Ẩn họa từ nấm dại
(Baonghean) - Thời gian gần đây, nhiều vụ ngộ độc do ăn nấm dại đã xảy ra ở một số địa phương tại vùng rừng núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên. Nạn nhân chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, nơi có tập quán thu hái và sử dụng nấm tự nhiên để làm thực phẩm sử dụng trong bữa ăn gia đình...
Nấm kim châm bày bán tại chợ Hưng Dũng (TP Vinh). |
Chỉ trong vòng 8 ngày, từ ngày 8 - 16/3, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp 3 nhóm ca, với 14 nạn nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, bị suy gan cấp vì ăn nấm tán trắng. Đến nay, 2 trong số 14 ca này đã tử vong, chỉ duy nhất 1 ca tiên lượng khả quan. Những người còn lại, tính mạng luôn trong tình trạng thập tử nhất sinh. Đáng tiếc là trong số này có một cán bộ y tế xã. Sau khi lên tận nơi xem loại nấm các bệnh nhân đã ăn ở huyện Võ Nhai, các bác sỹ, các chuyên gia chống độc xác nhận loại nấm này có màu trắng muốt, giống như nấm lành ăn được, nhưng qua kết quả phân tích cho thấy loại nấm này có chứa độc tố Amitoxin...
Từ lâu trong y học, nấm được chế biến sử dụng như là "thực phẩm chức năng", món ăn "thuốc" để hỗ trợ chữa bệnh, đặc biệt với các loại bệnh nội tiết chuyển hóa như béo phì, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, xơ vữa động mạch và tăng huyết áp. Các nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu cũng cho rằng chất polysaccharide có trong nấm, nhất là các loại nấm trồng nhân tạo như nấm hương, nấm đông cô, nấm rơm, nấm kim châm... đều có chứa hoạt chất chống lại bệnh ung thư. Nhưng một điểm cần chú ý: nấm là môi trường dinh dưỡng lý tưởng cho nhiều loại vi sinh vật. Cho nên, dù đối với những loại nấm lành, nấm trồng nhưng hái về để lâu, dập nát, vi khuẩn có hại xâm nhập cũng dễ gây ngộ độc.
Tại chợ Hưng Dũng (TP Vinh), nấm kim châm được bán với giá 15.000 - 17.000 đồng/túi 150g. Trên bao bì ghi xuất xứ tại Hàn Quốc và hạn sử dụng là 45 ngày kể từ ngày sản xuất, trong điều kiện bảo quản nhiệt độ 1 - 50C. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, các túi nấm được bày bán ngày này qua ngày khác ở điều kiện bình thường ngoài trời rất dễ gây ngộ độc. Anh Nguyễn Văn Nam - quản lý quầy rau, củ quả tại Siêu thị Metro Vinh cho biết thêm: "Nấm kim châm nếu không được bảo quản đúng điều kiện sẽ nhanh hỏng và ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Tùy điều kiện thời tiết, có thể để nấm bên ngoài từ 1 - 3 ngày, sau khi mang ra từ điều kiện bảo quản lạnh".
Theo ông Hoàng Quốc Sơn - Chi cục Phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An: “Các loại nấm độc thường có màu sắc sặc sỡ, mùi vị hôi, đắng, hắc, chân nấm phình to... Nhưng để phân biệt nấm thường và nấm độc chỉ dựa trên hình dáng bề ngoài, đặc điểm, kinh nghiệm, có khi chỉ bằng cảm nhận chủ quan là rất mạo hiểm. Vì đối với các trường hợp bị ngộ độc nấm vừa qua đều ăn phải loại nấm có màu trắng, không mùi vị, bề ngoài rất giống với nấm lành. Và người dân cũng cần lưu ý, ngay cả trong cùng một đám nấm mọc ở rừng vẫn lẫn lộn nấm lành và nấm độc vì bào tử nấm trôi theo gió, nước và đọng lại. Vì thế, người dân không nên ăn nấm dại, không rõ xuất xứ để tránh những vụ ngộ độc chết người”. |
Bà Lê Thị Minh, một người có nhiều năm kinh nghiệm trồng nấm ở xã Diễn Xuân (Diễn Châu) chia sẻ: "Nấm là loại thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng rất cao nên nếu để ở môi trường bình thường sẽ bị phân hủy nhanh, vài ngày là thối. Dù để trong tủ lạnh cũng chỉ bảo quản được một tuần, sau đó nấm sẽ chuyển từ màu trắng sang màu ngà hoặc màu tím sang màu sẫm, đồng thời có mùi rượu nồng, ăn không ngon nữa". Cũng theo bà Minh, hiện ở nước ta mới chỉ nhân tạo được những loại nấm đơn giản như sò, linh chi, nấm hương… Còn các loại nấm ngoại để đến hơn một tháng mà không hư hỏng là tiềm ẩn nguy cơ bị tẩm ướp thuốc bảo quản, gây hại tới sức khỏe người dùng... Thế nhưng, nhiều người tiêu dùng chủ quan khi mua nấm ngoài chợ mà không quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Tại các chợ trong nội thành Vinh, nấm thường được bán xen lẫn với các mặt hàng rau, củ quả. "Tôi chưa thấy ai phàn nàn về việc bị ngộ độc do ăn nấm bán ở chợ cả. Còn nguồn gốc, xuất xứ thì ai mà biết chính xác được. Ngay cả nhiều loại rau, củ, quả cứ kêu ca là hàng Trung Quốc, nhưng vẫn nhiều người mua về ăn có thấy nói gì đến chuyện bị ngộ độc đâu" - một tiểu thương bán rau tại chợ Quán Lau lý giải.
Theo thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An, từ khoảng 5 năm trở lại, trên địa bàn tỉnh ta chưa ghi nhận trường hợp nào bị ngộ độc do ăn nấm rừng xảy ra. Nhưng với thói quen sinh hoạt của một số đồng bào dân tộc miền núi như ít trồng rau xanh, thường hái nấm mọc tự nhiên về nấu ăn thay rau thì có thể xảy ra ngộ độc bất cứ lúc nào.
Là tỉnh có 10 huyện miền núi, để hạn chế ngộ độc do ăn các loại lá tự nhiên trong rừng, đặc biệt là nấm, hàng năm Chi cục đều in khoảng 3.000 tranh Poster chụp ảnh nhận dạng một số loài nấm có độc tố mạnh phát cho các trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con. Riêng trong năm 2013, Chi cục đã phát cho mỗi trung tâm y tế dự phòng huyện một biển Pano tùy theo từng vùng miền để tuyên truyền các loại thực phẩm có độc tố nói chung có trong cá nóc, cóc, nấm, lá ngón. Như ở huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương... tuyên truyền với chủ đề nấm, lá ngón; ở các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu là cá nóc. Đồng thời tổ chức tập huấn cho tất cả các cán bộ trạm y tế huyện, xã, thôn bản các mối nguy về ATTP và "10 quy tắc vàng" trong vệ sinh ATTP.
Để triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng chống ngộ độc do nấm độc, ngày 12/3, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo và triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp tham mưu, đề xuất và triển khai các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; huy động sự tham gia của các cấp chính quyền, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn trong công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm do nấm độc. Bên cạnh đó, cần thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng chống ngộ độc do nấm độc tới tận hộ gia đình dưới nhiều hình thức. Tuyên truyền để người dân tuyệt đối không hái, sử dụng nấm lạ, nấm không rõ nguồn gốc để ăn, khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc liên quan đến việc ăn nấm cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.
Đặc biệt, cần chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường hoạt động giám sát ca bệnh, nguy cơ ngộ độc thực phẩm do nấm độc để phát hiện sớm và triển khai kịp thời các biện pháp dự phòng ngộ độc thực phẩm trong cộng đồng; chuẩn bị sẵn sàng phương án, lực lượng, phương tiện, vật tư, thuốc, hóa chất để kịp thời cấp cứu, điều trị bệnh nhân và khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc do ăn nấm độc xảy ra. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có nhiều hộ, làng nghề trồng nấm cung cấp trên thị trường. Để người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm nấm của mình sản xuất, các làng nghề, hộ trồng nấm cần chú trọng khâu đóng gói, bảo quản nấm. Ngoài bao bì phải ghi nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng để người tiêu dùng lựa chọn.
* Có 3 mức ngộ độc nấm: - Ngộ độc cấp và tức thì xuất hiện sau 6 giờ ăn phải nấm độc, biểu hiện bằng các hiện tượng kích ứng đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, dị ứng da, ngứa ngáy và hội chứng thần kinh gây mệt mỏi. - Ngộ độc chậm xuất hiện sau 6 - 12 giờ ăn gồm ngộ độc gan thận và gây vỡ hồng cầu, xuất hiện dưới da. - Ngộ độc xuất hiện sau 24 giờ hầu hết là ngộ độc thận, gây bí tiểu, urê huyết tăng cao, lơ mơ, trụy mạch và tử vong. * Cách sơ cứu ngộ độc nấm được Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai khuyến cáo: Ngay sau khi có các biểu hiện của ngộ độc nấm cần gây nôn bằng phương pháp cơ học. Cho uống thật nhiều nước, tốt nhất là dùng oresol. Uống than hoạt tính: liều 1 gam/kg cân nặng người bệnh. Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu người bệnh hôn mê, co giật: cho người bệnh nằm nghiêng. Nếu người bệnh thở yếu, ngừng thở thì hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu có tại chỗ. |
Ngọc Anh