Ăn tiết canh lợn dịp Tết, một bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu
Ngày 18/2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu tiếp nhận một bệnh nhân trong trạng thái hôn mê sâu, trên mặt xuất hiện những mảng tím và suy hô hấp.
Một bệnh nhân bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn được điều trị tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương do ăn lòng lợn tiết canh. (Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN) |
Bác sỹ Phan Văn Dinh, trực cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu, cho biết bệnh nhân là Vàng Văn Tả, sinh năm 1984, ở bản Lang, xã Bản Lang, huyện biên giới Phong Thổ.
Người nhà cho biết ngày 30 Tết, gia đình có mổ lợn, đánh tiết canh để anh em, trong đó có Vàng Văn Tả, cùng ăn.Sau đó, anh Tả có biểu hiện sốt nhẹ, khó thở, gia đình nghĩ do thay đổi thời tiết, Tả bị cảm cúm. Ngày 17/2 (mùng 2 Tết), bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, nôn khan, đi ngoài, người mệt mỏi.
Sáng 18/2 (mùng 3 Tết), người nhà phát hiện bệnh nhân đã hôn mê, trên mặt, cánh tay xuất hiện những mảng bầm tím, liền đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Bệnh nhân nhập viện trong trạng thái hôn mê, suy hô hấp, mạch nhanh, huyết áp tụt.
Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sỹ Khoa Truyền nhiễm đã truyền dịch nâng huyết áp, dùng kháng sinh, áp dụng phác đồ điều trị tích cực. Chẩn đoán ban đầu dựa trên việc bệnh nhân có ăn tiết canh sống, các bác sỹ nghi bệnh nhân bị nhiễm khuẩn qua thức ăn.
Tiên lượng bệnh nhân có những diễn biến xấu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu đã hội chẩn, làm các thủ tục để chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tiếp tục điều trị.
Theo tập quán lâu đời ở miền núi, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thường mổ lợn, đánh tiết canh để ăn vào dịp lễ Tết.
Bác sỹ Phan Văn Dinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu khuyến cáo để bảo đảm sức khỏe cho bản thân và gia đình, nhất là trong những ngày lễ, Tết, bà con cần thực hiện chế độ ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là sử dụng đồ ăn đã được nấu chín, không nên ăn thịt các loại động vật nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh.