An toàn vệ sinh thực phẩm: Công tác hậu kiểm còn nằm trên bàn giấy

26/05/2017 16:40

(Baonghean) - Trong tháng 4 và 5/2017, trên địa bàn tỉnh có tới 6 vụ ngộ độc với hàng loạt người mắc, phải nhập viện cấp cứu. Nếu như 4 vụ ngộ độc do ăn phải cây, củ, quả tự nhiên mang độc tố là do công tác truyền thông y tế chưa được thực hiện tốt, thì 2 vụ ngộ độc bếp ăn tập thể tại 2 doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư Hàn Quốc là do công tác quản lý nhà nước, năng lực kiểm tra về ATTP kém hiệu quả.

Chưa có giấy phép vẫn hoạt động

Ngày 1/4/2017, dư luận xôn xao trước vụ ngộ độc bếp ăn tập thể diễn ra tại Công ty TNHH điện tử BSE Việt Nam (Khu công nghiệp Nam Cấm, huyện Nghi Lộc) khiến 50 công nhân phải nhập viện điều trị. Đáng chú ý, Công ty Cổ phần Brothers Việt Nam - đơn vị cung cấp suất ăn cho Công ty TNHH điện tử BSE Việt Nam là nhà thầu mới vừa ký hợp đồng thay thế cho nhà thầu cũ, chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP nhưng vẫn hoạt động. Bữa ăn trưa ngày 1/4/2017 là bữa ăn đầu tiên do Công ty Cổ phần Brothers Việt Nam cung cấp.

Công nhân ở Công ty TNHH điện tử BSE Việt Nam bị ngộ độc thực phẩm phải cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa 115. Ảnh: Thanh Sơn
Công nhân ở Công ty TNHH điện tử BSE Việt Nam bị ngộ độc thực phẩm phải cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa 115. Ảnh: Thanh Sơn

Sau khi vụ ngộ độc xảy ra, đại diện ngành Y tế, khu Kinh tế Đông Nam, lãnh đạo UBND, Công an, Phòng Y tế huyện Nghi Lộc và UBND xã Nghi Xá đã đến tiến hành điều tra tìm hiểu thông tin vụ việc. Tuy nhiên, việc kiểm tra xác minh ban đầu gặp nhiều khó khăn do vấp phải sự cản trở từ đơn vị cung cấp thức ăn. Các cơ quan chức năng đã tiếp cận điều tra thực tế tại bếp ăn và lấy 12 mẫu xét nghiệm (trong đó có 7 mẫu thức ăn, 2 mẫu sữa, 1 mẫu cam, 1 mẫu nước uống và 1 mẫu nước dùng chế biến thức ăn) và 16 mẫu không khí. Các mẫu này sau đó được gửi cho các phòng xét nghiệm trong nước. Sau vụ ngộ độc hơn 1 tuần, các xét nghiệm trả về cho thấy các mẫu thức ăn, không khí không tìm thấy độc tố. Do đó, đến nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân của vụ ngộ độc.

Mới đây nhất là vụ ngộ độc vừa diễn ra tại Nhà máy may Hitexvina, Công ty TNHH HI-TEX (Cụm công nghiệp Nghĩa Mỹ, thị xã Thái Hòa) vào ngày 22/5/2017 khiến 70 người phải nhập viện. Cũng như bếp ăn của Công ty điện tử BSE Việt Nam, bếp ăn của công ty này chưa được cấp giấy chứng nhận ATTP. Tại cuộc làm việc với Công ty TNHH HI-TEX diễn ra chiều ngày 22/5, UBND thị xã Thái Hòa đã yêu cầu công ty phải dừng ngay hoạt động của bếp ăn tập thể kể từ chiều tối ngày 22/5 cho đến khi có kết luận của cơ quan chức năng về nguyên nhân gây ra ngộ độc và được thẩm định đủ điều kiện theo quy định về cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống.

Đây không phải lần đầu tiên bếp ăn tập thể của Công ty TNHH HI-TEX bị yêu cầu dừng hoạt động. Trước thời điểm xảy ra vụ ngộ độc tập thể này khoảng 2 tuần, đoàn công tác của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An đã đến thẩm định bếp ăn của công ty, tuy nhiên, bếp ăn này chưa đủ các điều kiện để cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Theo quy định, đoàn yêu cầu công ty dừng bếp ăn, hoàn thiện các tiêu chuẩn mới được phép hoạt động nhưng trên thực tế công ty vẫn không chấp hành.

Đến ngày 18/5, bếp ăn tập thể của Công ty TNHH HI-TEX một lần nữa bị đoàn kiểm tra liên ngành thị xã Thái Hòa lập biên bản đình chỉ hoạt động do không đạt 16/32 tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm. Bất chấp 2 lần bị yêu cầu dừng hoạt động nói trên, bếp ăn tập thể của Công ty TNHH HI-TEX vẫn hoạt động phục vụ công nhân!

Công tác hậu kiểm còn nằm trên “bàn giấy”

Từ thực tế 2 vụ ngộ độc bếp ăn tập thể nêu trên đã cho thấy sự thiếu ý thức, trách nhiệm từ nhiều phía. Công tác quản lý, hướng dẫn, hỗ trợ, hậu kiểm, năng lực của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương còn bất cập; hiệu lực các quy định, quyết định chưa được thực thi. Đi kèm với đó là ý thức chấp hành pháp luật của đơn vị cung cấp suất ăn trong đảm bảo ATTP rất kém.

Đoàn thanh, kiểm tra liên ngành tỉnh Nghệ An kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Ảnh: Thanh Sơn
Đoàn thanh, kiểm tra liên ngành tỉnh Nghệ An kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Ảnh: Thanh Sơn

Sự thiếu ý thức, trách nhiệm của một bộ phận địa phương, cơ quan, cán bộ chuyên môn về vấn đề an toàn VSTP cũng được bàn nhiều trong cuộc họp về kết quả 1 năm thực hiện Chỉ thị số 13 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm” diễn ra vào chiều ngày 16/5 và cuộc họp thường kỳ tháng 5/2017 của UBND tỉnh Nghệ An. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An Vương Quang Minh nêu rõ: “Trong 1 năm qua, Ủy ban MTTQ các cấp và các hội, đoàn thể phát động rầm rộ phong trào nói không với thực phẩm bẩn, tạo được sự hưởng ứng mạnh mẽ trong nhân dân. Tuy nhiên, các ý kiến giám sát từ cơ sở vẫn chưa được tổng hợp và xử lý rốt ráo. Cơ quan chức năng các cấp, ngành thực hiện thanh, kiểm tra rất nhiều song chưa có công bố rõ ràng trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người dân biết rồi mua thực phẩm ở địa chỉ tốt, tránh các địa chỉ kém”.

Phân tích sự thiếu trách nhiệm ở khía cạnh khác, bà Nguyễn Thị Lan - Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh nêu ý kiến: “Hiện nay, toàn tỉnh có 18.143/20.808 cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận, cam kết đủ điều kiện ATTP, chiếm tỷ lệ 87,2%. Giấy chứng nhận cấp nhiều nhưng có bao nhiêu cơ sở đã được hướng dẫn cụ thể, được kiểm tra thực địa và hậu kiểm sau cấp? Ví dụ ở thành phố Vinh, các đoàn liên ngành, ngành Công an khi kiểm tra ở đâu đều phát hiện vi phạm ở đó đã cho thấy công tác cấp giấy, hậu kiểm còn đang ở trên “bàn giấy”. Công tác thanh, kiểm tra nói chung chưa tốt khi mà các huyện, thành, thị và xã, phường, thị trấn thực hiện kiểm tra rất nhiều nhưng kết quả xử lý rất nhẹ, không có tính răn đe.

Hiện nay, trong công tác thanh, kiểm tra về ATTP đang gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện, xử lý vi phạm, cụ thể: Các biện pháp test nhanh về dư lượng hóa chất trong thực phẩm chỉ mang tính định hướng, chưa được xem là chứng cứ để xử lý. Để phát hiện chính xác, có căn cứ xử lý vi phạm cần đưa các mẫu phẩm đi xét nghiệm ở các phòng xét nghiệm, song năng lực các phòng xét nghiệm ở Việt Nam chỉ tìm ra một số loại chất chỉ định. Bên cạnh đó, hiện Nghệ An chưa có một kho đông nào đạt chuẩn để lưu thực phẩm trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm.

Học sinh trường Tiểu học Nghi Hòa (TX. Cửa Lò) ngộ độc do ăn phải hạt quả cây ngô đồng mọc ngay trong trường. Ảnh: Thanh Sơn
Học sinh trường Tiểu học Nghi Hòa (TX. Cửa Lò) ngộ độc do ăn phải hạt quả cây ngô đồng mọc ngay trong trường. Ảnh: Thanh Sơn

Tại cuộc họp đánh giá về kết quả 1 năm thực hiện Chỉ thị số 13 của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Lê Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh Nghệ An chỉ đạo: “Không được phép vì khó khăn mà để thực phẩm bẩn lan tràn; các cấp, ngành cần đẩy mạnh công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát ngay từ những khâu ban đầu là sản xuất, vận chuyển. Các cấp, ngành chức năng cần nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước về vệ sinh ATTP; xử lý nghiêm minh, không nương tay đối với những cơ sở vi phạm; đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi nhận thức người dân, có như vậy mới cải thiện bền vững vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Đồng chí Lê Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: “Vấn đề vệ sinh ATTP có chuyển biến hay không, phụ thuộc nhiều ở công tác quản lý, kiểm tra, chấn chỉnh của cấp cơ sở. Song tôi thấy nhiều xã, phường, thị trấn vào cuộc chưa tốt, thậm chí có hiện tượng bao che các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, kiểm tra mà chưa đi đôi với chấn chỉnh, hướng dẫn, có hiện tượng cán bộ gây khó khăn cho cơ sở trong công tác kiểm tra, cấp giấy chứng nhận, có cơ sở 1 năm tiếp đến 7 đoàn kiểm tra ATTP”.


Thanh Sơn

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
An toàn vệ sinh thực phẩm: Công tác hậu kiểm còn nằm trên bàn giấy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO