Afghanistan - Sân khấu của trò chơi vương quyền?

Hoàng Bách 11/03/2020 08:10

(Baonghean) - Hỏa lực của rocket đã khiến buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Afghanistan đầu tuần này bị gián đoạn. Chiến thắng nhiệm kỳ thứ hai của ông đã bị phủ bóng bởi động thái của đối thủ chính trị, khi cùng lúc tuyên bố vai trò lãnh đạo, ngay trước thềm các cuộc hòa đàm trọng yếu với lực lượng Taliban.

Chính phủ song song

Theo AFP, mối thù địch đắng chát giữa ông Ghani với người cựu quan chức điều hành cấp cao trong chính quyền của mình là Abdullah Abdullah đã tạo ra những mối lo mới về nền dân chủ mong manh của Afghanistan, nhất là giữa lúc Mỹ tuyên bố bắt đầu rút quân về nước theo thỏa thuận ký kết vào tháng trước với lực lượng nổi dậy Taliban.

Ông Ghani nắm tay các phó tổng thống trong lễ nhậm chức, chỉ vài phút trước khi đối thủ chính trị Abdullah cũng tự phong tổng thống. Ảnh: AFP
Ông Ghani nắm tay các phó tổng thống trong lễ nhậm chức, chỉ vài phút trước khi đối thủ chính trị Abdullah cũng tự phong tổng thống. Ảnh: AFP

Các cuộc bầu cử đã được tổ chức hồi tháng 9 năm ngoái, nhưng hết lần này lượt khác trì hoãn và cáo buộc gian lận lá phiếu cử tri trên quy mô lớn đồng nghĩa rằng ông Ghani, nhà lãnh đạo đương nhiệm khi ấy, chỉ được tuyên bố trở thành người chiến thắng sít sao vào tháng 2 vừa qua. Điều đó châm ngòi cho một phản ứng giận dữ từ đối thủ chính trị Abdullah, khiến ông này tuyên bố sẽ tự đứng ra thành lập chính phủ song song.

Và lời cam kết này đã được Abdullah hiện thực hóa hôm 9/3 vừa rồi. Hôm đó, ông Ghani trong trang phục truyền thống của Afghanistan, đầu đội khăn turban trắng, đến dinh tổng thống để bắt đầu lễ nhậm chức. Vây quanh ông là đám đông người ủng hộ, các nhân vật chính trị cấp cao cùng nhiều chức sắc nước ngoài, bao gồm đặc phái viên Mỹ Zalmay Khalilzad và Tướng Scott Miller, người đứng đầu các lực lượng của Mỹ tại Afghanistan. Chỉ vài phút sau, trong một góc khác của khu phức hợp này, ông Abdullah vận trên mình bộ com-lê phẳng phiu, tự mình tuyên bố nhậm chức tổng thống, thề sẽ “bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ” của Afghanistan.

Tổng thống Ashraf Ghani và đối thủ chính trị Abdullah Abdullah cùng tuyên thệ nhậm chức Tổng thống. Ảnh: Reuters
Tổng thống Ashraf Ghani và đối thủ chính trị Abdullah Abdullah cùng tuyên thệ nhậm chức Tổng thống. Ảnh: Reuters

Ngay khi hàng trăm người đang theo dõi lễ nhậm chức của ông Ghani, ít nhất 2 vụ nổ lớn đã xảy ra, khiến một số người vội vã tìm cách thoát thân. Bộ trưởng Nội vụ nước này sau đó cho biết, 4 quả rocket đã được nhắm vào trung tâm thủ đô Kabul, trong đó 1 quả trúng tường rào bao quanh khách sạn sang trọng Serena ngay gần dinh tổng thống. Một sỹ quan cảnh sát bị thương nhẹ, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tuyên bố nhận trách nhiệm về các vụ nổ, khiến dư luận liên tưởng đến vụ tấn công tương tự nhằm vào buổi diễn thuyết của ông Ghani hồi tháng 8/2018, làm 6 dân thường bị thương.

Khi tiếng còi báo động vang rền, người ta nghe thấy ông Ghani nói với những người còn trụ lại phía sau: “Tôi không mặc áo chống đạn, tôi chỉ mặc mỗi chiếc áo sơ mi này. Tôi sẽ ở lại kể cả khi phải hy sinh mạng sống của mình”. Sau khi ông Ghani từ chối rời bục phát biểu và nhận được những tràng pháo tay tán tụng, ngợi khen, không ít người trong số tháo chạy trước đó đã quay trở lại vị trí ngồi, tiếp tục buổi lễ.

Các quan chức và khách khứa phản ứng sau khi nghe tiếng nổ lớn trong lễ nhậm chức của Tổng thống Ghani. Ảnh: AFP
Các quan chức và khách khứa phản ứng sau khi nghe tiếng nổ lớn trong lễ nhậm chức của Tổng thống Ghani. Ảnh: AFP

Trò chơi vương quyền

Nhận định của báo chí phương Tây cho rằng, trò chơi vương quyền giữa ông Ghani và ông Abdullah đã kéo căng sợi dây kiên nhẫn của cộng đồng quốc tế cũng như dân chúng Afghanistan. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dù không lên tiếng chúc mừng ông Ghani nhậm chức, nhưng đã kịch liệt lên án động thái thành lập chính phủ song song của ông Abdullah và hối thúc ban lãnh đạo tại Kabul đoàn kết lại, vì mục tiêu đạt được hòa bình với Taliban. Trong một tuyên bố dẫu không nêu đích danh Abdullah, ông Pompeo nói: “Chúng tôi mạnh mẽ phản đối bất kỳ hành động nào nhằm thiết lập một chính phủ song song, và bất kỳ việc sử dụng vũ lực nào nhằm giải quyết những bất đồng chính trị”.

