Ấn tượng những giá hầu đồng đặc sắc trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ

P.V 30/09/2019 11:03

(Baonghean.vn) - 3 năm sau khi Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, các hoạt động nghi lễ đặc sắc gắn liền với di sản này diễn ra sôi nổi ở nhiều địa phương. Ấn tượng nhất trong số đó là nghi lễ hầu đồng.

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Theo các nghiên cứu về văn hóa tín ngưỡng, Tam phủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu tương ứng với các miền khác nhau trong vũ trụ: Thiên phủ (miền Trời), Nhạc phủ (miền rừng núi) và Thoải phủ (miền sông nước). Đứng đầu mỗi phủ là một vị thánh Mẫu: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải. Trong ảnh là quang cảnh một điện thờ Mẫu điển hình.
Những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tin rằng, nghi lễ hầu đồng có thể giúp con người giao tiếp được với các đấng thần linh, và các thanh đồng đóng vai trò trung gian để kết nối. Trang phục của các thanh đồng khi thực hành nghi lễ này được gọi là khăn chầu, áo ngự. Mỗi giá đồng đều có trang phục riêng ứng với từng vị thần linh.
Với giá hầu các Quan và Ông Hoàng, thanh đồng sẽ đội khăn xếp, mặc trang phục có thêu hình rồng. Trong hình, thanh đồng đang hầu giá Đức ông Trần triều.
Một thanh đồng đang "vào" giá Ông Hoàng Mười. Theo các chuyên gia nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng, nghi lễ hầu đồng thực chất là một hình thức diễn xướng dân gian dựa trên việc kết hợp âm nhạc mang tính tâm linh với những điệu múa uyển chuyển và các nghi lễ trang nghiêm.
Nghi lễ hầu đồng có nhiều giá hầu Thánh nam và Thánh nữ. Với các Thánh nam (từ hàng Quan đến hàng Ông Hoàng, hàng Cậu), thanh đồng có những trang phục riêng (tùy theo vị Thánh đó thuộc hàng quan văn hay quan võ, độ tuổi và tính cách của vị Thánh…). Trong ảnh, thanh đồng đang diễn giá Quan Đệ Ngũ, với trang phục áo gấm thêu rồng, biểu cảm nghiêm trang, động tác mạnh mẽ.

Đối với các giá hầu Thánh nữ, trang phục phong phú, đa dạng hơn. Tuy nhiên, bộ áo dài vẫn là trang phục chính, với màu sắc, kiểu dáng khác nhau để phù hợp với từng giá. Ngoài ra, thanh đồng còn có các loại khăn, dải khăn quấn đầu, dây lưng, các loại khăn quàng cổ, quạt lông nhiều màu sắc, đồ trang sức… Trong ảnh, thanh đồng đang hầu giá Chúa Đệ nhất Tây Thiên.

Giá chầu Đệ nhị Thượng ngàn
Giá chầu Đệ nhị Thượng ngàn với trang phục áo dài gấm thêu hoa văn rực rỡ, kiềng vàng, tay cầm khăn xếp, thanh đồng biểu diễn những bước nhún nhảy hòa cùng điệu nhạc chầu văn rộn ràng.

Mỗi lần thay giá, thanh đồng được các hầu dâng che khăn phủ diện để đổi trang phục mới.

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là sự hỗn dung tôn giáo bản địa của người Việt và một số yếu tố của tôn giáo du nhập như Đạo giáo, Phật giáo. Các Thánh Mẫu, các vị thần trong điện thần Tam phủ có nguồn gốc không chỉ của người Kinh, mà còn của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam như người Mường, Tày, Nùng, Dao..., thể hiện sự giao lưu văn hóa, mối quan hệ bình đẳng, gắn bó mật thiết giữa các dân tộc ở Việt Nam.
Nhiều thanh đồng cho biết, nghi lễ hầu đồng diễn ra quanh năm, đáng chú ý có các dịp quan trọng như dịp hầu Thượng nguyên (tháng Giêng), hầu vào hè (tháng Tư), hầu ra hè (tháng Bảy) hay hầu Tất niên (tháng Chạp)... Nghi lễ hầu đồng đáp ứng nhu cầu và khát vọng của mỗi người dân như cầu quốc thái dân an, gia đạo dồi dào sức khỏe, tài lộc hanh thông... Đồng thời, thông qua việc kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian..., nghi lễ hầu đồng còn được xem như một “bảo tàng sống” lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt.

Mới nhất
x
Ấn tượng những giá hầu đồng đặc sắc trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO