Ảnh báo chí luôn đòi hỏi tính thông tin 'đắt'

04/11/2016 07:53

(Baonghean) - Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với nghệ sỹ nhiếp ảnh Thanh Hải - Trưởng Ban ảnh, Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An

- Xin chào nghệ sỹ nhiếp ảnh Thanh Hải! Là người có thâm niên trong hoạt động nhiếp ảnh của tỉnh nhà và tham gia nhiều hội đồng thẩm định ảnh nói chung trong đó có ảnh báo chí với vai trò giám khảo cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc vàng” do Báo Nghệ An tổ chức nhiều năm qua, ông có thể chia sẻ một vài ý kiến về ảnh báo chí và vai trò của ảnh báo chí đối với một tờ báo?

- Chúng ta đều biết, bất kể một tờ báo nào nói chung, báo in nói riêng đều không thể thiếu hình ảnh. Bên cạnh tác dụng trình bày cho tờ báo hấp dẫn, thì ảnh còn có chức năng như minh họa bài viết, tư liệu, hoặc tin ảnh…

Hiện nay ở hầu hết các tờ báo rất ít có phóng viên ảnh chuyên nghiệp, đa phần là các phóng viên, biên tập viên đi làm báo và kết hợp chụp ảnh để minh họa cho bài viết của mình, hoặc báo sử dụng ảnh của cộng tác viên. Do đó, mỗi ngày trên giao diện, mặt báo có hàng trăm bức ảnh được đăng tải. Nhưng để chọn ra trong số đó những bức ảnh có tính thông tin “đắt” và sự kiện điển hình thì còn hiếm, vì chúng ta thiếu phóng viên ảnh chuyên nghiệp.

Trưng bày các tác phẩm vào vòng chung khảo cuộc thi Khoảnh khắc vàng. Ảnh Sỹ Minh
Trưng bày các tác phẩm vào vòng chung khảo cuộc thi Khoảnh khắc vàng. Ảnh Sỹ Minh

Trong nhiều năm qua, tờ báo Nghệ An ngày càng được nâng cao cả hình thức trình bày và chất lượng nội dung, được Đảng bộ và nhân dân đón nhận và đánh giá cao. Có được như vậy một phần là Báo Nghệ An thường xuyên phát động và tổ chức cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc vàng” hàng năm, tạo nên một kho tư liệu về ảnh phong phú đa dạng, nhiều chủ đề nhiều vùng miền.

Có thể nói đây là một cuộc thi rất nghiêm túc và chuyên nghiệp từ khâu tổ chức triển khai đến công tác thẩm định ảnh, nên đã có sức lan tỏa và tạo hấp dẫn cho người tham gia. Rất mừng là số lượng tác giả và tác phẩm năm sau luôn cao hơn năm trước, chất lượng cũng khá hơn sau mỗi cuộc thi, không ít tác phẩm từ những cuộc thi này đã đoạt giải Báo chí Quốc gia hàng năm.

Tuy nhiên chúng ta dễ nhận ra qua các cuộc thi, điểm tồn tại đó là một số tác giả gửi tác phẩm dự thi ít thông tin báo chí hoặc “lạc đề” theo kiểu “thấy gì chụp nấy”. Để khắc phục tình trạng này và nâng cao hơn nữa chất lượng ảnh dự thi, chúng ta cần tổ chức những lớp tập huấn, hay những buổi sinh hoạt trao đổi nghiệp vụ.

- Tại cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc vàng” do Báo Nghệ An tổ chức, tiêu chí chấm ảnh đã được Ban tổ chức công bố bằng văn bản trước mỗi cuộc thi. Giám khảo căn cứ vào đó để thẩm định tác phẩm. Tuy nhiên, được biết cách đánh giá tác phẩm lại mang tính độc lập của mỗi cá nhân, nhưng quan điểm thì phải định hướng đúng và phải đi đến thống nhất…

- Theo tôi, đã là ảnh thì phải đẹp. Nhưng khác với ảnh nghệ thuật, ảnh báo chí cần chú trọng về nội dung và thường lấy đó làm tiêu chí hàng đầu. Tác phẩm đó phản ánh sự kiện gì, có được dư luận quan tâm nhiều không, tác động xã hội thế nào...? Sau đó mới xem đến cách thể hiện của tác giả (chọn góc độ, bố cục, ánh sáng…) để mang đến cho người xem một giá trị thẩm mỹ.

Đối với cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc vàng” do Báo Nghệ An tổ chức, nhìn chung, những tác phẩm đã lọt vào vòng chung khảo đều là những ảnh có nội dung tốt và chất lượng nghệ thuật, đạt yêu cầu tiêu chí đặt ra. Nhiệm vụ của Hội đồng giám khảo là phải chọn cho được những tác phẩm tốt hơn vào vòng trong. Đến vòng xét giải càng đòi hỏi và yêu cầu giám khảo cẩn trọng hơn, trách nhiệm và công tâm hơn khi đưa ra quyết định.

Thông thường đến vòng này các giám khảo có thể tranh luận công khai, nêu chính kiến của mình, nhằm bổ sung cho nhau và đi đến thống nhất cao. Có vậy mới đãi ra “vàng” để thuyết phục được người dự thi và người xem; cũng là để xây dựng thương hiệu “Khoảnh khắc vàng”.

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Đức Dũng (Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Ảnh báo chí luôn đòi hỏi tính thông tin 'đắt'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO