Âm thanh cuộc sống

25/11/2013 19:02

(Baonghean) - Cho đến hôm nay, nghĩ lại, tôi vẫn không hiểu vì sao, mình có thể nhẫn nhục và cam chịu tới 14 năm ròng để có thể sống trong đau đớn mà vẫn đóng vai một người hạnh phúc. Và ngày hôm nay dù tôi chưa thật hết những khó khăn, chưa hết nỗi đau của vết thương lòng, mà đã nhẹ nhõm biết bao nhiêu. Tôi đã dành dụm được niềm vui cho mình, để có thể mỉm cười với các con, và lũ trò nhỏ mỗi ngày…

(Baonghean) - Cho đến hôm nay, nghĩ lại, tôi vẫn không hiểu vì sao, mình có thể nhẫn nhục và cam chịu tới 14 năm ròng để có thể sống trong đau đớn mà vẫn đóng vai một người hạnh phúc. Và ngày hôm nay dù tôi chưa thật hết những khó khăn, chưa hết nỗi đau của vết thương lòng, mà đã nhẹ nhõm biết bao nhiêu. Tôi đã dành dụm được niềm vui cho mình, để có thể mỉm cười với các con, và lũ trò nhỏ mỗi ngày…

Ngày tôi lấy chồng, nhiều người nói tôi tốt phước. Chồng tôi đẹp trai, tài hoa, lại có việc làm ổn định ở huyện. Mái ấm của chúng tôi được xây nên bằng tất cả những yêu thương, vun vén của đôi bên gia đình. Mặc dù không thật đủ đầy, nhưng đồng lương công chức của hai vợ chồng cũng đủ chi tiêu và dành cho lễ lạt. Tính anh hơi gia trưởng, nhưng tôi nghĩ, mình chịu nhún một chút là êm ấm.

Lần đầu tiên, tôi cảm thấy tủi thân là khi mang thai đứa con đầu. Tôi nghén rất nặng, suốt ngày nôn khan và không ăn uống được gì. Cố gắng để lên lớp, khi về đến nhà là tôi nằm vật, không gượng dậy nổi. Anh đi làm về, thấy tôi chưa kịp nấu cơm, anh bực bội: “Đi làm tối mắt tối mũi, về đến nhà thấy bếp núc lạnh tanh thế này là răng? Có ai làm vợ như cô không?” Không kịp để tôi phân bua, anh lấy xe phóng đi một mạch, ném lại câu: “Không nấu thì đây đi quán. Nói cho mà tự biết”. Tôi sững sờ trước thái độ gay gắt ấy của anh, òa khóc sau khi anh đi khỏi.

Tôi cố gượng dậy, nấu cơm và ngồi chờ anh quay về. Nhưng anh không về. Một mình tôi, ngồi bên mâm cơm lạnh ngắt. Tôi tự bào chữa cho anh, có lẽ do áp lực công việc căng thẳng, hoặc bực dọc gì ở cơ quan nên anh mới xử sự như thế. Những ngày sau đó, dù mệt thế nào, tôi cũng gắng gượng chu toàn việc nhà để anh vui. Anh đi làm về, chỉ việc nằm xem ti vi, mặc tôi tất bật với công việc, lại còn chăm thêm cả đàn lợn trong chuồng. Anh chỉ hay hỏi han, giúp đỡ tôi khi cha mẹ, các em tôi hoặc bạn bè, hàng xóm ghé qua. Ai cũng khen ngợi anh hết mực, nói rằng tôi có người chồng thật tâm lý.

Tôi nghe những lời này cũng thấy vui trong lòng, ngẫm ra chỉ cần mình chịu khó, hy sinh một chút mà thôi. Lần lượt 2 đứa con gái của chúng tôi ra đời. Tôi thấy anh hay thở dài hơn, nhìn mẹ con tôi với ánh mắt khó chịu mỗi lần các con khóc, ốm, sốt. Những lúc như vậy, tôi thường biết ý, bế con sang phòng khác, giữ không gian tĩnh lặng cho anh làm việc, suy nghĩ, nghỉ ngơi hoặc đôi lúc chỉ để xem ti vi.

Công việc của anh mỗi lúc một thăng tiến. Anh không chỉ làm việc tốt mà ứng xử với tất cả mọi người đều khéo léo. Anh đã có được vị trí mà anh ước mơ. Còn tôi, tất cả thời gian của mình chỉ để dành cho 2 nơi: lớp học và nhà. Tôi chẳng bao giờ có thời gian để gặp bạn bè, đi thăm thú, mua sắm đây đó, hay đi dạy thêm như nhiều đồng nghiệp của mình dù tôi luôn được các bậc phụ huynh đề nghị. Anh nói với tôi: “Dẹp hết đi, chuyên tâm mà ở nhà chăm con, chợ búa”. Lâu lắm, anh chẳng nói với tôi một lời nhẹ nhàng, âu yếm dù chỉ có riêng vợ chồng. Tôi có cảm giác rằng, mình giống như một cái gai trong mắt anh. Có lần, lấy hết can đảm, tôi hỏi: “Anh muốn em phải thế nào đây?”. Anh đã trả lời: “Cô cứ việc làm tròn bổn phận của một người vợ. Và nhớ là trước mặt người khác đừng có để mình trông giống như một con mệ già nua!”. Bố mẹ hai bên, thấy anh thăng tiến nhanh chóng đều mừng lắm. Người ngoài lúc nào cũng nói, tôi còn mong gì hơn thế, còn ông bà thì lúc nào cũng động viên tôi nhớ chăm sóc chồng con chu đáo để anh yên tâm công tác.

Tôi cũng luôn tỏ ra rất hạnh phúc, bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Tôi trở thành “hình mẫu” cho đám bạn bè, em út về sự “chọn chồng”. Nhiều lúc có việc về quê, đi lễ lạt, hay phải đi “ngoại giao” với chồng, tôi đều phải “diễn” bộ dạng đàng hoàng, ăn mặc đẹp, cười thật tươi... Còn chồng tôi lại “diễn” một vai khác, đó là khoác tay tôi đầy âu yếm khi phải xuất hiện trước nhiều người. Đã có lúc, tôi ngượng ngùng, luống cuống với “vai diễn” của mình, thấy cái cánh tay đang choàng qua mình kia sao mà xa lạ, mà lạnh lùng đến vậy, thì lại gặp rất nhanh cái ánh mắt nảy lửa của anh. Cái ánh mắt ấy, có uy lực đến mức làm tôi khiếp sợ. Trái tim tôi run rẩy, tôi lại gượng dậy để vượt lên chính những cảm giác của mình...

Càng thăng tiến nhanh chóng, càng được người khác quý mến, tin cậy bao nhiêu, về nhà, anh lại càng trái tính bấy nhiêu. Tôi và các con ngày một khiếp sợ anh. Có nhiều lúc, thấy bố về, các con tôi đang chơi đùa bỗng im bặt, hạ giọng thì thào, tôi thấy thương chúng đến đứt ruột. Nhiều lúc, tôi tự hỏi, không biết do chúng bị ảnh hưởng từ sự sợ hãi của tôi, hay chúng nhạy cảm quá sớm, mà đứa nào cũng tỏ ra “biết thân, biết phận”. Chúng cũng chưa bao giờ kể chuyện nhà hồn nhiên như những đứa trẻ khác. Nói đến bố, chúng thường im lặng hoặc lảng sang chuyện khác. Hai đứa con tôi, từ ngày còn rất nhỏ mà ai cũng nói, sao mắt chúng đã thăm thẳm nỗi buồn?

Tôi nhớ mãi, có lần dạy bù thêm tiết, trời đông tối rất mau, lại có việc đột xuất nên tôi về muộn. Lúc này, anh đóng chặt cánh cổng, mặc tôi đứng ngoài. Các con tôi chạy ra mở cổng, anh quát bắt cháu quay trở vào. Cháu nhỏ nhà tôi, khi đó chạy vào phòng mở cửa sổ ra nhìn mẹ, vừa khóc cháu vừa gọi khẽ: “Mẹ ơi, mẹ đừng đi đâu nhé, mẹ đứng đó đợi con tìm chìa khóa, mẹ nhé!”. Khi chồng tôi phát hiện ra cánh cửa sổ với những lời đổi trao ấy, anh đã phũ phàng đóng chặt, tắt điện và bắt các cháu đi ngủ.

Tôi đứng co ro trước cổng nhà, trong sương giá cả đêm hôm đó, không dám đến đâu vì sợ anh gây chuyện, vả lại nếu đến nhà ai đó, cũng không biết sẽ giải thích với người ta thế nào. Và trong đêm trắng ấy, có một phút giây, cũng là lần đầu tiên, tôi nghĩ đến cái chết, lần đầu tiên tôi thấy mình gần với cái chết đến vậy. Ừ nhỉ, nếu mà tôi chết, chắc là anh ấy phải bị hối hận, giày vò? Nếu mà tôi chết, tôi sẽ không phải chịu đựng cái gánh nặng ngàn cân đè lên vai, lên óc, lên tim mình. Sao tôi lại không tự giải thoát cho mình cơ chứ? Trong cái phút mông lung ấy, tôi đã chực quay đầu. Có thể một dòng sông, có thể một chuyến xe nào đó trên đường sẽ mang tôi đi xa.

Đúng lúc ấy, tôi nghe tiếng động rất khẽ nơi cửa sổ. Một tiếng động tưởng chừng vô tình, nhưng không, tôi biết chắc đó là tiếng gọi bằng tiếng của bàn chân nhỏ bé quờ vào cửa sổ của con tôi. Tôi như thấy đôi mắt chúng đang mở to trong bóng đêm, trái tim chúng như căng tràn những lo lắng. Chúng đang khe khẽ nói với tôi về tình yêu thương. “Mẹ, mẹ còn ở đó chứ? Chúng con cũng đang thức ở trong nhà đây. Cố lên mẹ nhé! Đừng xa chúng con!”Đó chính là âm thanh cuộc sống gọi tôi quay về. Không, tôi không thể bỏ chúng mà đi. Nếu không có tôi, cuộc đời chúng sẽ ra sao đây? Tôi có thể chịu được khổ đau, nhưng phải để cho chúng được sống trọn vẹn chứ. Thế là tôi đã đứng lại trong giá buốt, với một quyết tâm mạnh mẽ. Dường như lúc đó tôi tìm thấy sức mạnh để hồi sinh.

Sáng mai ra, lần đầu tiên tôi bị một cú tát của chồng, để rồi, từ cú đánh ấy, lần sau hễ không vừa ý anh là nó lại được dùng tới. Nhưng tôi đã tập cho mình một sự nhẫn nhịn đến phi thường. Chỉ cần nghĩ đến các con thôi, tôi có thể chịu đựng tất cả. Có lần, không biết giận gì tôi và các con, anh đã bắt cả 3 chúng tôi “xuống bếp mà ngủ”. Ba mẹ con tôi ôm nhau, tôi cố không khóc để an ủi các con. Con gái lớn lần ấy đã nói chuyện rất nghiêm túc với mẹ, khi ấy cháu mới 11 tuổi, cháu hỏi: “Mẹ ơi, có phải bố không thích chúng con không hả mẹ? Nếu chúng con là con trai có lẽ bố sẽ không ghét phải không mẹ?”. Tôi đã trả lời con: “Không phải đâu con ạ, chỉ là vì bố nhiều việc quá, nên bố hay cáu giận thôi!”. Cháu vẫn không vừa ý với câu trả lời, cháu nói: “Sao mẹ cứ lo sợ điều gì mà mẹ không dám nói ra sự thật thế hả mẹ?”. Rồi cháu thủ thỉ: “Dạo này con có nhiều lỗi mẹ ạ, con học kém hơn, vì con hay mải nghĩ vẩn vơ mẹ ạ. Cứ nghĩ nếu ngày nào chúng ta cũng khiến bố không vừa ý thế này, sao lại không tách riêng để sống, để ai cũng thoải mái?”.

Câu nói của cháu khiến tôi một lần nữa sững sờ. Tôi chẳng biết, bấy lâu nay tôi đang sợ hãi điều gì, tôi đang cố gắng chịu đựng vì điều gì nữa nữa. Có phải tôi sợ danh dự gia đình? Có phải tôi sợ các con không có một gia đình trọn vẹn? Có phải tôi đã quen với sự nhẫn nhịn đến mức trở thành một thứ dư vị cuộc sống? Có phải tôi vẫn nuối tiếc anh và cái gia đình mà bề ngoài ai cũng nghĩ là đẹp đẽ này không?

Tôi đã quyết định nói điều đó với anh, rằng nếu anh cảm thấy chúng tôi như những cái gai trong mắt anh, thì chúng ta hãy chia tay. Anh gầm lên: “Cô muốn thế à, muốn thế thì hãy chết cả đi?”. Cái ánh mắt đầy uy lực ấy lại khiến tôi sợ hãi. Ôi, nỗi sợ hãi nó đã ăn mòn trong tôi mất rồi. Tôi lại thu mình lại, trong cái mai rùa, lại đóng tiếp vai diễn của mình giữa cuộc đời... Chồng tôi không muốn mất đi bộ mặt hạnh phúc, thành đạt trước bàn dân thiên hạ, tất cả chỉ có thế!

Cho đến một ngày kia, khi những vết bầm trên má tôi chưa kịp tan hết sau một trận đánh chửi của anh, tôi nhận được điện thoại của một cán bộ của một dự án về phòng chống bạo lực gia đình. Chị ấy nói muốn gặp tôi. Tôi hoang mang đi tới chỗ hẹn là một căn phòng nhỏ của một bệnh viện. Khi đến nơi, chị ấy hỏi thăm rất ân cần, về vết tím trên mặt tôi. Khi thấy tôi loanh quanh chống chế, chị ấy đã chìa ra trước mặt tôi một lá thư đẫm nước mắt, dưới ký tên con gái tôi. Cháu viết gửi tới các cô chú của dự án, với một lời khẩn thiết: “Mong các cô, chú hãy cứu lấy mẹ cháu!”.

Tôi biết, đã đến lúc mình phải đối diện với sự thật, đối diện với chính mình. Được sự động viên, tôi đã kể câu chuyện của mình cho chị ấy nghe. Chị ấy cho tôi rất nhiều lời khuyên. Khi tôi trở về nhà, tôi tìm cách nói chuyện với con gái tôi. Các cháu cũng nói rất rõ những suy nghĩ của mình với mẹ, các cháu không muốn mẹ cứ âm thầm chịu đựng những đớn đau phi lý như vậy. Tôi đã tìm cách nói chuyện với chồng tôi. Các anh chị của dự án cũng đã tìm cách tiếp cận với anh. Thế nhưng, chính điều ấy anh lại không thể chịu đựng được. Anh không thể chấp nhận việc người khác biết chuyện gia đình mình, càng không chấp nhận chuyện mình đã sai. Nhưng cuối cùng thì cũng có một việc anh chấp nhận, đó là ly hôn. Sự việc ly hôn của chúng tôi gây xôn xao một thời gian dài tại hai bên gia đình và đồng nghiệp chúng tôi. Tòa án chia cho mỗi người nuôi một cháu, tôi xin để được nuôi hai cháu và nhận sự chu cấp của anh...

Cuộc sống của 3 mẹ con tôi, không thể nói là không thiếu vắng, nhưng đã có tiếng cười đùa. Thỉnh thoảng, tôi cho các cháu đến với bố, dù thời gian đầu, anh vẫn xua đuổi. Bây giờ, anh đã tìm được một hạnh phúc mới. Thật lòng, tôi mong anh hạnh phúc, mong hơn nữa là người phụ nữ kia sẽ không bao giờ phải chịu đựng những gì tôi đã nếm trải!

T.V

Mới nhất
x
Âm thanh cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO