AFF CUP 2022: Quang Hải trở về và nỗi lo kế cận
(Baonghean.vn) - Ngay sau khi World Cup 2022 kết thúc, Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (AFF Cup 2022) cũng bắt đầu khởi tranh với “chu kỳ” không phải 2 năm/lần như trước mà liên tục trong 2 năm 2021, 2022, do trước đó vướng đại dịch Covid-19.
Đương kim vô địch Thái Lan vì vậy chỉ có tròn 1 năm giữ ngai vàng khu vực và phải bắt tay vào chiến dịch bảo vệ ngôi đầu với nhiệm vụ khó khăn do thiếu hụt lực lượng nghiêm trọng.
Trước đây, người Thái từng để mất ngôi vì thiếu các trụ cột, nhất là Chanathip. Nay tình trạng đó đang lặp lại, liệu họ có biết cách khắc phục điểm yếu cố hữu để bổ sung bảng vàng thành tích hay sẽ phải tiếp tục ôm hận trước Việt Nam và biết đâu là… Indonesia?
Trong khi đó, người Indonesia vẫn tiếp tục tin cậy ông thầy người Hàn Quốc Shin Tae-yong, khi một năm trước từng đưa dàn cầu thủ trẻ xứ vạn đảo vào tới trận chung kết, nhưng thêm một lần kéo dài nỗi đau cho người hâm mộ nơi này vì đã có 6 lần hụt ngôi vua trong trận đấu quyết định cuối cùng. Lần này, ông thầy người Hàn vẫn thể hiện sự quyết tâm, vẫn mong mỏi người hâm mộ đến sân để cổ vũ đội tuyển thi đấu và giành chiến thắng. Cũng như Thái Lan, bóng đá Indonesia hiện có khá nhiều cầu thủ thi đấu ở nước ngoài, chưa kể số cầu thủ nhập tịch, nhằm phục vụ cho tham vọng lớn ở phía trước. Đương nhiên, phần lớn họ sẽ không trở về dịp này vì lý do giải đấu không nằm trong hệ thống thi đấu của FIFA.
Quang Hải được ra sân trong đội hình xuất phát của đội tuyển Việt Nam. Ảnh tư liệu: Như Đạt |
Trong khu vực, rất dễ thấy tinh thần “màu cờ sắc áo” của người Indonesia không thua kém bất cứ đối thủ nào, thậm chí tới mức cực đoan, quá khích. Vì vậy, đừng chủ quan nếu cho rằng, lực lượng của Indonesia sẽ không thực sự mạnh. Cũng không nên quên rằng, cựu huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Hàn Quốc, nay là huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Indonesia sẽ rút ra nhiều bài học sau thắng lợi và thất bại ở AFF Cup hay SEA Games vừa qua để sẵn sàng điều chỉnh mọi việc, bắt bài mọi đối thủ.
Tham vọng không thua kém 2 đối thủ nói trên, đương nhiên là Đội tuyển Việt Nam với giải đấu chia tay của “phù thủy” Park Hang-seo. Khác với 2 đối thủ sừng sỏ Thái Lan và Indonesia, ngôi sao duy nhất đang thi đấu nước ngoài là Quang Hải cuối cùng lại được “nhả” về thi đấu trong dịp AFF Cup 2022 diễn ra. Điều này là may mắn cho ông Park Hang-seo, nhưng thực ra lại là điều đáng lo cho chặng dài của bóng đá Việt khi quá ít, quá hiếm nhân tố được tôi luyện ở các nền bóng đá tiên tiến. Hãy xem Đội tuyển Nhật Bản thi đấu ngang cơ, thậm chí hơn đối thủ châu Âu, châu Phi ở World Cup 2022, nhất là trước các đối thủ Đức và Tây Ban Nha, thì sẽ thấy rõ vai trò của việc đưa cầu thủ giỏi ra nước ngoài thi đấu chiếm vai trò quan trọng đặc biệt như thế nào. Người Nhật hiện tại gần như đã có đủ một đội hình chính thức ra nước ngoài thi đấu ở các giải bóng đá hàng đầu thế giới. Đó chính là lời giải đầy đủ nhất cho công tác đào tạo trẻ chất lượng, giải đấu J-League chất lượng và hơn hết là chiến lược phát triển bóng đá rất đáng nghiên cứu và học hỏi.
Khi các nền bóng đá hàng đầu châu Á từng làm nên chấn động ở World Cup, thì bóng đá Việt và cả khu vực mới chỉ dám mơ đến tấm vé được tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh mà cũng còn xa vời nếu số đội dự giải không tiếp tục được mở rộng thêm. Từ việc ghi được bàn thắng, rồi có một trận hòa, tiến tới một trận thắng đã là vô cùng khó khăn, bóng đá châu Á đã có các đội tuyển giành 2 trận thắng ở vòng bảng World Cup và đi cửa chính để lọt vào vòng sau.
Nhưng câu chuyện sau vòng 1/8 World Cup hiện tại lại là “đỉnh khó vượt” như mới đây mọi người đã thấy, điển hình là Đội tuyển Nhật Bản đầy tài năng và tham vọng. Trước đây, Hàn Quốc từng vào tới bán kết (2002), nhưng họ không thể lặp lại thành tích kỳ vĩ đó. Thực tế cũng cho thấy bóng đá châu Á đang vô cùng vất vả để “vượt ngưỡng” để tới vòng đấu tứ kết, tức 8 đội mạnh nhất thế giới.
Đội tuyển Việt Nam hội quân tại Hà Nội từ ngày 23/11. Ảnh tư liệu Hải Hoàng |
Vậy, khi các đội tuyển trong khu vực hô hào ầm ĩ về việc giành ngôi vua AFF Cup, thực ra là một thành tích không có gì đáng bàn nếu xem xét ở tầm châu lục. Tất nhiên, Thái Lan và Việt Nam từng lọt tới vòng loại thứ 3 World Cup, nghĩa là nằm trong nhóm đội bóng hàng đầu châu lục, nhưng xếp sau chót và khoảng cách với các đội hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia hay Arabia Saudi vẫn còn khá lớn và rất khó tiệm cận, chứ đừng mơ vượt qua.
Nên chăng nhìn vào tấm gương người Nhật, việc các ngôi sao Thái Lan, Indonesia hay Malaysia… không về dự AFF Cup 2022 mới chính là điều đáng lo ngại cho bóng đá Việt Nam không chỉ trong thời gian tới? Có Quang Hải, ông Park Hang-seo và người hâm mộ sẽ “dễ thở” hơn một chút nhưng chưa chắc đã đảm bảo cho thắng lợi, vì chính ngôi sao này cũng từng thi đấu ở AFF Cup 2021? Bóng đá Việt vì thế phải trông chờ vào các nguồn đào tạo trẻ Hà Nội FC, Viettel, Sông Lam Nghệ An, PVF, Hoàng Anh Gia Lai, Học viện NutiFood… để sản sinh ra các lứa tài năng mới, đủ sức ra nước ngoài “học việc” thực sự để phục vụ cho chiến lược lâu dài một cách khả thi.