An ninh trong các trường đại học, cao đẳng: Những vấn đề cảnh báo

19/11/2013 16:13

(Baonghean) - Một trong những vấn đề đáng quan tâm và tác động trực tiếp đến công tác an ninh trường học hiện nay là chỗ ở cho sinh viên. Hầu hết các trường ĐH, CĐ, THCN & dạy nghề trên địa bàn thành phố Vinh đang thiếu ký túc xá trầm trọng, đa số HS-SV phải thuê trọ ở ngoài. Điều này khiến công tác quản lý HS-SV không thể thực hiện đến nơi đến chốn, việc đảm bảo an toàn cho HS-SV cũng rất khó khăn và các em rất dễ bị tác động, ảnh hưởng bởi tệ nạn từ môi trường xã hội bên ngoài.

(Baonghean) - Một trong những vấn đề đáng quan tâm và tác động trực tiếp đến công tác an ninh trường học hiện nay là chỗ ở cho sinh viên. Hầu hết các trường ĐH, CĐ, THCN & dạy nghề trên địa bàn thành phố Vinh đang thiếu ký túc xá trầm trọng, đa số HS-SV phải thuê trọ ở ngoài. Điều này khiến công tác quản lý HS-SV không thể thực hiện đến nơi đến chốn, việc đảm bảo an toàn cho HS-SV cũng rất khó khăn và các em rất dễ bị tác động, ảnh hưởng bởi tệ nạn từ môi trường xã hội bên ngoài.

Vương Thùy Linh, sinh viên năm thứ 4 khoa công tác xã hội, Trường Đại học Vinh cho biết: “Gần 4 năm học em phải đi thuê nhà trọ và phải chuyển chỗ ở đến 5 lần. Nhiều nhà trọ không an toàn, thường xảy ra mất trộm xe đạp, quần áo và các đồ dùng như điện thoại, máy tính... Đó là chưa nói ở xung quanh Trường Đại học Vinh hiện nay có hàng loạt dịch vụ ăn theo như quán nét, games, lô đề, cho vay nặng lãi… Ở trong môi trường như thế nếu không biết giữ mình rất dễ sa ngã, thực tế em đã chứng kiến có nhiều bạn sinh viên đang học mà nợ nần đến hàng chục triệu đồng, thậm chí có người nợ đến hơn 100 triệu đồng do chơi lô đề và cá độ bóng đá. Số sinh viên nghiện ma túy cũng không phải là ít”.

Một số vụ án đau lòng mà đối tượng phạm tội là SV-HS xuất phát từ Games onlines.
Một số vụ án đau lòng mà đối tượng phạm tội là SV-HS xuất phát từ Games onlines.

Theo thống kê, hiện nay Thành phố Vinh có 194 trường học và cơ sở giáo dục đào tạo. Trong đó có 5 trường đại học, 17 trường cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, 2 trung tâm giáo dục thường xuyên, 13 trường THPT, 23 trường THCS, 74 trường tiểu học, mầm non và hơn 60 cơ sở đào tạo tin học, ngoại ngữ,… Tổng số học sinh, sinh viên là 161.584 người, trong đó sinh viên đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp chiếm gần 100.000 người. Nắm bắt nhu cầu của số lượng rất lớn học sinh, sinh viên này, các dịch vụ mọc lên như nấm xung quanh các trường học. Ngoài những dịch vụ thiết yếu như ăn uống, giải khát, cho thuê nhà trọ, văn phòng phẩm, vui chơi giải trí,… có rất nhiều dịch vụ nhạy cảm cũng phát triển rầm rộ như: quán bar, karaoke, trò chơi điện tử, cầm đồ, cho vay nặng lãi, lô đề, cờ bạc, thậm chí cả buôn bán chất ma túy… khiến vấn đề an ninh trật tự trở nên phức tạp.

Chỉ tính riêng trong năm học 2012 – 2013, Công an Thành phố Vinh đã khởi tố 19 vụ án với 26 đối tượng là giáo viên, học sinh, sinh viên tham gia, chủ yếu là các tội: cướp giật, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, đánh bạc… Điển hình như: 3 vụ cướp giật tài sản do Thạch Quang Thành (SN 1996) và Hùng Công Lưu (SN 1991) cùng đồng bọn thực hiện vào các ngày 2/12/2012, 3/3/2012 và 22/3/2013; vụ cắt cửa phòng Thủ quỹ trường Cao đẳng VHNT vào lấy trộm hơn 300 triệu đồng do một số đối tượng là sinh viên nghiện ma túy thực hiện mới đây; Ngày 14/11/2012 Công an xã Nghi Phú bắt quả tang 2 sinh viên Trường Trung cấp nghề số 4, Bộ Quốc phòng là Trần Duy Đức (SN 1991) và Hoàng Mạnh Hùng (SN 1993) sử dụng trái phép chất ma túy… Có thể thấy, tình hình phạm tội trong các trường ĐH, CĐ ngày càng gia tăng về cả số vụ việc lẫn mức độ nguy hiểm.