Chỉ vài giờ đồng hồ sau lễ nhậm chức của 2 đối thủ chính trị trên chính trường Afghanistan, quân đội Mỹ đã lên tiếng thông báo bắt đầu rút quân về nước, theo đúng thỏa thuận đã đạt được trước đó. Người phát ngôn Sonny Leggett cho hay: “Các lực lượng Mỹ tại Afghanistan đã bắt đầu dựa trên các điều kiện để giảm thiểu các lực lượng xuống còn 8.600 người trong vòng 135 ngày”, so với ngưỡng hiện nay là hơn 12.000 người.

Theo thỏa thuận đã được ký kết tại Qatar cách đây không lâu, toàn bộ quân đội nước ngoài sẽ phải rút khỏi lãnh thổ Afghanistan trong vòng 14 tháng, để đổi lấy nhiều cam kết an ninh từ phía Taliban kèm một lời hứa tổ chức các cuộc đàm phán với Kabul. Không khó để nhận ra rằng, những hố sâu chia rẽ giữa các chính khách Afghanistan vô hình trung sẽ trở thành “đòn bẩy”, làm lợi cho lực lượng nổi dậy trong các cuộc đàm phán ấy.

Hàng trăm binh sĩ Mỹ bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan từ ngày 9/3. Ảnh: Sputnik
Hàng trăm binh sĩ Mỹ bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan từ ngày 9/3. Ảnh: Sputnik

Các cuộc đối thoại trong nội bộ đất nước Afghanistan theo kế hoạch được khởi động vào ngày 10/3, nhưng chính phủ của ông Ghani vẫn chưa công bố bất kỳ chi tiết nào về ê kíp đàm phán và cũng chưa rõ thời điểm bắt đầu. Hôm 9/3, ông chỉ tiết lộ rằng sẽ điều một nhóm riêng tới đàm phán với lực lượng Taliban: “Một trong những ưu tiên trước hết của chính phủ chúng tôi sẽ là tạo ra sự đồng thuận chính trị, và bổ nhiệm một nhóm đàm phán”.

Trong bài diễn văn nhậm chức đầu tuần, Tổng thống Ghani dường như muốn đánh động đến các đối thủ của mình, khi phát biểu rằng: “Hôm nay là ngày để đoàn kết. Chúng ta phải nghĩ về tương lai. Tôi kêu gọi các đối thủ chính trị trong quá khứ giúp tôi một tay và kề vai sát cánh để phụng sự đất nước này. Sứ mệnh của chúng ta là hòa bình và chấm dứt 40 năm chiến tranh”.

Tuy nhiên, thực tế trước mắt là không hề dễ dàng, bởi người Afghanistan bấy nay gần như không bộc lộ mảy may đôi chút nhiệt tình, hào hứng, dù là với những chính khách như Abdullah, Ghani hay tiến trình bầu cử nói chung, minh chứng là hầu hết trong số họ đã bỏ phiếu trắng trong cuộc bầu cử hồi năm ngoái. Bạo lực vẫn không có tín hiệu lắng xuống, ngoại trừ trong thời gian ngừng bắn một phần kéo dài 1 tuần lễ ngắn ngủi trước thềm thỏa thuận Mỹ - Taliban. Trong vụ tấn công chết chóc nhất nhằm vào Afghanistan nhiều tuần qua, các tay súng IS đã khiến 32 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương tại một buổi tập trung lực lượng chính trị ở Kabul vào cuối tuần trước.

Những người ủng hộ Abdullah tham dự buổi lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống ở Kabul. Ảnh: Reuters
Những người ủng hộ Abdullah tham dự buổi lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống ở Kabul. Ảnh: Reuters

Ở đầu bên kia bàn đàm phán, Taliban, vốn dĩ xem tiến trình bầu cử là một vấn đề “gian dối và có sự nhúng tay của nước ngoài”, cũng đã đẩy mạnh các cuộc tấn công nhằm vào dân thường và các lực lượng Afghanistan. Họ phần nào bày tỏ quan điểm trước cuộc “cạnh tranh” nhậm chức vừa qua, khi người phát ngôn của lực lượng này là Zabihullah Mujahid nói rằng, diễn biến ấy cho thấy “với những kẻ nô lệ không có gì quan trọng hơn là lợi ích cá nhân của chính mình”.

Có thể nói, trong bối cảnh hiện hữu, sẽ không quá bi quan khi nhận định rằng, cuộc chiến “nồi da nấu thịt” trên chính trường Afghanistan khả năng lớn sẽ khiến chính phủ nước này phải trả giá đắt. Và đây là kịch bản tồi bởi lẽ vốn dĩ họ đã phải đối mặt với vô vàn sức ép sau khi bị “ra rìa” trong các cuộc đàm phán Doha dẫn tới thỏa thuận Mỹ - Taliban.

Mới nhất

x
Afghanistan - Sân khấu của trò chơi vương quyền?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO