Ai phải hiểu ai?

28/05/2015 21:02

(Baonghean) - Lần đầu tiên một bộ luật thuộc hàng cực kỳ quan trọng trong an sinh xã hội phải trình Quốc hội xem xét chỉnh sửa khi thậm chí nó còn chưa kịp có hiệu lực. Như chúng ta đã biết, luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014 đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhất là người lao động. Nội dung bị coi là “thủ phạm” tạo nên những cuộc tranh luận đầy sóng gió vừa qua chính là Điều 60 của luật này.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn các vấn đề văn hóa xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bộc bạch: “Tôi cho rằng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014 có nhiều điểm chưa sát với thực tiễn đời sống nhân dân. Đặc biệt, chưa sát với những người đóng và hưởng Bảo hiểm xã hội. Tôi có cảm giác là việc làm luật này chưa thận trọng, nhiều đối tượng chưa khảo sát đến nơi đến chốn, khảo sát chung chung dẫn đến nhiều đối tượng thấy quy định như Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội không phù hợp với thực tế cuộc sống. Cho nên người dân phản ứng là điều tất nhiên”.

Thực ra, cái lý các nhà làm luật (ý ở đây là cơ quan tham mưu dự thảo), và cả một số ý kiến khác cho rằng, quy định như Điều 60 vừa rồi là phù hợp, là “nhân văn”, là “có lợi cho người lao động”. Với quan điểm bảo vệ: Nếu để cho người lao động được nhận “một cục” thì không khác gì ăn lúa non, nghĩa là về già họ sẽ không có thu nhập và tất nhiên họ trở thành gánh nặng cho chính bản thân mình, cho gia đình và cho cả xã hội. Đặc biệt, rất nhiều ý kiến thiên về “phía” bảo lưu Điều 60 còn cho rằng, việc công nhân phản ứng vừa qua là do chưa hiểu thấu ý nghĩa nhân văn của quy định. Thậm chí có vị còn “khuyên” cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục cho công nhân lao động! Tóm lại, họ cho rằng, việc công nhân lao động phản đối là vì chưa… hiểu luật!

Có đúng là công nhân không hiểu luật? Luật mà lại khó hiểu đến mức như thế ư? Nếu làm ra một bộ luật để rồi công nhân - đối tượng được coi là “giai cấp tiên tiến nhất” cũng không thể hiểu thì bộ luật đó đích thị là “khó hiểu” rồi! Bây giờ thì không chỉ công nhân lao động nữa mà cả những người rất có trọng trách, thậm chí Chính phủ cũng kiến nghị điều chỉnh thì không biết có còn ai nghĩ đến chuyện giải thích luật nữa không nhỉ! Thưa rằng, đừng đổ cho công nhân không hiểu luật mà tội, mà oan những người đang ngày đêm trực tiếp tạo ra sản phẩm cho xã hội! Họ hiểu, quá hiểu, hiểu lắm, chính vì hiểu nên họ mới “kêu” đấy! Ai đó nhận định công nhân không hiểu luật mới “sinh chuyện” này nọ là một nhận định vội vàng, nếu là phán đoán thì một phán đoán thiếu thận trọng.

Thiết nghĩ, trước hết chúng ta cần một thái độ hết sức điềm tĩnh trước sự việc “cãi lại Điều 60” như vừa rồi. Cần nhìn nhận nó như là một chuyện bình thường trong xã hội hiện đại. Nếu đứng ở một góc độ nào đó thì đây còn là một hình thức phản biện xã hội cần phải được trân trọng. Tại sao lại không thể coi việc công nhân lao động đọc luật, hiểu luật, thậm chí tranh luận về luật là một tín hiệu tích cực, là một chỉ số đáng mừng về dân trí? Quả là buồn, chính xác là tẻ nhạt nếu đâu đó chỉ tồn tại toàn những người lao động thuộc dạng “vai u, thịt bắp”, “đập đi, hò đứng”, “hô khoan đánh khoan, hô nhặt đánh nhặt”. Những người lao động không có khả năng am hiểu về chính sách, về pháp luật thì làm sao mà “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”? Huống hồ đây là một chính sách liên quan trực tiếp đến người lao động, đến cả gia đình người lao động thì làm sao mà họ lại có thể chấp nhận để trượt qua dễ dàng thế được! Tuy nhiên chúng ta cần cảnh giác, định hướng dư luận, không để người lao động bị lợi dụng (nếu có) rồi dẫn đến “cái sảy nảy cái ung”. Người lao động giờ đây đã khác nhiều, khái niệm “công nhân trí thức” đang dần dần được hiện thực hóa. Không còn nghi ngờ gì nữa, chính người lao động mới là kẻ “bấm nút” sau cùng, dẫn luật vào cuộc sống.

Giải thích trên các phương tiện thông tin, vẫn còn một số người cố gắng duỗi sức để “bày khun” cho người lao động rằng, đừng có dại mà rút về “một cục”! Nào là được mấy tháng lương nhân với mấy năm này nọ, nào là để thế thì sau này cả mấy chục năm nhân với nọ kia… Vâng, hiểu! Cảm ơn! “Dạy” như thế cũng phải! Nhưng thưa rằng, công nhân lao động cũng chả “i tờ” đến mức không biết tính nhẩm đâu ạ! Người ta thừa năng lực nhận thức để so sánh “cái nào quyết định cái nào”! Cái việc “tháo vận vá vai” rút “của để dành” để hưởng một lần chỉ xảy ra trong tình huống “cực chẳng đã” (lời của ông Đặng Ngọc Tùng, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).

Còn chuyện “nhân văn”, phải thừa nhận rằng, đã có không ít những quy định bắt buộc của pháp luật xuất phát từ nhân văn, hướng đến sự nhân văn (như quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm chẳng hạn). Tuy nhiên, trong trường hợp này liệu cái nhân văn có chối bỏ sự linh hoạt? Quả là vô cùng nhân văn cho người lao động (và nói thật là cho cả quỹ bảo hiểm nữa) nếu chúng ta giữ được tiền đóng bảo hiểm cho đến lúc đủ tuổi nghỉ hưu. Nhưng liệu nó có nhân văn không khi một người lao động nào đó rơi vào tình thế nằm trên giường bệnh hiểm nghèo đếm lùi giờ sống để mà chờ ngày sổ hưu… “rã đông”?

Nhân văn, suy cho cùng là những giá trị và tính chất tốt đẹp thuộc về văn hóa con người. Để có được điều đó, đòi hỏi con người phải được sống và giáo dục trong môi trường hướng thiện, nơi hiển diện cái tốt, sự tử tế, chu đáo và cảm thông. Hình như ai đó từng nói, không hiểu nhau khó mà cảm thông với nhau được.

Người lao động cần phải hiểu luật, điều đó hơn cả quan trọng. Nhưng luật cũng cần “hiểu” người lao động, điều đó còn quan trọng hơn. Nếu một trong hai “anh” này không “hiểu” nhau, tất nhiên phía trước họ là sự thất bại!

Nguyễn Khắc An

Ai phải hiểu ai?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO