Ấn Độ 'gạt' Mỹ khỏi vấn đề tranh chấp biên giới
(Baonghean) - Sau khi cùng điều động vũ khí hạng nặng tới khu vực biên giới tranh chấp với Trung Quốc, Ấn Độ vừa thông báo sẽ tiến hành cuộc đối thoại quan trọng vào ngày 6/6 tới để giải quyết tình hình. Thông báo này là sự khẳng định của Ấn Độ về việc giải quyết tranh chấp biên giới qua kênh đối thoại song phương mà không cần tới vai trò hòa giải của Mỹ như Tổng thống Donald Trump đề xuất - động thái thể hiện sự thận trọng của Ấn Độ trong tam giác quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.
Đằng sau lời đề nghị của Mỹ
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề nghị làm trung gian hòa giải cho cuộc đối đầu nguy hiểm ở khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc, ông Donald Trump đã cố gắng nhắc tới cả hai bên một cách cân bằng, rằng Mỹ sẵn sàng, thiện chí để phân xử tranh chấp giữa hai bên.
Dù vậy, ít ai tin rằng, nếu được chấp nhận vào vai “người hòa giải”, Mỹ có thể giữ được vị trí cân bằng. Việc ông Donald Trump đưa ra đề xuất làm trung gian hòa giải là nhằm xây dựng hình ảnh của một nước lớn trong xử lý các vấn đề quốc tế, mặt khác xoa dịu những lo ngại gần đây về việc Mỹ sẵn sàng theo đuổi chính sách “nước Mỹ trên hết” mà làm tổn hại tới quan hệ với các đồng minh.
Tất nhiên, giữa Trung Quốc và Ấn Độ, không khó để nhận ra quốc gia nào mới là đồng minh của Mỹ. Ngay từ khi tranh chấp biên giới Trung - Ấn bùng phát cách đây gần 1 tháng, Mỹ đã nhắc nhở Ấn Độ phải cảnh giác trước các bước đi mà Mỹ đánh giá là “hung hăng” ở khu vực biên giới.
Trong khi đó, bản thân Mỹ cũng đã có mối quan hệ cực kỳ căng thẳng với Trung Quốc trong suốt thời gian dài vừa qua, từ thương mại, công nghệ, an ninh, đến gần đây nhất là cách thức xử lý dịch bệnh Covid-19. Vì thế, đề xuất làm trung gian hòa giải của Mỹ có thể ngầm hiểu là sự ủng hộ dành cho Ấn Độ.
Ấn Độ từ chối Mỹ trong xử lý tranh chấp biên giới với Trung Quốc. Ảnh: The Print |
Mỹ có lý do chính đáng để lựa chọn đứng về phía Ấn Độ. Ấn Độ hiện là một trong những đồng minh ngoài NATO gần gũi của Mỹ, một “đỉnh” của “Tứ giác kim cương” gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia - một liên minh quan trọng mà ông Donald Trump đang xây dựng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Vai trò của Ấn Độ đối với Mỹ rất quan trọng cả về khía cạnh chính trị lẫn kinh tế, góp phần quan trọng trong việc xác lập một cục diện mới ở khu vực nhằm kiềm chế tham vọng của Trung Quốc.
Cần nhận thấy rằng, chính sách tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một trong số ít chính sách của ông Donald Trump nhận được sự đồng thuận rộng rãi trong giới an ninh quốc gia, bao gồm cả phe Cộng hòa và phe Dân chủ, thậm chí được coi là quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Mặc dù đôi lúc ông Donald Trump có những phát biểu mang lại cảm giác hoài nghi, thiếu chắc chắn cho các đồng minh, nhưng toàn bộ bộ máy an ninh của Mỹ với những tài liệu chiến lược quan trọng đều khẳng định cam kết của Mỹ đối với khu vực, trong đó Ấn Độ là một mắt xích cực kỳ quan trọng, đặc biệt là về an ninh.
Trên thực tế, hoạt động hợp tác giữa Mỹ và Ấn Độ vẫn đang được duy trì rất chặt chẽ. Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Ấn Độ hồi đầu năm nay, lãnh đạo hai nước đã cam kết tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, dựa trên sự tin cậy lẫn nhau, dựa trên những lợi ích chung, dựa trên thiện chí và sự đồng lòng của nhân dân hai nước.
Dù một số khúc mắc về mặt thương mại vẫn chưa thể được giải quyết, song hợp tác an ninh đủ để chứng minh mối quan hệ đồng minh thân thiết giữa Mỹ và Ấn Độ.
Ấn Độ và Trung Quốc cùng điều động vũ khí hạng nặng tới khu vực biên giới tranh chấp. Ảnh: Time of India |
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump còn sửa đổi cả luật kiểm soát xuất khẩu vũ khí để đưa Ấn Độ vào danh sách các nước ưu tiên, coi Ấn Độ là đồng minh chủ chốt không thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Dư luận quốc tế còn đặc biệt quan tâm tới việc Mỹ và Ấn Độ vừa qua cùng nhau thành lập quỹ cứu trợ y tế trị giá 500 triệu USD để hỗ trợ các nước nghèo đối phó dịch bệnh Covid-19. Bước đi này được cho là tạo đối trọng với Trung Quốc khi nước này thúc đẩy “ngoại giao y tế”, xây dựng hình ảnh “nhà bảo trợ” khi cung cấp vật tư, thiết bị y tế cho nhiều quốc gia trong đại dịch.
Sự thận trọng của Ấn Độ
Dù Ấn Độ đến nay vẫn tham gia tích cực trong các sáng kiến của Mỹ ở khu vực, nhưng trong tranh chấp biên giới với Trung Quốc, Ấn Độ đã tỏ ra kiên quyết khi “gạt” vai trò của Mỹ, bất chấp sự nhiệt thành của ông Donald Trump.
Giới phân tích cho rằng, việc lựa chọn xử lý vấn đề tranh chấp biên giới với Trung Quốc bằng con đường đàm phán song phương thể hiện sự thận trọng của Ấn Độ trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhiều ý kiến trong nội bộ chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ tỏ ra hoài nghi sự thấu đáo và chắc chắn trong lời đề nghị làm trung gian của ông Donald Trump.
Bởi vì, ông Donald Trump vẫn nổi tiếng là một nhà lãnh đạo bốc đồng, sẵn sàng đăng tải bất cứ vấn đề gì lên Twitter, giống như cách mà ông đưa ra lời đề xuất với Trung Quốc với Ấn Độ. Việc đưa ra đề xuất không có nghĩa là ông đã nghiên cứu đủ kỹ lưỡng về sự phức tạp trong vấn đề biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Bên cạnh đó, vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai cường quốc Ấn Độ và Trung Quốc là một trong những cuộc tranh chấp kéo dài và phức tạp tại châu Á. Tuy vậy, hai nước đã ký kết 4 thỏa thuận nhằm tạo cơ chế quản lý biên giới, xây dựng lòng tin giữa đôi bên cũng như khuôn khổ để đàm phán song phương và tránh nguy cơ xảy ra chiến tranh ở khu vực biên giới.
Gác lại bất đồng về vấn đề biên giới, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn có quan hệ hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực thương mại. Vừa là nước lớn, vừa là láng giềng cùng chung biên giới, Trung Quốc chắc chắn vẫn là ưu tiên đối ngoại cao nhất của Ấn Độ.
Bất chấp căng thẳng trong vấn đề biên giới, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn duy trì quan hệ đối tác trong nhiều lĩnh vực. Ảnh: AFP |
Với thương mại hai chiều hơn 70 tỷ USD và triển vọng đầu tư lớn từ Trung Quốc, Ấn Độ vẫn buộc phải xử lý khéo léo mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, lựa chọn xử lý vấn đề biên giới thông qua các cơ chế song phương thay vì “liên thủ” với Mỹ.
Giới phân tích còn cho rằng, việc từ chối đề xuất của Mỹ còn thể hiện quyền tự chủ và sức mạnh của Ấn Độ trong xử lý các vấn đề gai góc của quốc gia. Bởi vì, cách thức xử lý tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ không đơn giản là giải quyết khúc mắc mang tính lịch sử giữa hai bên, và còn là cách để Ấn Độ và Trung Quốc thể hiện vị thế trong cuộc cạnh tranh vai trò nước lớn ở khu vực.
Mặc dù động thái Ấn Độ và Trung Quốc điều động vũ khí hạng nặng tới khu vực tranh chấp biên giới khiến dư luận quốc tế lo ngại về khả năng xảy ra nguy cơ chiến tranh, song đến thời điểm này, cả Ấn Độ và Trung Quốc cùng tuyên bố tình hình vẫn trong tầm kiểm soát.
Dù cuộc đối thoại Trung - Ấn vào ngày 6/6 tới đây có tháo được “ngòi nổ chiến tranh” hay không thì đó vẫn là quyết định cuối cùng của những “người trong cuộc” mà không có khoảng trống cho sự can dự của Mỹ. Giống như nhiều quốc gia láng giềng khác của Trung Quốc, Ấn Độ vẫn buộc phải duy trì một sự cân bằng đầy phức tạp trong mối quan hệ với Trung Quốc, để vừa xây dựng những mối quan hệ hợp tác có lợi cho cả đôi bên, vừa kiên quyết bảo vệ độc lập và chủ quyền lãnh thổ.