Ám ảnh sau một lần tát con
Tôi bị ám ảnh không phải vì thẳng tay tát con mà hình ảnh bé chực khóc khi cặm cụi ăn đáng thương, đáng yêu bao nhiêu thì tôi đáng trách gấp nhiều lần hơn nữa.
Tôi là người bố rất yêu chiều con nhưng vì những áp lực công việc, khó chịu trong cơ thể sau những ly rượu vại bia, điều đó khiến tôi có những hành động thiếu kiểm soát. Tôi là một ông bố trẻ, có cô con gái đầu lòng hơn 3 tuổi, nó có đôi mắt đẹp, ai cũng nói thế. Mỗi lần đưa bé đi chợ, bà hàng thịt, cô hàng rau, chị bán cá, anh bán giò,… ai cũng bảo “Nhìn đôi mắt kìa, sau này khổ các anh lắm”. Tôi thấy vui!
Tôi là một ông bố đảm đang, vợ hay gọi tôi là “bảo mẫu”. Công việc trong trường của cô ấy khá bận bịu, thời gian biểu thường bắt đầu vào lúc 7h sáng và kết thúc vào 21h tối. Buổi sáng cô ấy đi làm sớm, buổi chiều, sau giờ tan sở còn tranh thủ đi dạy thêm, thành thử tất cả những công việc nhà và chăm nuôi con bé, tôi lo hết. Mỗi sáng tôi dậy sớm, chuẩn bị mọi thứ để đi làm. Sau đó, tôi đánh thức con bé, cho ăn uống rồi đưa đến trường. Buổi chiều, vì cả hai vợ chồng đều về muộn nên tôi nhờ dì bé đón. Tôi đi làm về, qua đón con, tắm rửa, cho ăn uống, nấu cơm rồi chờ mẹ bé về.
Con bé lười ăn lắm, điều đó làm phiền lòng hai vợ chồng. Có đôi lúc, chúng tôi đã bàn đến chuyện một trong hai người sẽ phải làm công việc tự do để dành nhiều thời gian hơn chăm sóc con cái. Nhưng sức hút của đồng tiền cũng như vòng xoáy công việc nên vẫn cứ phải cố gắng xuôi theo thực tế. Bữa nọ, tôi phải đi tiếp khách cùng sếp từ trưa đến tối, người mệt mỏi vì bia rượu cộng với những áp lực vô hình của công việc khiến đầu óc như muốn nổ tung. Nhiều lần tôi cảm thấy nản lòng về cảnh vợ cứ đi biền biệt từ sáng đến tối mịt, mọi việc đè lên vai tôi. Thành thử trong những lúc mệt mỏi như thế tôi dễ sinh cáu gắt, bực mình.
Tắm rửa, nấu nướng xong, tôi ngồi ăn cơm và cho con bé ăn, gọi mãi con bé chẳng xuống, cứ mải chơi điện thoại, cắm cúi với những trò chơi đuổi bắt. Tôi bực mình quát lớn “Xuống nhanh”, con bé không phản ứng. Không kìm nổi sự giận dữ, tôi đứng dậy, lấy tay chỉ thẳng mặt con, trong giây phút không giữ được bình tĩnh tôi đã tát vào chiếc má phính của nó. Lần đầu tiên bị như vậy, con bé tỏ ra ngạc nhiên, đôi mắt mở lớn, nhìn tôi chằm chằm, khuôn mặt bắt đầu có những biểu cảm của việc bị tổn thương. Tôi bế xuống, ngồi cạnh mâm cơm, con bé cứ đòi đứng dậy lên giường chơi điện thoại, tôi lại tát mạnh vào mông, cầm đôi đũa quật mạnh. Nó tiếp tục đứng dậy, tôi lại kéo xuống, đánh tiếp, đánh tiếp,… 5,6 lần như vậy.
Nhà chỉ có hai bố con, con bé không biết tìm ai để an ủi rồi òa khóc. “Nín ngay, mày còn khóc hả, há mồm ra”, con bé khóc lớn, miệng từ từ mở ra để ăn miếng cơm chẳng lấy gì làm ngon lành và thích thú, hai dòng nước mắt chảy vào miệng lẫn trong những hạt cơm trắng. Tôi dọa nạt, con bé dần im, tôi đứng dậy lấy chiếc khăn mặt, thấm nước mắt cho bé nhưng nó cứ chảy mãi. Một lát con bé nín, nó trở nên ngoan hơn, ngồi một mình, im lặng, cặm cụi cầm miếng thịt ăn, mắt đỏ hoe, nấc nghẹn như có thể òa khóc bất cứ lúc nào.
Đúng lúc đó, mẹ con bé về, nghe những tiếng bước chân quen thuộc ngoài cầu thang, con bé ngẩng mặt lên nhìn trong hy vọng, nước mắt chảy nhiều hơn, mặt mếu máo. Trộm nhìn con trong hình ảnh ấy, tôi thấy nghẹn ngào, thấy mình có lỗi, đôi mắt đỏ, nước mắt cứ trộm chảy xuống. Sự thật tôi là người bố rất yêu chiều con nhưng vì những áp lực công việc, khó chịu trong cơ thể sau những ly rượu vại bia khiến tôi có những hành động thiếu kiểm soát đó. “Con đâu rồi, mẹ về rồi này”, như được giải tỏa sự tủi thân đang bị kìm nén, con bé khóc òa, đứng lên chạy ra ôm mẹ. Tôi bị ám ảnh, không phải ở chỗ thẳng tay tát con mà hình ảnh con bé chực khóc khi cặm cụi ăn, nó đáng thương, đáng yêu bao nhiêu thì tôi quả thực đáng trách gấp nhiều lần hơn nữa. Mong được sự chia sẻ từ các bạn.
Theo VNE
TIN LIÊN QUAN |
---|