Anh lại 'lục đục' vì Brexit

07/11/2016 15:01

(Baonghean) - Hôm 6/11, Thủ tướng Anh Theresa May đã cảnh báo các nghị sĩ quốc hội không nên cản trở tiến trình đưa Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), đồng thời tuyên bố bà sẽ vẫn kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon vào cuối tháng 3/2017 như dự kiến.

Nhưng theo các nhà phân tích, khi nội bộ nước Anh còn chưa thể thống nhất về quy trình pháp lý đối với Brexit, kế hoạch của bà Theresa May nhiều khả năng sẽ bị đảo lộn.

Mâu thuẫn thượng tầng

Tòa án Cấp cao của Anh đã ra phán quyết rằng, Chính phủ Anh không thể tự động kích hoạt điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon để chính thức rời khỏi EU, mà cần phải có sự chấp thuận của Quốc hội. Phán quyết này đã dẫn đến một cuộc đối đầu chưa từng có tiền lệ khi Chính phủ Anh tuyên bố sẽ tiến hành kháng cáo.

Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit, ông David Davis từng nhấn mạnh rằng, lá phiếu chọn Brexit của 17,4 triệu người dân Anh đã "giao trọng trách lớn nhất trong lịch sử" cho Chính phủ Anh để thực hiện nguyện vọng của người dân, và đây là cơ sở để Chính phủ Anh tiến hành kháng cáo đối với phán quyết hôm 3/11 của Tòa án Cấp cao.

Cùng với lý do này, bà May cho rằng, người dân Anh đã có sự lựa chọn dứt khoát trong cuộc trưng cầu ý dân, vì vậy chính phủ phải có trách nhiệm tiến hành đưa Anh ra khỏi EU. “Thực hiện ý nguyện của người dân” cũng là cụm từ mà bà May sử dụng hôm 6/11 để kêu gọi Quốc hội Anh không nên cản trở tiến trình thực hiện Brexit của chính phủ.

Bà Theresa May không quên nhắc lại rằng, chính Quốc hội đã bỏ phiếu chấp thuận để người dân tự quyết định tư cách thành viên của Anh trong EU, vì vậy các nghị sĩ “cho dù có hối tiếc về kết quả cuộc trưng cầu ý dân cũng cần tôn trọng quyết định của chính mình”.

Bà Theresa May và lãnh đạo phe đối lập Jeremy Corbyn. Ảnh: ReutersBà Theresa May và lãnh đạo phe đối lập Jeremy Corbyn. Ảnh: Reuters
Bà Theresa May và lãnh đạo phe đối lập Jeremy Corbyn. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, các thẩm phán lại nhấn mạnh rằng, dự luật mà Quốc hội thông qua đã nói rõ kết quả cuộc trưng cầu ý dân chỉ có ý nghĩa tham khảo, không bắt buộc thi hành. Vì vậy, việc Quốc hội không thông qua kế hoạch Brexit là hoàn toàn có thể.

Khi Chính phủ quyết định kháng cáo phán quyết của Tòa án Cấp cao, Tòa án Tối cao sẽ thụ lý vụ việc. Dự kiến Tòa án Tối cao sẽ xem xét trong hai ngày 7 và 8/12 tới để đưa ra quyết định cuối cùng.

Trong khi chờ đợi quyết định của Tòa án Tối cao, Thủ tướng Anh Theresa May vẫn tỏ ra khá kiên định với kế hoạch kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon vào cuối tháng 3/2017.

“Chiêu trò” của phe đối lập?

Phán quyết của Tòa án Cấp cao được xem là một trong những phán quyết có tầm ảnh hưởng lớn nhất ở Anh trong nhiều thập niên qua. Nếu Chính phủ Anh không thắng kiện tại Tòa án tối cao vào đầu tháng 12 tới, tiến trình Brexit sẽ phải trì hoãn với một loạt thủ tục, rào cản ở Quốc hội.

Về mặt lý thuyết, Quốc hội Anh hoàn toàn có quyền ngăn cản Brexit, nhất là khi đa số nghị sĩ Anh từng bỏ phiếu chọn ở lại EU trong cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng 6.

Dư luận càng có lý do để lo ngại về sự can thiệp của phe phản đối Brexit khi lãnh đạo đảng Lao động Jeremy Corbyn - một trong những người phản đối Brexit mạnh mẽ nhất - trước đó luôn thúc giục chính phủ “trình ngay các điều khoản thỏa thuận lên Quốc hội”, nhấn mạnh rằng, “tất cả phải được thực hiện minh bạch, đáng tin cậy trước Quốc hội về các điều khoản Brexit”.

Đại diện Tòa án Cấp cao thông báo Chính phủ Anh có thể kháng án lên Tòa án Tối cao. Ảnh: Independent
Đại diện Tòa án Cấp cao thông báo Chính phủ Anh có thể kháng án lên Tòa án Tối cao. Ảnh: Independent

Nhưng theo các nhà phân tích, ngay cả khi Chính phủ thất bại trong việc kháng án và quyền kích hoạt Điều 50, Hiệp ước Lisbon được đưa vào tay Quốc hội, ít có khả năng Quốc hội bác bỏ sự lựa chọn của người dân. Những rào cản ở Quốc hội không phải nhằm mục đích dừng lại tiến trình Brexit, mà là tạo cơ hội để phe phản đối Brexit gây áp lực buộc bà Theresa May phải có phương án đàm phán Brexit mềm dẻo hơn.

Bài trả lời phỏng vấn của ông Jeremy Corbyn trên tờ Sunday Mirror đã làm rõ mục đích này: “Tôi sẽ ủng hộ việc kích hoạt Điều 50 nếu như bà May chấp thuận đàm phán để Anh có quyền tiếp cận thị trường chung châu Âu và đảm bảo người dân Anh vẫn có được cơ hội việc làm tại các nước châu Âu sau Brexit. Đây phải là nền tảng cơ bản nhất trong các cuộc đàm phán của bà May”.

Trước đó, dù chưa tiết lộ chi tiết về các nội dung đàm phán, song bà Theresa May thể hiện lập trường khá cứng rắn trong vấn đề kiểm soát biên giới và kiểm soát nhập cư, đổi lại một thái độ cứng rắn không kém từ phía EU rằng, Anh sẽ chỉ có quyền tiếp cận thị trường chung nếu chấp nhận các nguyên tắc tự do, bao gồm cả tự do dịch chuyển lao động.

Dù Anh đã cân nhắc phương án tiếp tục duy trì mức đóng góp lớn vào ngân sách của EU để “mua” quyền tiếp cận thị trường chung châu Âu, song EU không có dấu hiệu sẽ chấp nhận đề xuất này của Anh.

Trong trường hợp xấu nhất là Quốc hội Anh không thông qua kế hoạch Brexit, bà Theresa May có thể sẽ phải tiến hành một cuộc tổng tuyển cử sớm với hy vọng sẽ đưa thêm những gương mặt ủng hộ Brexit vào Quốc hội.

Mặc dù trường hợp này rất ít khả năng xảy ra, song với việc người dân Anh từng bỏ phiếu lựa chọn Brexit - một kịch bản không ai ngờ tới trước đó, rồi tới việc cựu Thủ tướng David Cameron phải ngậm ngùi rời khỏi số 10, phố Downing, sẽ chẳng ai có thể nói trước điều gì!

Thúy Ngọc

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Anh lại 'lục đục' vì Brexit
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO