An ninh lương thực toàn cầu lại 'lâm nguy'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Chỉ sau 3 tháng kể từ khi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc được ký dưới sự trung gian của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, tuyến vận tải đưa ngũ cốc của Ukraine ra thị trường thế giới đã bị đóng lại, đe dọa đến tình hình an ninh lương thực toàn cầu.

Giọt nước tràn ly

Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Nga đồng thời thông báo về việc ngừng tham gia thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc trong một thời gian không xác định, với lý do Nga không còn có thể đảm bảo an toàn cho các tàu dân sự chở hàng. Phía Nga cáo buộc đây là “cuộc tấn công khủng bố” của Ukraine bằng máy bay không người lái nhằm vào các tàu thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga ở Sevastopol, Crimea và các tàu dân sự liên quan đến việc đảm bảo an ninh cho hành lang vận chuyển ngũ cốc.

Nga cáo buộc Ukraine tấn công vào Hạm đội Biển Đen ở Crimea. Ảnh: The Times

Nga cáo buộc Ukraine tấn công vào Hạm đội Biển Đen ở Crimea. Ảnh: The Times

Phía Nga nêu rõ đã tiêu diệt 9 máy bay không người lái và 7 máy bay hàng hải và cho biết, sẽ nêu tình trạng gia tăng các vụ tấn công bằng máy bay không người lái tại phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, bởi cuộc tấn công hôm thứ Bảy tuần qua là cuộc tấn công quy mô lớn nhất mà bán đảo Crimea từng chứng kiến. Bên cạnh cáo buộc Ukraine thực hiện vụ tấn công, Nga còn cáo buộc quân đội Anh đã giúp chuẩn bị và huấn luyện cho Ukraine, dù thông tin này bị phía Anh bác bỏ.

Ngược lại thời gian cách đây 2 tuần, Nga cũng đã từng đề cập khả năng dừng thực hiện thỏa thuận ngũ cốc. Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, Gennady Gatilov, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc tại Geneva cho biết, Moscow quan ngại về việc thỏa thuận không được thực hiện một cách công bằng. Theo thỏa thuận mà Nga và Ukraine ký song song với Thổ Nhĩ Kỳ, Nga sẽ tạo điều kiện để các chuyến tàu chở ngũ cốc của Ukraine có thể rời các cảng ở khu vực Odessa để tiếp cận thị trường thế giới, ngược lại, các nước phương Tây cũng phải tạo điều kiện để Nga xuất khẩu phân bón và ngũ cốc.

Tuy nhiên, Nga cho rằng, vế thứ hai của thỏa thuận đã không được thực thi một cách đầy đủ. Mặc dù Mỹ và các nước đồng minh phương Tây nhấn mạnh rằng, thực phẩm và phân bón không nằm trong diện các hàng hóa của Nga bị áp đặt trừng phạt, nhưng theo phản ánh của Nga, các nhà nhập khẩu phương Tây rất khó khăn khi làm việc với ngân hàng để nhập khẩu phân bón và thực phẩm của Nga. Sự thiếu chắc chắn về pháp lý gây ra bởi các lệnh trừng phạt khiến cho các doanh nghiệp phương Tây e ngại khi làm việc với doanh nghiệp Nga.

Ngũ cốc của Ukraine bị ách tắc tại các cảng ở Odessa. Ảnh: Bloomberg

Ngũ cốc của Ukraine bị ách tắc tại các cảng ở Odessa. Ảnh: Bloomberg

Từ những khó khăn trong hoạt động xuất khẩu thời gian qua, kể cả khi đã ký thỏa thuận thành lập “hành lang ngũ cốc” với Thổ Nhĩ Kỳ, vụ tấn công nhằm vào Hạm đội Biển Đen của Nga được xem là “giọt nước tràn ly”. Có thể lý giải sự tức giận của Nga trước các hành động leo thang này, bởi Sevastopol ở Crimea do Nga sáp nhập đã bị nhắm mục tiêu nhiều lần trong những tháng gần đây, trong khi đây là trung tâm hậu cần quan trọng cho các hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine. Khi vụ nổ trên cầu Crimea xảy ra cách đây gần 1 tháng, các chuyên gia Nga đã cảnh báo về sự liên đới đối với hành lang vận chuyển ngũ cốc, bởi theo công bố của Nga, vụ nổ trên tàu Crimea được thực hiện bởi thuốc nổ được chở đi từ Odessa – nơi có cảng ra Biển Đen của Ukraine.

Khi Hạm đội Biển Đen bị tấn công, Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga K.Kosachev cho biết, Nga chưa đánh giá được đầy đủ vai trò của hành lang vận chuyển ngũ cốc trong vụ việc, vì vậy, Nga sẽ dừng vô thời hạn việc tham gia vào thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc. Giới phân tích cho rằng, với tuyên bố này, gần như không có khả năng Nga gia hạn thỏa thuận này sau ngày 19/11 – thời điểm thỏa thuận hết hạn theo ký kết trước đó giữa Nga, Ukraine với Thổ Nhĩ Kỳ.

Thế giới “đứng ngồi không yên”

Ngay thời điểm Nga, Ukraine ký thỏa thuận về xuất khẩu ngũ cốc với Thổ Nhĩ Kỳ, dư luận thế giới đã đánh giá đây là một thỏa thuận khá mong manh, và những gì vừa diễn ra đã chứng minh cho nhận định này. Cần nhắc lại rằng, trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, cả Nga và Ukraine đều là hai nước có thị phần lớn nhất trên thị trường toàn cầu: mỗi nước nắm giữ 29%.

Thời điểm đó, mỗi tháng Ukraine xuất khẩu tới 6 triệu tấn ngũ cốc. Nhưng khi xung đột diễn ra vào ngày 24/2, xuất khẩu của Ukraine giảm mạnh xuống còn 300.000 tấn vào tháng 3, khoảng 1 triệu tấn vào tháng 4 và 1,7 triệu tấn vào tháng 5. Việc các con tàu không thể rời cảng khiến Ukraine tồn đọng hàng chục triệu tấn ngũ cốc. Thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc giữa Nga, Ukraine với Thổ Nhĩ Kỳ có ý nghĩa rất quan trọng trong xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Kể từ thời điểm được ký kết, thỏa thuận đã giúp giải phóng khoảng 9 triệu tấn ngũ cốc.

Riêng trong tháng 9, Ukraine đã xuất khẩu được 3,7 triệu tấn ngũ cốc, cao gấp 2,2 lần so với tháng 8, và theo dự kiến ban đầu, con số này sẽ tiếp tục tăng lên sau khi thỏa thuận được gia hạn vào ngày 19/11, thậm chí có thể đạt mức trước khi xung đột xảy ra là 6 triệu tấn/tháng.

Động thái rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc của Nga khiến thế giới “đứng ngồi không yên”, nhất là trong bối cảnh giá cả leo thang, trong đó có giá lương thực, thực phẩm vẫn là bài toán nan giải với chính phủ nhiều quốc gia. Trước thời điểm thỏa thuận ngũ cốc được ký kết, cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đã đe dọa toàn thế giới, và Liên hợp quốc liên tục phát đi cảnh báo về nạn đói hoành hành tại các quốc gia kém phát triển.

Bởi thế, nguy cơ thế giới một lần nữa rơi vào tình cảnh này khiến rất nhiều người lo ngại. Các chuyên gia thậm chí còn cảnh báo, việc thỏa thuận không được gia hạn trong tháng này có thể tạo ra sự hoảng loạn trên thị trường lương thực toàn cầu, nhất là với những quốc gia phụ thuộc vào lượng hàng nhập khẩu.

Giá cả lương thực tăng cao sẽ tiếp tục tạo áp lực cho lạm phát về trung hạn, từ đó làm trầm trọng thêm các bất ổn xã hội, thậm chí là bất ổn chính trị khi người dân các nước bất bình với cách mà các chính phủ xử lý các vấn đề liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine. Đó là lý do mà lãnh đạo nhiều quốc gia đã lên tiếng kêu gọi Nga thay đổi quyết định đối với thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc. Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách đối ngoại Josep Borrell nhận định quyết định của Nga gây rủi ro cho thị trường lương thực toàn cầu, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đánh giá phản ứng của Nga trước các vụ tấn công là “thái quá”.

Đáp trả các chỉ trích về việc Nga đang gây ra tác động tiêu cực tới thị trường lương thực toàn cầu, Điện Kremlin lập luận rằng, chỉ một phần nhỏ lượng ngũ cốc xuất khẩu Ukraine theo thỏa thuận quốc tế đến được các nước nghèo, còn chủ yếu là vận chuyển đến EU. Nga chỉ rõ trong năm 2011, thị trường châu Âu chỉ chiếm 28% lượng ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine, nhưng năm 2022 này đã tăng lên tới 81%.

Liên hợp quốc lo ngại về an ninh lương thực toàn cầu. Ảnh: Forbes
Liên hợp quốc lo ngại về an ninh lương thực toàn cầu. Ảnh: Forbes

Trong khi các bên vẫn tiếp tục tranh cãi về động thái của Nga, Liên hợp quốc vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng phải đối thoại để nối lại hành lang vận chuyển ngũ cốc này. Ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Liên hợp quốc cho biết, cơ quan này đang liên lạc với giới chức Nga. Phía Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia đã làm trung gian cho việc ký kết thỏa thuận ngũ cốc hiện cũng đang nỗ lực để cứu vãn thỏa thuận.

Hiện còn quá sớm để biết các cuộc đàm phán có thể làm Nga thay đổi quyết định hay không, nhưng có một tín hiệu tích cực, đó là Tổng Giám đốc Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế Andrey Kortunov đã “bắn tiếng” rằng, thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc có thể được nối lại nếu Nga nhận được sự đảm bảo rằng, các cuộc tấn công nhằm vào Hạm đội Biển Đen sẽ không lặp lại trong tương lai.

Có thể nói, cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine đang gây nhiều tác động tiêu cực với thế giới, từ lạm phát, tới khủng hoảng năng lượng, mất an ninh lương thực… Tất cả các bên tham gia xung đột thời điểm này đều hiểu rằng, không ai có thể chiến thắng hoàn toàn. Bởi thế, ngoại giao và đàm phán chính là con đường duy nhất để chấm dứt xung đột, trước mắt là “cứu nguy” cho an ninh lương thực toàn cầu.

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó.