Ân tình bên dòng Nậm Nơn
(Baonghean) - Từ Thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn), vượt chặng đường hơn 60 km, qua “cổng trời” Mường Lống, chúng tôi có mặt tại Đồn Biên phòng Mỹ Lý vào một chiều cuối năm. Núi rừng đang tích đầy nhựa sống, dòng Nậm Nơn mùa này xanh trong và hiền hòa như một thiếu nữ độ xuân thì. Đất trời, sông nước và tình người nơi dòng Nậm Nơn đổ vào đất Việt như có mối giao hòa thắm thiết. Ở chốn sơn cùng thủy tận này, khách miền xuôi được chứng kiến và lắng nghe những câu chuyện, những ân tình của người lính canh giữ biên cương...
Trong màn đêm yên tĩnh, từ sân Đồn vang lên khúc hát “Gặp nhau giữa rừng mơ”. Chất giọng và âm hưởng của một thiếu nữ thể hiện mang đậm đặc trưng của vùng cao. Đại úy Hồ Mạnh Hùng - Chính trị viên phó cho hay, tối nay tổ chức tổng duyệt chương trình văn nghệ để chuẩn bị về BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh tham dự hội diễn nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và ngày Quốc phòng toàn dân. Chương trình văn nghệ của Đồn có sự tham gia, phối hợp với Chi đoàn bản Xiềng Tắm - địa điểm Đồn đứng chân. Hòa vào lời ca là những điệu múa nhịp nhàng, uyển chuyển của các cô gái Xiềng Tắm và những người lính trẻ. Khi lời ca, tiếng hát vang lên, bà con dân bản cùng gọi nhau đến xem và cổ vũ. Cứ mỗi tiết mục kết thúc, những tràng pháo tay giòn giã vang lên...
Không hiểu sao, mỗi lần đến thăm vùng biên, đêm đầu tiên chúng tôi thường khó ngủ. Hình như các giác quan đang căng ra để lắng nghe và cảm nhận nhịp sống của đất trời và tình người nơi heo hút gió, trập trùng mây. Dường như đoán biết được tâm trạng của khách, Đại úy Già Bá Trừ - Đội trưởng Đội Vận động quần chúng cởi mở chuyện trò. Anh sinh năm 1975, là người con của bản Huồi Pốc, xã Nậm Cắn. Đã 18 năm sống cuộc đời quân ngũ, trong đó hơn 10 năm gắn bó với Đồn Biên phòng Mỹ Lý, Già Bá Trừ đã thông thuộc hết các bản làng, từng ngọn núi, con khe, lạch nước Nậm Nơn thuộc địa bàn hai xã Mỹ Lý và Bắc Lý. Đến nỗi, người dân các bản mỗi khi có mâu thuẫn, xích mích đều tìm gặp anh để mong tìm được cách giải quyết hợp tình, hợp lý. Anh nhớ nhất là lần hai dòng họ người Mông ở bản Nhọt Lợt (xã Mỹ Lý) có tranh chấp không thể tự giải quyết, buộc phải cử người xuống Đồn mời Đại úy Trừ lên hòa giải. Leo núi gần một ngày đường, cuối cùng anh cũng đến được Nhọt Lợt.
Là người con của dân tộc Mông, hơn ai hết, anh hiểu rõ tâm lý và cách ứng xử của bà con dân tộc mình. Với khả năng thuyết phục khéo léo, kết hợp với kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình công tác, cuối cùng Già Bá Trừ đã hòa giải được mối bất hòa của hai dòng họ. Hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất từ trước đến nay trong đời quân ngũ, Già Bá Trừ kể về một chuyến băng rừng làm nhiệm vụ xác định vị trí cắm mốc để tiến tới thực hiện chủ trương tăng dày cột mốc. Anh dẫn đầu tổ công tác của đồn lên bản Phà Chiếng, rồi tiếp tục vượt núi lên đường biên. Nhưng cuối năm sương mù dày đặc, đất trời âm u, thiết bị định vị hoạt động chập chờn, rất khó để xác định mốc giới.
Cán bộ, chiến sỹ Đồn BP Mỹ Lý trên đường tuần tra. |
Chiều tối, nhiệm vụ vẫn chưa hoàn thành, tổ công tác buộc phải dựng lán nấu ăn rồi mắc võng ngủ, chờ hôm sau tiếp tục dò tìm. Trước lúc ngủ, mọi người kiếm củi rồi nhóm một bếp lửa lớn giữa lán để giữ ấm. Suốt ngày trèo đèo lội suối mệt mỏi, cùng với cái giá lạnh của núi rừng nên các chiến sỹ nhanh chóng đi vào giấc ngủ. Sáng dậy, Già Bá Trừ kinh hồn khi thấy xung quanh bếp lửa dày đặc dấu chân hổ. Anh nhìn quanh các võng để kiểm đếm đồng đội rồi thở phào nhẹ nhõm khi tất cả vẫn an toàn. Lần ấy, phải hai ngày sau, tổ công tác của anh mới xác định được mốc giới. Trên đường về, ai cũng mệt nhưng vẫn vui vẻ và yêu đời. Công tác trong huyện nhưng phải 3-4 tháng, thậm chí nửa năm anh mới sắp xếp thời gian về thăm vợ con. Bây giờ, có đường bộ nên đã thuận lợi hơn nhiều, ngày xưa thì cực kỳ vất vả. Để về đến Nậm Cắn, anh phải đi thuyền xuôi dòng Nậm Nơn xuống Thị trấn Hòa Bình (Tương Dương), rồi ngược 70 km lên trung tâm xã. Từ đây, mất 20 km đường rừng gồ ghề, quanh năm sạt lở mới về đến bản Huồi Pốc. Tổng cộng chặng đường ấy ngót 200 km, vừa đi thuyền, vừa xe khách, vừa xe lai và cả cuốc bộ.
Trung úy Hoàng Ngọc Bình - Đội trưởng Đội Kiểm soát hành chính, Bí thư Chi đoàn là người vui vẻ, mến khách và nói chuyện có duyên. Bình năm nay 29 tuổi, có 10 năm quân ngũ. Quê Bình ở huyện Diễn Châu, anh lên nhận nhiệm vụ ở Mỹ Lý đã được 2 năm. Anh nhớ nhất là dịp tết năm 2012, cái tết đầu tiên phải xa nhà đến hàng trăm cây số. Ở xa, thiếu vắng không khí ấm cúng của gia đình anh em cán bộ, chiến sỹ vẫn quyết tâm tổ chức một cái tết thật chu tất. Tất cả cùng nhau quây quần mổ lợn, gói và luộc bánh chưng, trang trí bàn thờ...
Khi đồng hồ điểm phút giao thừa, mọi người cùng mừng tuổi nhau những tờ tiền mới tinh, thơm phức. Rồi bà con dân bản sang chúc tết, tiếng đàn tiếng hát vang dậy cả núi rừng, hòa cùng giai điệu của dòng Nậm Nơn hùng vỹ và viết thành bản tình ca thấm đẫm tình quân dân. Sự gắn bó thân tình với đồng đội và dân bản đã giúp cán bộ, chiến sỹ vơi đi nỗi nhớ nhà. Lần ấy, người yêu của Bình gọi điện tỏ ý giận dỗi, rồi khóc vì thương anh phải đón tết xa nhà. Bình chỉ cười: “Đã là quân nhân, là lính biên phòng, nghĩa là chấp nhận hy sinh tình cảm gia đình để làm nghĩa vụ với non sông, giữ yên biên giới. Xa gia đình, các anh không cô đơn, vì đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt...”.
Trong số bà con sang chúc tết, Bình nhớ nhất một người đàn ông luôn tỏ ra gần gũi và tìm cách bộc bạch nỗi niềm. Vì con trai của ông cũng là lính, hiện đang đóng quân ở tận miền Nam, và tết nay anh cũng xa nhà. Ông chia sẻ rằng xem các anh em ở đồn như con, và sang đây ông thấy ấm lòng, nỗi nhớ thương con như vơi đi một nửa. Nhưng có một chuyện khi nói ra, Trung úy Hoàng Ngọc Bình luôn tỏ vẻ ngập ngừng, khóe mắt ngân ngấn nước. Đó là vào dịp 3/3 (ngày truyền thống Bộ đội biên phòng) năm nay, dù đang mang thai nhưng vì nhớ thương chồng, vợ anh vẫn quyết định vượt chặng đường hơn 300 km lên Mỹ Lý để chia sẻ niềm vui. Vì đường xa vất vả, khí hậu khắc nghiệt và thất thường nên khi trở về, vợ Bình bị ốm, cái thai do vậy mà bị hỏng. Đến giờ, mỗi khi nghĩ đến, vợ chồng Bình vẫn còn buồn lắm...
Tại đây, chúng tôi còn được chuyện trò với Trung úy - y sỹ Vang Văn Phước, người con của bản Phòng, xã Thạch Giám (Tương Dương). Phước đã từng có thời gian 5 năm đóng quân ở địa bàn Tây Nguyên, anh được chuyển về Đồn Mỹ Lý cũng đã được 5 năm. Chuyện thú vị nhất của Vang Văn Phước có lẽ là chuyện cưới vợ. Anh đã đi khắp mọi nơi, cuối cùng về lấy cô gái cùng bản làm vợ, chỉ cách mấy ngôi nhà. Điều đáng nói là trước đó hai người không hề biết nhau, vì cách nhau tới 7 tuổi, anh thì đi biền biệt, chị lại lo việc học hành. Chỉ mấy ngày Phước về phép, hai người gặp nhau, rồi nên duyên vợ chồng. Giờ đây, họ đã có con trai 4 tuổi. Đồn cách nhà hơn trăm cây số, khoảng cách những lần gặp nhau của vợ chồng anh phải tính bằng 4-5 tháng trời.
Với người lính trấn giữ biên cương, chuyện vợ chồng đằng đẵng cách xa như Ngưu Lang- Chức Nữ là lẽ thường tình, nhiều lúc thương nhớ đến trĩu lòng, mà không ai có một lời than thở. Có thể nói, hoàn cảnh của Thiếu tá Trần Quốc Nam - Phó đồn trưởng là một trường hợp khá đặc biệt. Gần 20 năm công tác ở địa bàn Đà Nẵng, nay anh vừa được chuyển về Mỹ Lý, trong lúc vợ con vẫn đang ở tận Thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam). Khoảng cách ấy, nếu tính một cách chi ly phải đến hơn 1.000 cây số. Anh Nam tâm sự: “Xa xôi cách trở, thương nhớ vợ con nhiều lắm. Là đàn ông, ai cũng mong hàng ngày được ăn bữa cơm đầm ấm với gia đình, được đến trường đón con mỗi khi tan học. Nhưng đã là người lính biên phòng, điều trước tiên phải biết vượt qua nỗi nhớ thương để hoàn thành nhiệm vụ. Và ngay từ đầu, những người vợ đã xác định phải biết chia sẻ, hy sinh...”.
Hoạt cảnh “Ân tình người lính biên cương” của Đoàn Thanh niên Đồn Biên phòng Mỹ Lý và Chi đoàn bản Xiềng Tắm (xã Mỹ Lý). |
Tranh thủ mấy phút giải lao trong buổi tập văn nghệ, Đại úy Hồ Mạnh Hùng cho chúng tôi biết một số thông tin về Đồn. Đồn Biên phòng Mỹ Lý có nhiệm vụ quản lý 46km đường biên (trong đó 16km đường sông, 30 km đường bộ) thuộc địa bàn hai xã Mỹ Lý và Bắc Lý. Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và an ninh biên giới, cán bộ chiến sỹ còn tích cực giúp đỡ bà con các dân tộc Thái, Mông và Khơ mú phát triển kinh tế - xã hội, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật để bà con không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu, từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Hàng năm, Đồn còn tổ chức khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho các hộ nghèo, động viên con em của đồng bào chăm chỉ đến lớp để học thông cái chữ.
Đầu mùa Đông năm nay, Ban Chỉ huy Đồn vừa vận động, phối hợp với một số doanh nghiệp và nhà hảo tâm quyên góp áo ấm, sách vở dành tặng cho học sinh nghèo xã Bắc Lý. Mỗi năm học, cán bộ chiến sỹ của Đồn bớt một phần chi tiêu để nhận đỡ đầu, hỗ trợ kinh phí học tập cho 5 học sinh nghèo vượt khó của Trường THCS Mỹ Lý. Trình độ và nhận thức của đồng bào nơi đây còn nhiều hạn chế, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Nhằm góp phần giúp đỡ bà con xóa đói giảm nghèo, BCH Đồn đã chủ trương xây dựng một số mô hình chăn nuôi, hỗ trợ con giống (lợn, gà) để phát triển sản xuất. Việc này, phải kể đến Trung tá Hà Đình Tín hiện đang được tăng cường về làm Bí thư Đảng ủy xã Bắc Lý. Với nhiệm vụ được giao, anh Tín đã bám sát địa bàn, tự tay mình làm mô hình ao cá, chăn nuôi lợn và trồng rau sạch để bà con học tập... Đến đây, chợt nhớ lời chia sẻ chân thành của ông Kha Ngọc Minh - Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý: “Có anh em cán bộ chiến sỹ biên phòng giúp đỡ, chúng tôi cảm thấy yên tâm và vững vàng hơn rất nhiều”.
Đêm cuối ở Mỹ Lý, cảm giác khó ngủ lại trở về. Không gian tĩnh lặng, khách miền xuôi nghe rõ tiếng chảy rì rào của dòng Nậm Nơn, tiếng gió vi vu giữa đại ngàn. Chợt nghĩ, đó là những khúc “nhạc rừng” được tấu lên để ngợi ca ý chí, tình cảm và tấm lòng của những người lính trấn giữ nơi đầu nguồn của một dòng sông hùng vỹ và chứa đầy huyền thoại. Ngày mai, chúng tôi rời xa dòng Nậm Nơn và mang theo bao nỗi nhớ...
Công Kiên