Ông Trần Ngọc Tú, Phó trưởng Công an TP Vinh trăn trở: Có 5 vấn đề lớn ảnh hưởng đến công tác an ninh trường học hiện nay rất đáng báo động. Do áp lực chạy đua thu hút số lượng HS-SV nên hầu hết các trường không quan tâm đến việc giáo dục đạo đức lối sống cho các em. Khi phát hiện các trường hợp vi phạm, nhà trường xử lý không nghiêm minh nên tình trạng tái phạm rất phổ biến. Hầu hết các trường đang quá buông lỏng việc quản lý HS-SV, không đủ ký túc xá cho HS-SV nên sinh viên phải thuê trọ ở ngoài càng khiến cho HS-SV dễ bị ảnh hưởng bởi các tệ nạn xã hội. Đơn cử như Trường Đại học Vinh hiện nay KTX cũng mới chỉ đáp ứng được khoảng 6,4% số lượng sinh viên, do đó nhà trường không thể quản lý được một lượng rất lớn sinh viên ở ngoài sau giờ học. Hầu hết các em ở xa đến trọ học nên không được sự giám sát, quản lý của bố mẹ, đang tuổi bồng bột dễ bị sa ngã, lôi kéo, dụ dỗ…

Ông Nguyễn Thượng Hải – Phó phòng tổ chức hành chính Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Nghệ An chia sẻ: “Xác định an ninh trường học là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy và học nên từ nhiều năm nay trường chúng tôi đã chủ động phối hợp với Công an phường Hà Huy Tập để tìm các giải pháp quản lý và đảm bảo an toàn cho sinh viên, như: thành lập Ban tự quản, đội dân quân tự vệ, đội TNTN sẵn sàng ứng cứu khi có sự việc xảy ra. Ở ký túc xá có đội cờ đỏ và hộp thư tố giác tội phạm nhằm ngăn chặn các tệ nạn, đảm bảo vấn đề an ninh trật tự nơi ăn, chốn ở cho sinh viên. Đối với số sinh viên đang thuê nhà trọ bên ngoài, chúng tôi phối hợp với cảnh sát khu vực và ban cán sự các khối phố lập danh sách các sinh viên thuê trọ trên địa bàn, vận động sinh viên tham gia các sinh hoạt tại địa phương, đồng thời có nhận xét đánh giá hàng quý đối với các em để thông qua đó nhà trường đánh giá đạo đức của mỗi sinh viên. Nhờ vậy những năm gần đây, công tác đảm bảo an ninh của Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Nghệ An đã tốt hơn rất nhiều.

Năm 2013 nhà trường được UBND thành phố tặng giấy khen về phong trào giữ gìn an ninh trật tự. Tuy nhiên, do vẫn còn nhiều khó khăn bất cập mà thẩm quyền của nhà trường không thể giải quyết nổi, đặc biệt các tệ nạn xã hội ngày càng tinh vi, phức tạp nên ở khu vực xung quanh nhà trường hiện đang còn tồn tại nhiều vấn đề nhức nhối, như: nạn ghi lô đề, dịch vụ cầm đồ, cho vay nặng lãi, buôn bán sử dụng trái phép chất ma túy, tình trạng lấn chiếm vỉa hè gây ảnh hưởng giao thông và làm mất mỹ quan ở khu vực trước cổng trường… Nguy hiểm hơn là một số phần tử xấu từ bên ngoài trà trộn vào lôi kéo sinh viên tham gia các tệ nạn xã hội, các tổ chức chính trị đối lập khiến cho công tác giữ gìn an ninh trật tự trường học vô cùng khó khăn”.

Để làm tốt công tác an ninh trường học, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, cần có sự phối hợp tốt giữa nhà trường và gia đình; giữa nhà trường với cơ quan công an trên địa bàn. Các cơ sở giáo dục phải hết sức nêu cao cảnh giác và phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, chính quyền địa phương để có định hướng, uốn nắn kịp thời những quan điểm, tư tưởng lệch lạc trong HS-SV hiện nay.

Hoàng Hảo

Mới nhất
x
An ninh trong các trường đại học, cao đẳng: Những vấn đề cảnh báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO