Anh - EU: Khi cả hai không còn muốn chung một nhà

30/03/2017 06:35

(Baonghean) - Câu chuyện “ly hôn” giữa nước Anh và Liên minh châu Âu đã đi tới thời điểm quyết định. Việc thủ tướng Anh Theresa May ký vào bức thư gửi EU về việc chính thức kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon hôm 28/3 đã lật sang trang mới cho mối quan hệ này.

Giữa hai dòng nước

Sau hơn 4 thập kỷ “cùng một nhà”, mối quan hệ giữa nước Anh và Liên minh châu Âu đã đi đến thời điểm quyết định. Dù muốn hay không, dù còn nhiều “duyên nợ” níu kéo, tất cả đều phải chấp nhận một thực tế rằng cả hai bên đều phải tuân thủ kết quả của cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6 năm ngoái: đa số người Anh ủng hộ việc rời khỏi EU.

Và việc nữ thủ tướng Theresa May đại diện cho nước Anh ký bức thư gửi cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk về việc rời khỏi Liên minh chỉ là một nghi thức mang tính lịch sử cho cuộc chia tay này.

Từ nay, nước Anh sẽ phải xác định một vị trí mới của mình trong mối quan hệ với châu Âu. Đó có thể là một mối quan hệ thân thiện và công bằng với cả hai. Nhưng đó cũng có thể là một quá trình chuyển tiếp đầy giông bão kéo theo những cái giá rất đắt phải trả. Điều này tùy thuộc vào 2 năm đàm phán sắp tới.

Thủ tướng Anh Theresa May ký văn bản chính thức kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon hôm 28/3 Ảnh: Independent.
Thủ tướng Anh Theresa May ký văn bản chính thức kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon hôm 28/3 Ảnh: Independent.

Thực tế, vào buổi tối lịch sử khi đặt bút ký vào lá thư gửi lãnh đạo châu Âu, Thủ tướng Anh đã có các cuộc điện đàm riêng rẽ với Chủ tịch EU Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, và Thủ tướng Đức Angela Merkel, những cá nhân sẽ có vai trò quyết định bên phía EU.

Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết tại các cuộc điện đàm, các nhà lãnh đạo đều nhất trí rằng "một châu Âu mạnh mẽ là lợi ích của tất cả các bên và nước Anh vẫn sẽ là một đồng minh tin cậy và gần gũi".

Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí về tầm quan trọng của việc bước vào đàm phán với tinh thần xây dựng và tích cực, cũng như đảm bảo một tiến trình rút lui suôn sẻ và trật tự.

Ngày 29/3, Thủ tướng May cũng đã có bài phát biểu trước Quốc hội nước này và cam kết sẽ đại diện cho lợi ích của tất cả những ai đang sinh sống ở nước Anh, kể cả công dân EU, trong quá trình đàm phán với Brussels.

Sóng gió chờ đợi

Việc Anh và EU kết thúc mối quan hệ “một nhà” sẽ rất phức tạp và mất thời gian. Đơn giản vì hai bên có quá nhiều ràng buộc và việc chấm dứt mối quan hệ này sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều lợi ích. Bất chấp việc Thủ tướng Anh Theresa May cam kết sẽ đưa ra lập trường mềm dẻo hơn trong đàm phán Brexit, không nhiều người tin vào viễn cảnh đó.

Thứ nhất, chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy cả Anh và EU sẽ dành cho nhau sự thỏa hiệp trong các cuộc đàm phán. Phía EU đưa ra điều kiện Anh phải đồng ý "các nguyên tắc rút khỏi EU một cách trình tự" trước khi nói đến các cuộc đàm phán thương mại.

Cụ thể là Anh cần phải đồng ý về nghĩa vụ đóng góp tài chính của mình cũng như làm rõ quyền của 4 triệu dân nhập cư, gồm công dân EU tại Anh và công dân Anh tại EU. Người đứng đầu phái đoàn đàm phán của EU Michel Barnier cho rằng quan hệ đối tác mới Anh-EU cần có thời gian và các thỏa thuận về thời kỳ chuyển đổi là cần thiết.

Những biện pháp được áp dụng sẽ vẫn nằm trong khuôn khổ luật pháp của EU và Tòa án Công lý Liên minh châu Âu (ECJ). Tức là Anh sẽ vẫn phải tuân theo luật pháp EU và chịu quyền phán quyết của ECJ.

Ở chiều ngược lại, chính quyền Anh là muốn giải quyết “cuộc ly hôn” nhanh nhất có thể, nghĩa là việc xác định mối quan hệ song phương đi kèm với một hiệp định tự do thương mại. Thậm chí, phía Chính phủ Anh còn bảo lưu quan điểm sẽ kiên quyết giành cho được một thỏa thuận tốt hoặc không có gì cả.

Phía Anh muốn bỏ ngay một số quy định hiện hành của EU mà London cho rằng gây cản trở kinh tế Anh ngay sau khi kết thúc tiến trình đàm phán vào 3/2019, chứ không phải đợi đến khi kết thúc thời kỳ chuyển đổi. Còn hiện giờ thì vẫn chưa rõ thời kỳ chuyển đổi này sẽ kéo dài bao lâu.

Cú sốc Brexit

Trong lúc công chúng ngóng đợi cuộc đàm phán diễn ra suốt 24 tháng tới, thị trường lại nghĩ khác về cuộc “chia tay”. Đó là những sự chuyển dịch trong nội bộ kinh tế Anh và EU sẽ ra sao trong tương lai. Và đó mới chính là điều gây chú ý nhất vào lúc này.

Quá trình đàm phán giữa Anh và EU đặt ra rất nhiều câu hỏi. Ảnh: Telegraph
Quá trình đàm phán giữa Anh và EU đặt ra rất nhiều câu hỏi. Ảnh: Telegraph

Có những dấu hiệu tích cực trước ngưỡng cửa kích hoạt đàm phán. Đó là nền kinh tế Anh vẫn tăng trưởng ở con số đáng ngưỡng mộ 1,8% GDP năm ngoái và dự đoán sẽ lên 2% trong năm 2017. Nhưng đây được cho là khoảng thời gian biển lặng gió trước khi bão tố ập tới theo sau cuộc đàm phán với EU.

Sở dĩ có được thành tích này là bởi cách điều hành khôn ngoan của chính phủ Anh, là nhờ các biện pháp hỗ trợ tăng thanh khoản từ Ngân hàng Trung ương Anh dành cho hệ thống ngân hàng và nhờ vào lòng tin chưa hề suy chuyển của người tiêu dùng.

Tuy nhiên về cơ bản, vẫn còn đó những hệ quả được cảnh báo sau khi Anh chính thức ngồi vào bàn đàm phán. Chuyên gia kinh tế hàng đầu của S&P Boris Glass cho biết đầu năm 2017, nhu cầu vốn của các cơ sở kinh doanh và các hộ gia đình đã giảm thiểu phần nào, đây chính là những dấu hiệu đầu tiên báo hiệu nền kinh tế sẽ dần chững lại.

Người tiêu dùng cũng bắt đầu nhận thấy giá cả tăng nhanh do đồng bảng trượt giá kéo theo chi phí cao hơn cho hoạt động nhập khẩu.

Biếm họa bên ngoài Tòa nhà số 10 phố Downing vào ngày Điều 50 Hiệp ước Lisbon được kích hoạt.  Ảnh: Daily Star
Biếm họa bên ngoài Tòa nhà số 10 phố Downing vào ngày Điều 50 Hiệp ước Lisbon được kích hoạt. Ảnh: Daily Star

Việc kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon được ví như chính thức “cưỡi trên lưng hổ” khi nước Anh sẽ phải sẵn sàng với một kịch bản “tay trắng” sau các cuộc đàm phán. Nếu điều đó xảy ra, London và Brussels sẽ không có thỏa thuận thương mại nào xác định mối quan hệ này. Một sự đổ vỡ hàng loạt là điều khó tránh.

Phan Tùng

Mới nhất

x
Anh - EU: Khi cả hai không còn muốn chung một nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO