Anh Sơn: Thiếu đất sản xuất cho người dân vùng đặc biệt khó khăn
(Baonghean.vn) - Vấn đề này được nêu ra tại cuộc làm việc giữa Ban Dân tộc HĐND tỉnh với UBND huyện Anh Sơn theo kế hoạch giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với xã đặc biệt khó khăn, biên giới, an toàn khu thuộc chương trình 30a và 135 vào chiều 27/9.
Ông Hoàng Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn báo cáo một số kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất trên địa bàn. Ảnh: Mai Hoa |
Theo báo cáo từ huyện Anh Sơn có 7/21 xã đặc biệt khó khăn, biên giới, với tổng 50 thôn đặc biệt khó khăn, trong đó có 16 thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số. Đây là các cơ sở được thụ hưởng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình 135 của Chính phủ.
Theo đó, tổng số hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ trong 3 năm 2014-2016 là 1.801 hộ, bao gồm hỗ trợ giống bò, dê, lợn nái móng cái, gà, ngô lai, chè công nghiệp, phân bón, tập huấn khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt.
Nhìn chung các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo chương trình 135 đã có tác động tích cực, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ gia đình thụ hưởng. Minh chứng là đã có 348/1801 hộ được thụ hưởng chính sách thoát nghèo, chiếm 19,32%.
Trên cơ sở giám sát thực tế tại bản Vều 4, xã Phúc Sơn, bà Thái Thị An Chung - Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, thành viên đoàn giám sát đề nghị huyện thông tin thực tiễn lựa chọn nhà cung cấp giống vật nuôi ở địa phương và chất lượng con giống như thế nào?
Đoàn giám sát thực tiễn triển khai chính sách hỗ trợ phát triển chè tại bản Vều, xã Phúc Sơn. Ảnh: Minh Chi |
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Thái Sơn, chuyên viên UBND huyện khẳng định, việc hỗ trợ con giống lâu nay được huyện thực hiện theo 2 cách: hoặc giao cho các xã bàn bạc và thống nhất cùng với dân để tự mua con giống, huyện chỉ giám sát, kiểm tra con giống để chi kinh phí (có 2 xã Cao Sơn và Lạng Sơn thực hiện cách này); hoặc xã nào không có điều kiện thì huyện sẽ tìm nhà cung ứng, có sự kiểm soát về chất lượng giống và các địa phương, người dân có quyền từ chối nhận khi chưa thỏa mãn về con giống.
Bà Lục Thị Liên - Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh nêu băn khoăn, Anh Sơn là huyện có diện tích rừng sản xuất lớn, với tổng hơn 22.284 ha, nhưng vẫn có một số hộ dân vùng đặc biệt khó khăn thiếu đất sản xuất.
Một số thành viên đoàn giám sát đã đề nghị huyện làm rõ việc lựa chọn đối tượng thụ hưởng; định mức giá và giao khoán vật nuôi; tính đảm bảo và kịp thời của nguồn hỗ trợ theo chương trình, hiệu quả từ công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, tỷ lệ số hộ dân được giao khoán rừng...
Giải thích vì sao tỷ lệ hộ thoát nghèo thấp, ông Hoàng Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng, nguồn vốn hỗ trợ từ chính sách ít, manh mún; sau khi đầu tư triển khai mô hình có hiệu quả nhưng thiếu kinh phí để nhân rộng mô hình.
“Mỗi hộ thụ hưởng chính sách chỉ được hỗ trợ 1 con bò hoặc 1 con dê, hay 1 con lợn, hay 10 con gà, thì làm sao thoát nghèo mà mới chỉ mang tính hỗ trợ thêm” - ông Hoàng Xuân Cường nhấn mạnh.
Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Lục Thị Liên kết luận tại cuộc làm việc. Ảnh: Minh Chi |
Kết luận tại cuộc làm việc, thay mặt đoàn giám sát, bà Lục Thị Liên - Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị huyện Anh Sơn tiếp tục chỉ đạo làm tốt, đưa các chính sách hỗ trợ đến tận các đối tượng thụ hưởng, quan tâm lựa chọn đối tượng thụ hưởng dân chủ, khách quan, đúng đối tượng.
Phó trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh cũng đề nghị huyện quan tâm xây dựng các mô hình, dự án kinh tế; đồng thời phát động các phòng, ban, cơ quan cấp huyện có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ các xã, bản đặc biệt khó khăn, nhằm giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo.
Đại diện đoàn giám sát nhấn mạnh cần tăng cường kiểm tra, giám sát các chính sách theo chương trình 135, trong đó có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đồng thời có phương án để đảm bảo người dân có đất sản xuất, từ đó giảm nghèo bền vững.
Minh Chi
TIN LIÊN QUAN |
---|