Ai chịu trách nhiệm về chương trình trường học mới VNEN ?

09/10/2017 09:00

(Baonghean) - VNEN cho đến nay đã thực sự trở thành nỗi ám ảnh theo chúng tôi vào cả giấc ngủ"! Vậy nhưng tại sao Nghệ An vẫn "nơi dừng nơi chưa", và tình trạng này sẽ kéo dài đến bao giờ?

Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) là một thí điểm vận dụng mô hình trường học kiểu mới của Colombia (chương trình dành cho các lớp học ghép ở vùng miền núi). Ở Nghệ An, chương trình được triển khai từ năm học 2012-2013, tổng kinh phí dự án cấp cho tỉnh Nghệ An từ năm 2013 đến 2016 là: 47.802.546.000 đ.

Năm học 2017 - 2018 đã bắt đầu, đây cũng là thời điểm mà trên 300 học sinh lớp 7 và lớp 8 ở Trường THCS Hưng Dũng (TP Vinh) sau 3 năm làm “chuột bạch” thí nghiệm chương trình giáo dục mô hình trường học mới (VNEN) lại quay về học theo chương trình sách giáo khoa bình thường như bạn bè cùng trang lứa.

Nhưng vẫn còn đó hàng nghìn học sinh và hàng trăm thầy cô giáo đang hàng ngày “đối phó”, vật lộn với “chương trình trường học mới” để tránh bị tụt hậu kiến thức so với các học sinh học chương trình sách giáo khoa bình thường.

Những học sinh, thầy cô giáo đang phải giảng dạy và học theo “chương trình trường học mới” này cũng “ước” gì được quay trở lại với chương trình sách giáo khoa hiện hành để tránh tình trạng “sáng học sách VNEN, chiều học thêm chương trình sách giáo khoa thường”. Nhưng điều này lại tùy thuộc vào sự gây áp lực của các phụ huynh ở từng trường!

Lớp học đông, điều kiện vật chất chưa đảm bảo là những hạn chế khiến việc dạy học theo mô hình trường học mới ở Trường THCS Hưng Dũng không nhận được sự đồng tình. Ảnh: MH
Lớp học đông, điều kiện vật chất chưa đảm bảo là những hạn chế khiến việc dạy học theo mô hình trường học mới ở Trường THCS Hưng Dũng không nhận được sự đồng tình. Ảnh: MH

Bởi để dừng chương trình VNEN, các phụ huynh Trường THCS Hưng Dũng hàng năm đã liên tiếp gửi đơn kiến nghị lên Sở GD&ĐT. Trong các kỳ họp phụ huynh họ cũng kịch liệt phản đối, như bước vào năm học 2017-2018 này, hơn 96% phụ huynh, hơn 93% giáo viên của Trường THCS Hưng Dũng tiếp tục bỏ phiếu đề nghị chấm dứt triển khai chương trình trường học mới VNEN.

Trước đó năm học 2016-2017, hàng trăm phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP Vinh) đã phản ứng dữ dội và tuyên bố sẽ không cho con đi học hoặc chuyển trường nếu nhà trường tiếp tục áp dụng chương trình VNEN. Trước tình thế đó, trường đã phải dừng chương trình VNEN, quay về giảng dạy chương trình hiện hành.

Nhiều người băn khoăn, lo lắng là tại sao việc dừng một chương trình dạy học lại phải để các bậc phụ huynh phản ứng gay gắt thì ngành giáo dục mới làm theo kiểu “nóng tay bắt lỗ tai” chứ không có một đánh giá vào cuối mỗi năm học, và hướng dẫn cụ thể trước khi bước vào năm học mới?

Chính sự bị động này đã dẫn đến việc “mạnh ai nấy làm”, nơi nào phụ huynh phản đối mạnh quá thì dừng, nơi nào không thì cứ “âm thầm” triển khai.

Từ năm học 2012 – 2013 đến năm học 2015 – 2016, Chương trình thí điểm Trường học mới VNEN đã được triển khai ở 73 trường tiểu học trong toàn tỉnh (chiếm tỷ lệ 14,1%) với 1.047 lớp và 27.030 học sinh tham gia (trong đó, học sinh vùng dân tộc miền núi chiếm 70%). Kết thúc năm học 2016 - 2017, Nghệ An có 33 trường triển khai theo mô hình trường học mới ở bậc THCS với 64 lớp 6 và 65 lớp 7.

Trong khi đó, lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An lại úp mở rằng “ngành giáo dục Nghệ An vận dụng linh hoạt, tiếp thu những mặt tích cực của VNEN chứ không áp dụng hoàn toàn”, nhưng trên thực tế cái nào tích cực, cái nào không thì Sở GD&ĐT cũng không chỉ rõ. Ngay như trong hội nghị triển khai năm học 2017-2018 của toàn ngành giáo dục Nghệ An, “chương trình trường học mới” cũng không được đề cập đến, mà tự các nhà trường, giáo viên vẫn tiếp tục “mò mẫm, thử nghiệm”.

Và để đối phó với dư luận, ngành giáo dục không gọi là chương trình VNEN nữa mà nói là “chương trình trường học mới”, nhưng cách dạy và sách giáo khoa vẫn bê y nguyên chương trình VNEN lúc đầu!

Rốt cuộc chỉ có học sinh là người chịu thiệt, như ở Trường THCS Hưng Dũng, khi trở lại chương trình học theo sách giáo khoa bình thường, nhiều học sinh phải bồi dưỡng thêm các kiến thức thiếu hụt trong quá trình học VNEN. Mặc dù trước đó, cả giáo viên và học sinh đã “đối phó” bằng cách “sáng học VNEN, chiều học chương trình cũ”.

Hàng năm ngoài bộ sách của chương trình VNEN, phụ huynh còn phải mua thêm các sách giáo khoa theo chương trình bình thường. Năm học này, do không biết trước có học VNEN nữa hay không nên nhà trường vẫn triển khai mua sách giáo khoa VNEN cho năm học 2017-2018, nên khi dừng chương trình này hàng trăm bộ sách VNEN mà các em học sinh đã mua về cũng “xếp xó” – lãng phí hàng trăm triệu đồng!

Vấn đề đặt ra, sau 4 năm triển khai VNEN, nhiều bất cập đã lộ rõ, nhiều tỉnh, thành đã dừng hẳn chương trình này. Bởi như nhiều giáo viên tham gia giảng dạy chương trình VNEN nhận xét: “Học sinh thì ngày càng kém đi, phụ huynh tất tả tìm chỗ học thêm cho con, giáo viên thì mệt nhoài và căng thẳng với bài toán “thành tích”.

"VNEN cho đến nay đã thực sự trở thành nỗi ám ảnh theo chúng tôi vào cả giấc ngủ”! Vậy nhưng tại sao Nghệ An vẫn “nơi dừng nơi chưa”, và tình trạng này sẽ kéo dài đến bao giờ? Ai sẽ chịu trách nhiệm, hay là cứ để phụ huynh “tự quyết định” như vừa qua? Và “dừng hay không” cũng rất cần một cuộc hội thảo, đánh giá nghiêm túc về việc triển khai chương trình VNEN ở Nghệ An.

Tại công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về triển khai VNEN, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận nhiều bất cập trong quá trình triển khai chương trình VNEN như mô hình chưa thực sự phù hợp với nhiều địa phương còn gặp khó khăn, một số nơi chưa nhận thức đầy đủ về mô hình và điều kiện áp dụng, cán bộ quản lý và giáo viên chưa được chuẩn bị chu đáo, một bộ phận ngại đổi mới hoặc áp dụng mô hình một cách máy móc, việc triển khai còn nóng vội.

Đức Dũng

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Ai chịu trách nhiệm về chương trình trường học mới VNEN ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO