiện canh tác khác nhau để có cách khắc phục. Ảnh: Thanh Phúc |
Việc đưa cây dâu tây ra trồng ở bãi bồi khá mạo hiểm và Sơn đã phải trả giá khi đợt lũ cuối năm 2022 đã cuốn phăng tất cả. Song, Sơn không nản chí, vẫn quyết tâm làm bằng được với mong muốn phổ biến đối tượng có giá trị kinh tế cao này cho nhiều người trồng với chi phí thấp. Ảnh: Thanh Phúc |
Với thành công bước đầu, Nguyễn Văn Sơn đang có dự định mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch canh nông, từ đó, tạo việc làm cho lao động địa phương. Đồng thời, cung cấp nông sản sạch cho thị trường, tạo thêm điểm đến cho người dân Nghệ An. Ảnh: Thanh Phúc |
Ước mơ của Sơn là biến vùng đất cát ven sông Lam thành một khu nông nghiệp công nghệ cao với những nông sản cao cấp nhưng được sản xuất với chi phí thấp nhất, đưa ra thị trường với mức giá mà người tiêu dùng “chấp nhận” được. Ảnh: Thanh Phúc |