Anh hùng Phan Đăng Cát trong ký ức người ở lại

Công Kiên 02/08/2018 10:07

(Baonghean.vn) - Đã 54 năm kể từ ngày Anh hùng Phan Đăng Cát đã ngã xuống bên dòng sông Lam trong trận đối đầu với không quân Mỹ để bảo vệ vùng trời thị xã Vinh. Chừng ấy năm, người thân của anh vẫn lưu giữ hình bóng và kỷ niệm, vẫn chờ anh về, ngỡ như anh vẫn đang chiến đấu ở nơi xa…

Ký ức người ở lại

Giữa xóm 2, xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) có một ngôi nhà tình nghĩa do Quân chủng Phòng không - Không quân xây tặng, nay trở thành nơi thờ liệt sỹ Phan Đăng Cát (1940-1964). Đây là nơi người anh hùng ấy cất tiếng khóc chào đời, bắt đầu những bước đi lẫm chẫm và từ biệt bố mẹ, anh em lên đường vào quân ngũ. Đây cũng là nơi người thân chờ anh về phép vui bữa cơm đoàn viên, nhưng rồi cuộc đoàn viên không thành khi anh ngã xuống bởi trận bom dội xuống trong ngày 5/8/1964.

Trong ngôi nhà ấy, những người em của liệt sỹ Phan Đăng Cát không giấu được nỗi xúc động, khóe mắt rưng rưng khi kể về anh trai. Anh Cát có 2 chị gái là Phan Thị Liên (SN 1935) và Phan Thị Lan (SN 1938). Có 4 em trai là Phan Thái Dương (SN 1947), Phan Đăng Mạo (SN 1951), Phan Đăng Sơn (SN 1957) và Phan Đăng Thủy (SN 1963).

Ngôi nhà tình nghĩa do Quân chủng Phòng không – Không quân xây tặng gia đình liệt sỹ Phan Đăng Cát (Ảnh: Công Kiên)
Ngôi nhà tình nghĩa do Quân chủng Phòng không - Không quân xây tặng gia đình liệt sỹ Phan Đăng Cát. Ảnh: Công Kiên

Hai chị gái sớm thoát ly gia đình, người gần gũi nhất với anh Cát là Phan Thái Dương, bởi hai anh em sinh kề nhau, lúc bé ông Dương được anh trai bế bồng, cưng nựng. Ký ức ông Dương luôn lưu giữ hình ảnh người anh trắng trẻo, hiền lành, luôn nhường nhịn em từ chiếc bánh, củ khoai đến bát cơm ngày lũ.

Như bao gia đình khác ở Hưng Tân, vợ chồng cụ Phan Cúc (thân phụ và thân mẫu của liệt sỹ Phan Đăng Cát) bám lấy ruộng đồng để nuôi đàn con thơ dại. Riêng cụ ông có thêm nghề mộc, lúc nông nhàn đến xóm dưới, làng trên đóng giường, bàn ghế và đồ dùng cho bà con.

Là con trai lớn, sau buổi học, Phan Đăng Cát giúp bố mẹ chăn bò, làm cỏ, gặt hái. Những buổi ra đồng chăn bò, thế nào anh Cát cũng mang về mấy chú cá rô, cá quả, cả nhà sẽ có bữa tươi. Vốn hiền lành và thân thiện, học xong anh Cát được địa phương cử đi học lớp y tá, một thời gian sau về phục vụ bà con trong làng, trong xã.

liệt sỹ ảnh
Liệt sỹ Phan Đăng Cát. Ảnh GĐCC

Năm 1961, Phan Đăng Cát nhập ngũ, trở thành chiến sỹ của Đại đội pháo 138, thuộc Trung đoàn Phòng không 280. Đơn vị đóng ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh), thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vùng trời và các công trình trọng điểm của thị xã Vinh. Gửi thư về, anh Cát kể về công việc huấn luyện, học tập và sinh hoạt ở đơn vị, có lần anh báo tin vui được cấp trên giao làm Khẩu đội trưởng.

Chỉ cách nhà 14km nhưng mãi khoảng hai năm sau anh Phan Đăng Cát mới nghỉ phép về thăm nhà và tổ chức cưới vợ. Vợ anh là chị Hồ Thị Sâm, sau anh vài tuổi, người cùng làng. Hai người xưa là bạn học, cùng sinh hoạt chi đoàn, rồi thầm thương trộm nhớ lúc nào không ai hay.

Đám cưới giản dị nhưng rất vui vẻ và ấm cúng, hai họ và bạn bè cùng sum vầy với mấy đĩa kẹo lạc và ấm chè xanh. Một tuần sau, anh Cát từ biệt gia đình để trở lại với đơn vị. Hôm ấy, chị Sâm tiễn chồng một quãng xa, đến tận giữa cánh đồng…

Ông Phan Thái Dương (em trai liệt sỹ Phan Đăng Cát) xúc động kể lại những kỷ niệm về người anh đã hy sinh. Ảnh: Công Kiên
Ông Phan Thái Dương (em trai liệt sỹ Phan Đăng Cát) xúc động kể lại những kỷ niệm về người anh đã hy sinh. Ảnh: Công Kiên

Khoảng giữa năm 1964, gia đình lại nhận được thư anh Cát, anh báo đầu tháng 8 sẽ về phép thăm nhà. Bức thư mang đến niềm vui và phấn chấn cho tất cả thành viên gia đình. Những ngày cuối tháng 7, cụ ông ra đồng bắt mấy chú cá rô, cá quả về thả trong vũng nước cạnh giếng, chờ ngày anh Cát về sẽ nấu giấm, món này anh rất thích.

Còn cụ bà đem mớ nếp thơm cất dành từ lâu ra phơi lại, dự định dịp này sẽ đãi cả nhà bữa xôi. Chị Sâm và những người em thì háo hức, mong chờ anh Cát về thật sớm để được ăn bữa cơm đoàn viên.

Nghĩa tình bền sâu

Ngày 5/8/1964, sau bữa cơm trưa, bỗng nghe những tiếng nổ liên hồi. Nhìn về phía có tiếng nổ và những cột khói bốc cao nghi ngút, cụ Phan Cúc bảo rằng: “Máy bay Mỹ đánh vào trận địa của đơn vị thằng Cát!”. Đến chiều, cũng hướng đó, những tiếng nổ lại vang lên. Lần này, tiếng nổ kéo dài hơn, những cột khói tỏa ra rộng hơn.

Nhìn về phía ấy, cụ Phan Cúc không giấu được nỗi lo lắng: “Chúng nó lại đánh vào đơn vị thằng Cát!”. Bữa cơm tối chẳng ai buồn ăn, nồi cơm gần như nguyên vẹn. Đêm hôm ấy, cụ bà không chợp mắt. Còn chị Sâm hết đi vào rồi đi ra, cố nén những tiếng thở dài đầy lo âu.

Liệt sỹ Phan Đăng Cát được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 2014. Ảnh: Công Kiên
Liệt sỹ Phan Đăng Cát được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 2014. Ảnh: Công Kiên

Hôm sau, có người ghé qua, báo tin anh Phan Đăng Cát đã hy sinh trong trận đánh máy bay Mỹ hôm qua. Hai lần trúng mảnh đạn rốc-két, anh vẫn phất cờ chỉ huy. Lần thứ ba, anh ngã xuống giữa công sự, máu thấm đỏ lá cờ.

Buổi sáng hôm ấy anh hoàn thành thủ tục về phép, ăn xong bữa trưa để lên đường thì máy bay địch đến. Anh quyết định ở lại chiến đấu cùng đồng đội, và anh đã hy sinh…Nghe tin, cả nhà đều rụng rời, cuộc đoàn viên gia đình trong những ngày nghỉ phép của anh đã không thành hiện thực.

Anh Phan Đăng Cát ngã xuống, nỗi căm hận dâng lên tột cùng, nỗi đau đớn không gì khỏa lấp. Đang làm cán bộ đoàn, cậu em Phan Thái Dương đăng ký nhập ngũ để trả thù cho anh. Nhưng khi xét hoàn cảnh, lãnh đạo địa phương không chấp thuận, sắp xếp cho đi học nghề y. Từ đó, ông theo đuổi nghề chữa bệnh cứu người, trước khi nghỉ hưu là Giám đốc Bệnh viện Hưng Nguyên.

Niềm tự hào của gia đình và đồng đội trong ngày truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho liệt sỹ Phan Đăng Cát (2014). Ảnh GĐCC

Cụ Phan Cúc (thân sinh của liệt sỹ Phan Đăng Cát) chụp ảnh lưu niệm cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh GĐCC

Còn những người em của ông Dương đều nhập ngũ và tham gia chiến đấu ở các chiến trường. Vợ chồng cụ Phan Cúc trở nên trầm tư, cùng nén nỗi đau, chôn chặt xuống đáy lòng.

Mỗi người gánh một nỗi đau. Chị Hồ Thị Sâm dường như đã đi đến sự tột cùng của đau khổ. Vì lẽ, mới làm vợ được 7 ngày, vừa quen hơi, chưa kịp có con thì chồng lại lên đường. Hai năm đằng đẵng chờ ngày đoàn viên, bỗng nhiên chồng hy sinh trong ngày được về phép. Chị lặng lẽ như chiếc bóng, nước mắt ướt đẫm gối hàng đêm.

Chị được tuyển vào làm cán bộ thương nghiệp ở Vinh, sáng đi, tối về trên chiếc xe đạp cũ kỹ. Vợ chồng cụ Phan Cúc thương con dâu hết lòng, khuyên chị còn trẻ tuổi, cuộc đời phía trước còn dài, nên đi bước nữa. Chị lần lựa mãi, tới 7 năm sau mới chịu lấy chồng. Chồng chị quê ở Đô Lương, hai người đưa nhau về Hưng Tân sinh sống. Vợ chồng, con cái thường xuyên đến thăm nhà cụ Phan Cúc, xem như con cháu trong nhà, mọi việc vui buồn đều có mặt.

Niềm tự hào của gia đình và đồng đội trong ngày truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho liệt sỹ Phan Đăng Cát (2014). Ảnh GĐCC
Niềm tự hào của gia đình và đồng đội trong ngày truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho liệt sỹ Phan Đăng Cát (2014). Ảnh GĐCC

Cả hai vợ chồng chị Sâm đều đã qua đời vì bệnh hiểm nghèo, theo bước chân bố mẹ, những người con vẫn qua lại với gia đình liệt sỹ Phan Đăng Cát, vẫn nhận là con cháu trong nhà. Nghĩa là tình nghĩa vẫn bền sâu và bám chặt, cho dù thời gian mỗi lúc một lùi xa…

Những ngày đầu tháng 8 này, người thân và bạn bè, đồng đội lại bùi ngùi nhớ về Phan Đăng Cát - người anh hùng quả cảm đã ngã xuống trong trận đầu đánh Mỹ ở miền Bắc. Anh ngã xuống để quê hương, đất nước mãi đoàn viên.

Mới nhất
x
Anh hùng Phan Đăng Cát trong ký ức người ở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO