eMagazine

'Ánh sáng vùng biên' ở bản làng biên giới Nghệ An

Khánh Ly 02/09/2024 06:29

“Ánh sáng vùng biên” là tên gọi công trình dân sinh đã và đang được các đơn vị Bộ đội Biên phòng Nghệ An lắp đặt tại các bản làng biên giới của tỉnh, vừa góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân, vừa tăng cường tình quân - dân cùng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

mot-goc-ban-muong-long-xa-tri-le-huyen-que-phong.-anh-dinh-tuyen(1).jpg

Thôn bản bừng ánh điện

Đón ngày Quốc khánh 2/9 năm nay, đồng bào Mông ở Phá Lõm và Huồi Sơn - 2 bản giáp biên thuộc xã Tam Hợp (Tương Dương) vui hơn vì từ nay hằng đêm các tuyến đường trung tâm của bản sáng ánh đèn năng lượng mặt trời, thuận lợi cho việc đi lại và tổ chức các hoạt động cộng đồng.

bna-fotojet5-1-.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Hợp phát kẹo cho trẻ em đồng bào Mông ( ảnh 1); Trẻ em bản Phá Lõm, xã Tam Hợp vui chơi dưới ánh đèn đường (ảnh 2). Ảnh: G.H

Trò chuyện với chúng tôi, ông Xồng Bá Giày- Bí thư Chi bộ bản Phá Lõm vui vẻ cho biết: Đồng bào Mông thường lên nương, lên rẫy khi trời còn mờ sương đến khi tối mịt mới xuống núi về nhà, đường sá đi lại còn nhiều khó khăn, nhất là vào những ngày thời tiết xấu.

Bản Mông Phá Lõm - xã biên giới Tam Hợp ( huyện Tương Dương). Ảnh: KL
Bản Mông Phá Lõm - xã biên giới Tam Hợp (Tương Dương). Ảnh: K.L

Nay được Đồn Biên phòng Tam Hợp hỗ trợ mô hình “Ánh sáng vùng biên”, thắp sáng đường bản bằng hệ thống đèn năng lượng mặt trời, người dân đi lại thuận lợi, con trẻ có điểm vui chơi an toàn vào ban đêm, diện mạo bản làng thay đổi hẳn. Dân bản phấn khởi và cảm ơn Bộ đội Biên phòng nhiều lắm!

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên Phòng Tam Hợp (BĐBP Nghệ An) tổ chức cho các cháu thiếu nhi sinh hoạt Hè dưới ánh đèn vào buổi tối. Clip: Huy Thiên
Ảnh: Kháh Ly

"Được Đồn Biên phòng Tam Hợp hỗ trợ thắp sáng đường bản bằng hệ thống đèn năng lượng mặt trời, dân bản phấn khởi lắm...".

Ông Xồng Bá Giày- Bí thư Chi bộ bản Phá Lõm, xã Tam Hợp

Tam Hợp là xã có 25,724 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào. Xã có 5 bản, 530 hộ dân, 2.452 nhân khẩu thuộc 5 dân tộc Mông, Tày Poọng, Thái, Khơ Mú và Kinh cùng sinh sống; kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Để đảm bảo 3 yên (yên dân, yên địa bàn, yên biên giới), những năm qua, Đồn Biên phòng Tam Hợp đã cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xã triển khai nhiều mô hình mới, cách làm hay giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống, đảm bảo an ninh, trật tự. Trong đó có mô hình “Ánh sáng đường biên”.

duong-vao-xa-tam-hop-huyen-tuong-duong.-anh-gia-huy.jpg
Đường vào xã Tam Hợp, huyện Tương Dương. Ảnh: K.L

Thiếu tá Hà Huy Thiên - Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Tam Hợp cho biết: Đồn đã huy động cán bộ, chiến sĩ đóng góp ngày công trực tiếp lắp đặt 2,5 km đường điện chiếu sáng với 80 cột bóng đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời thắp sáng toàn bộ trục đường chính trên địa bàn 2 bản biên giới Phá Lõm và Huồi Sơn, trị giá 200 triệu đồng do Đồn vận động các tổ chức, các nhà hảo tâm hỗ trợ.

bce971d4502bf475ad3a.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Hợp (Tương Dương) triển khai lắp đặt hệ thống cột đèn năng lượng mặt trời thắp sáng đường vào thôn, bản. Ảnh: G.H

Tương tự, ở xã biên giới Nậm Càn (Kỳ Sơn), trước đây, mỗi khi màn đêm buông xuống, tuyến đường từ Đồn Biên phòng đến trung tâm xã và các trường học đều chìm trong bóng tối khiến cho việc đi lại của bà con gặp rất nhiều khó khăn, việc tổ chức các hoạt động cộng đồng vì thế cũng kém sôi nổi. Năm 2023, Đồn Biên phòng Nậm Càn và các tổ chức, các nhà hảo tâm hỗ trợ lắp đặt 30 cột đèn năng lượng mặt trời, trị giá hơn 45 triệu đồng dọc các tuyến đường của xã.

Chị Vừ Y Chia - người dân bản Nậm Càn, xã Nậm Càn cho biết: “Từ ngày có đèn năng lượng mặt trời thắp sáng đường giao thông, người dân thuận tiện hơn trong đi lại vào buổi tối, các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng cũng sôi nổi hơn".

can-bo-chien-sy-don-bien-phong-nam-can-trien-khai-lap-cac-bong-den-nang-luong-mat-troi-phuc-vu-di-lai-cua-nguoi-dan(1).jpg
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nậm Càn (Kỳ Sơn) triển khai lắp các bóng đèn năng lượng mặt trời phục vụ đi lại của người dân. Ảnh: G.H

Bản làng khoác “áo mới”

Mùa Thu này, đi trên tuyến đường từ Quốc lộ 16 đến các bản Yên Hòa, Xằng Trên thuộc xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) vào ban đêm sẽ thấy hệ thống đèn năng lượng mặt trời được thắp sáng mang lại diện mạo mới cho thôn, bản.

uploaded-huuquanbna-2020_10_30-_bna_mot_goc_xa_my_ly_ky_sonns7120137_30102020(1).jpg
Một góc xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn). Ảnh: N.S

Đây là 2 địa bàn cách xa trung tâm xã, địa hình hiểm trở đường sá đi lại khó khăn, nên việc có đèn chiếu sáng các trục đường giao thông vào ban đêm như một “giấc mơ có thật” với người dân.

bna_fotojet-3(1).jpg
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mỹ Lý chuẩn bị vật liệu triển khai mô hình "Ánh sáng đường biên". Ảnh: G.H

Trung tá Hoàng Thế Tài- Chính trị viên Đồn Biên phòng Mỹ Lý chia sẻ: Tháng 5/2024, Đồn đã vận động các tổ chức, nhà hảo tâm đóng góp kinh phí; đồng thời, huy động ngày công của cán bộ, chiến sĩ đơn vị cùng người dân địa phương lắp đặt 5 km đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời với 50 cột bóng đèn kết hợp treo cờ Tổ quốc thắp sáng toàn bộ trục đường chính từ Quốc lộ 16 rẽ vào Đồn và các bản Yên Hòa, Xằng Trên. Tổng trị giá công trình khoảng 100 triệu đồng.

8-1-.jpg
Trên mỗi cột điện chiếu sáng đường bản do Đồn Biên phòng Mỹ Lý hỗ trợ lắp đặt đều có gắn cờ Tổ quốc. Ảnh: K.L

“Việc BĐBP hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng năng lượng mặt trời ở các tuyến đường vào các bản là cách làm sáng tạo, có ý nghĩa thiết thực góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân, tạo sự khởi sắc cho diện mạo bản làng. Địa phương chúng tôi mong muốn có thêm nhiều công trình “Ánh sáng vùng biên” đến với các thôn, bản để tạo thuận lợi cho việc đi lại của bà con và góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn ”, ông Lương Văn Bảy - Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý bày tỏ.

Nghệ An có 11 huyện, thị xã miền núi (6 huyện biên giới) với 252 xã, thị trấn miền núi. Trong đó, có 107 xã và 1.188 thôn, bản đặc biệt khó khăn, 27 xã tiếp giáp với nước bạn Lào.

10(2).jpg
Những cột đèn đường thắp sáng vùng biên đem lại nhiều niềm vui cho nhân dân các thôn, bản biên giới. Ảnh: G.H

Một số địa bàn vùng sâu, vùng xa địa hình hiểm trở, vì vậy, việc vận chuyển vật liệu để triển khai mô hình “Ánh sáng đường biên” vô cùng vất vả.

Điển hình như bản Mông Mường Lống - bản nằm cheo leo bên sườn núi thuộc xã Tri Lễ (Quế Phong). Từ trung tâm xã, muốn vào được bản này, phải vượt qua con đường độc đạo gần 30 km bám quanh sườn núi hiểm trở, trơn trượt, quanh co, đòi hỏi người điều khiển xe máy phải là tay lái “cứng”, quen đi đường đồi núi.

duong-vao-ban-mong-muong-long-xa-tri-le-huyen-que-phong.-anh-dinh-tuyen(1).jpg
Đường vào bản Mông Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh: Đình Tuyên

Ấy vậy nhưng, từ tháng 5 - 8/2024, Đồn Biên phòng Tri Lễ đã phối hợp với các nhà hảo tâm triển khai lắp đặt 20 cột đèn đường chiếu sáng dọc trục đường trung tâm bản Mường Lống.

Công trình được Đồn Biên phòng, chính quyền xã Tri Lễ và các nhà tài trợ tổ chức khánh thành vào ngày 20/8 cùng với lễ ra mắt mô hình “Tủ thuốc biên cương” và bàn giao 9 giếng khoan cho các điểm trường tiểu học, mầm non và tổ công tác biên phòng trên địa bàn.

Đồn Biên phòng Tri Lễ phối hợp triển khai lắp đặt hệ thống đèn năng lượng mặt trời chiếu sáng đường thôn, bản. Clip: G.H

Theo chia sẻ của Thượng tá Hồ Thanh Quang - Chính trị viên Đồn Biên phòng Tri Lễ, để vận chuyển được vật liệu vào triển khai mô hình “Ánh sáng vùng biên” ở bản Mường Lống, cán bộ, chiến sĩ của Đồn phải vận dụng nhiều cách thức. Theo đó, cột đèn sau khi hàn được tập kết ở Trạm Kiểm lâm rồi gửi xe công trình thi công điện lưới chuyển vào dần dần; đèn và pin thì cán bộ, chiến sĩ chở bằng xe máy.

3(1).jpg
Cán bộ Đồn Biên phòng Tri Lễ và người dân vận chuyển vật liệu lắp đặt hệ thống đèn năng lượng mặt trời ở bản Mường Lống. Ảnh: K.L

Ngoài hệ thống đèn năng lượng mặt trời ở bản Mường Lống, Đồn Biên phòng Tri Lễ còn lắp đặt 20 cột đèn chiếu sáng trên tuyến đường từ Đồn đến khu vực trung tâm xã. Để hoàn thành công trình, Đồn đã huy động cán bộ, chiến sĩ ủng hộ ngày công lao động dựng cột, kéo dây, đồng thời, lựa chọn những người có khả năng về cơ khí, biết sử dụng máy hàn, cắt để lắp đặt hệ thống cột đèn bảo đảm tính thẩm mỹ và bền vững. Trên mỗi cột đèn đều được gắn cờ Tổ quốc...

1-2-.jpg
Cán bộ Đồn Biên phòng Tri Lễ lắp đặt hệ thống đèn năng lượng mặt trời ở bản Mường Lống, xã Tri Lễ. Ảnh: K.L

Một số Đồn Biên phòng đã khéo kết hợp mô hình “Ánh sáng vùng biên với xây dựng đơn vị “Sáng - xanh - sạch - đẹp”; như tại Đồn Biên phòng Phúc Sơn (Anh Sơn), từ nguồn kinh phí vận động tài trợ, đơn vị đã triển khai lắp đặt 100 cột, bóng đèn trong toàn bộ khuôn viên, đường vào đơn vị và trên địa bàn xã Phúc Sơn với chiều dài hơn 1,5 km, tổng trị giá 290 triệu đồng.

dai-dien-lanh-dao-bo-chi-huy-bdbp-tinh-nghe-an-va-huyen-anh-son-khanh-thanh-cong-trinh-anh-sang-vung-bien-(1).jpg
Đại diện lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An và huyện Anh Sơn khánh thành công trình “Ánh sáng vùng biên” tại Đồn Biên phòng Phúc Sơn. Ảnh: Lê Thạch

Theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Cẩm - Phó Chủ nhiệm Chính trị (BĐBP Nghệ An): Công trình “Ánh sáng vùng biên” là một trong những mô hình “Dân vận khéo” có ý nghĩa thiết thực đối với các địa bàn vùng khó.

Hiện nay, đã có 9 Đồn biên phòng tuyến biên giới triển khai mô hình này. Qua đó, không chỉ giúp đồng bào các dân tộc nâng cao chất lượng cuộc sống, mà còn góp phần bảo đảm an ninh, trật tự; thắt chặt tình quân - dân, phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Mới nhất
x
x
'Ánh sáng vùng biên' ở bản làng biên giới Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO