Âm vang Sông Lam - Lời mẹ kể
Trung tuần tháng 10/2024, Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc diễn ra tại Bình Dương do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức. Đây là Liên hoan được tổ chức định kỳ 3 năm một lần, thu hút sự tham gia của gần 1.500 nghệ sĩ đến từ 24 đơn vị nghệ thuật trong cả nước. Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã tham gia Liên hoan với tên gọi "Sông Lam - Lời mẹ kể" và đạt 4 giải Bạc, 1 giải Vàng.
Đậm đà bản sắc dân tộc
Liên hoan nhằm tạo điều kiện cho các nghệ sĩ sáng tạo và biểu diễn được giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật, tăng cường tính chuyên nghiệp, đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng hướng đi phù hợp với cuộc sống đương đại. Là dịp biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho nghệ thuật biểu diễn Việt Nam.
Liên hoan cũng giúp các cơ quan quản lý đánh giá tình hình nghệ thuật biểu diễn, định hướng phát triển và tìm giải pháp khắc phục hạn chế, góp phần thực hiện chủ trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Mỗi đơn vị tham gia trình diễn các chương trình hoặc vở diễn có độ dài từ 60 - 110 phút, với chủ đề ca ngợi đất nước, con người Việt Nam, phản ánh những giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại. Đặc biệt, nhiều tác phẩm được trình diễn sẽ mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc, vùng, miền, góp phần thể hiện sự đa dạng và phong phú của nền nghệ thuật nước nhà.
Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An mang đến Liên hoan chương trình với nhiều tiết mục đặc sắc, gồm 3 phần: Phần 1: Sông thiêng; Phần 2: Chung một dòng sông; Phần 3: Chảy mãi muôn phương. Mỗi phần của chương trình được xây dựng liên kết từng mảng miếng rõ nét. Các tiết mục, các phần được nối với nhau bằng âm nhạc, ánh sáng, lời dẫn, múa, hình ảnh video tương tác… tạo sự liên kết chặt chẽ, sống động.
Phần 1 các nghệ sĩ của trung tâm mang đến cho người xem câu chuyện về cội nguồn dòng Lam, nơi đã sinh ra bao thế hệ người Nghệ ham làm, hiếu học, vượt khó, can trường mà cao thượng. Với những tiết mục: Hát múa "Sông thiêng" lấy chất liệu của Dân ca ví, giặm phát triển; Đơn ca nữ "Vạn an cổ truyện", phát triển từ các làn điệu: Xẩm chợ, Xẩm luồn, Xẩm nam; múa "Sóng đỏ"; hát múa "Du thuyền trên Sông Lam" được thể hiện rất lôi cuốn, hấp dẫn cả phần nghe lẫn phần nhìn.
Tất cả các tiết mục trong chương trình từ ý tưởng cho đến nội dung và cách thức thể hiện đều tuân thủ một thể thống nhất. Thế nên, từ phần mở đầu cho đến phần cuối đều được liên kết với nhau bởi một mạch truyện.
Nhạc sĩ Quốc Chung – Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh
"Đặc biệt, đối với một liên hoan đòi hỏi chiều sâu về chuyên môn chúng tôi phải đầu tư kỹ nhất ở phần thể hiện. Cũng rất vui là anh, chị em nghệ sĩ rất đam mê, rất trách nhiệm nên khi đã đảm nhận nhiệm vụ của mình đều cố gắng thể hiện tốt nhất. Nhiều tiết mục thật sự chạm đến độ thăng hoa của người nghệ sĩ, họ đã cống hiến cho người xem một tác phẩm nghệ thuật hay giàu bản sắc dân tộc”.
Khẳng định thương hiệu
Cũng theo nghệ sĩ Quốc Chung, trong 3 phần thì phần 2 với tên gọi "Chung một dòng sông" được xem là phần xương sống, bởi nó chuyên chở nội dung chính của chương trình. Nội dung phần 2 thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa miền ngược và miền xuôi. Bằng ngôn ngữ âm nhạc, múa và đặc biệt sử dụng những làn điệu gốc, lời mới tạo nên những màn diễn xướng cổ mà hiện đại, phát triển mà vẫn giữ được nét dân gian của dân ca các dân tộc anh em.
Đặc biệt, trong phần 2 có những tiết mục mang tính cao trào đó là hòa tấu "Khúc lam thủy" do dàn nhạc dân tộc của trung tâm biểu diễn; Diễn xướng Dân ca dân tộc Thổ "Hương đất hương rừng" do tốp ca và dàn nhạc trung tâm biểu diễn. Màn hát múa "Hương đất hương rừng" mô tả cảnh sinh hoạt trong lao động, sản xuất cùng với đó là khúc giao duyên dưới ánh trăng quê,... Âm nhạc trong tiết mục này được phát triển từ làn điệu dân ca gốc “Đu đu, điềng điềng, Tập tình tập tang” của người Thổ. Đây là tiết mục nhận được nhiều tiếng vỗ tay tán thưởng của khán giả tại sân khấu lớn Bình Dương.
Đặc biệt, trong phần 2, tiết mục múa được phát triển từ giai điệu dân ca, dân vũ dân tộc Mông đã khiến Ban Giám khảo trầm trồ. NSƯT Thanh Tùng, biên đạo múa cho biết: “Múa khèn là một trong các sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật không thể thiếu của người Mông, nó đã trở thành di sản văn hóa quý giá, độc đáo của người Mông ở vùng đất này. Các động tác trong nghệ thuật múa khèn sẽ giúp xoa dịu sự mệt nhọc trong lao động, sản xuất. Từ sự độc đáo này chúng tôi đã phát triển nên tiết mục múa "Tiếng khèn trên đỉnh Puxailaileng". Có lẽ từ sự kết hợp nhuần nhuyễn trong múa khèn Mông và tinh thần thể hiện tốt của anh, chị em nghệ sĩ mà tiết mục này đã nhận được tấm Huy chương Bạc danh giá của Ban tổ chức”.
Ngoài cách kết cấu khoa học, đặc sắc mang đến bức tranh miền ví, giặm đậm đà bản sắc xứ Nghệ, thì sự cống hiến và tài năng của các nghệ sĩ trong cách thể hiện đã khiến Ban tổ chức trao giải thưởng danh giá cho nhiều tiết mục. Điển hình là Huy chương Vàng cho đơn ca nữ "Bay giữa dòng Lam", sáng tác NSND Phạm Phương Thảo, ca sĩ Thanh Hải trình bày. Huy chương Bạc cho các tác phẩm "Giấc mơ mẹ kể" do Trần Lực - Bảo Phương và nhóm múa Tú Anh – Văn Đông thể hiện. Múa "Tiếng khèn trên đỉnh Puxailaileng" do tốp múa thể hiện. Múa "Sóng đỏ" và tiết mục hòa tấu "Khúc lam thủy".
Nói về ý tưởng Chương trình "Sông Lam – Lời mẹ kể", NSND An Ninh - người viết kịch bản chương trình nói rằng: Văn hóa dòng Lam bao đời là niềm kiêu hãnh, tự hào; là biểu tượng về ý chí, nghị lực, tinh thần, niềm lạc quan, tình yêu và khát vọng của người dân xứ Nghệ. Sông Lam mang đầy đủ: Tính cách, nghĩa khí và tâm hồn người Nghệ. Trải qua đạn lửa chiến tranh, qua bão giông, ghềnh thác, bao lở bồi… trong đục, nhục, vinh sông vẫn chứa chan ân tình như tính cách của người Nghệ. Từ ý tưởng đó chúng tôi đã xây dựng Chương trình "Sông Lam – Lời mẹ kể" với đầy đủ những thăng - trầm, đục - trong của dòng Lam xưa và nay. Chương trình là tiếng lòng, là thông điệp về khát vọng vươn lên của những người nghệ sĩ xứ Nghệ nói riêng và nhân dân Nghệ An nói chung.
Dù không được giải cao nhất cho chương trình, nhưng có tới 7 tiết mục đạt được Huy chương Vàng, Huy chương Bạc đã khẳng định thương hiệu của Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An. Dù lực lượng không đông, nhưng bằng tài năng và niềm đam mê cháy bỏng họ đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc lần này.