Anh thợ may trở thành nhà sáng chế

Anh Hoa Văn Tân là con trai út trong 5 người con của ông Hoa Xuân Tứ. Anh Tân ra đời trong cái nghèo xơ xác và đói quay quắt của người dân vùng rốn lụt Hưng Nhân (nay là xã Châu Nhân của huyện Hưng Nguyên) năm 1987. Trong ký ức của mẹ anh – bà Lê Thị Sự, bữa cơm cữ những ngày mới sinh Tân là những nắm rau của bà con chòm xóm hái sang cho. Cái biệt danh “Tân còi”, “Tân rau” của anh cũng ra đời từ đó.

Những ai biết anh hùng Hoa Xuân Tứ cũng sẽ ngưỡng mộ, yêu quý nghị lực, ý chí của người nông dân này. Nghị lực đó cũng chính là cái nôi nuôi dưỡng bản lĩnh và rèn giũa nhân cách cho những đứa con của ông trong khốn khó. Nhận mình là một người cha nghiêm khắc và nóng tính, ông Tứ trải lòng: “Tôi luôn muốn làm nhiều hơn những gì mình có thể làm nên tôi không thể chấp nhận việc con cái của mình ham chơi, lười biếng. Chỉ có học hành tử tế, chăm chỉ lao động thì con người ta mới khá lên được”. Dẫu gia cảnh không thể cùng lúc nuôi giấc mơ đại học, cao đẳng của 4 người con lành lặn và chăm lo cho một đứa con gái nằm một chỗ, nhưng ông bà xoay xở đủ cách để mấy đứa trẻ có thể học hết phổ thông.

Trong số 4 người con khỏe mạnh của ông Hoa Xuân Tứ thì người con trai út Hoa Văn Tân được đánh giá là hiền lành, chăm chỉ, không bao giờ bị ăn đòn và ít khi bị quát mắng nhất. Hết cấp 3, với mong muốn sớm đỡ đần bố mẹ, anh Tân nghỉ học đi làm. Bà Sự vẫn nhớ như in những ngày cậu con trai út gầy nhom dậy từ 4 giờ sáng, đạp cái xe cọc cạch ra chợ bốc vác thuê đến 12 giờ trưa, những ngày anh theo chân người quen học sửa điện rồi về sửa cho bà con trong làng. Ai cũng khen anh cẩn thận, thật thà, giới thiệu thêm khách cho anh. Người ta trả được đồng nào anh Tân đưa hết cho bố. Hai bố con đều ít nói, chẳng mấy khi tâm sự, trò chuyện với nhau, nhưng ông Tứ biết, đứa con trai út hiểu hết những thiệt thòi của chị gái, những nỗi đau của mẹ và những chất chứa trong lòng ông.

Làm ở nhà một thời gian, anh Tân quyết định Nam tiến theo một người họ hàng và trở thành công nhân may trong Sài Gòn. Chịu khó tăng ca, làm việc cẩn thận nhưng đồng lương công nhân còm cõi chỉ vừa đủ để trang trải cho những chuyến xe đi – về mỗi khi trái gió trở trời, mẹ ốm, chị đau. Thời gian này, anh Tân quen và thương một cô gái đồng hương xứ Nghệ làm cùng công ty. Sau đám cưới, vợ chồng anh về quê ở cùng bố mẹ và xin vào làm công nhân công ty may ở quê nhà. Đây chính là nhân duyên đưa anh trở thành một nhà sáng chế.

Kể từ khi trở thành công nhân chuyền may của Công ty CP May Minh Anh Kim Liên, anh Tân luôn là một trong những công nhân xuất sắc của bộ phận. Không chỉ khéo léo, chăm chỉ, anh còn thao tác rất nhanh và luôn sắp xếp công việc một cách khoa học, hiệu quả. Sau 2 năm làm việc, ban giám đốc công ty đã quyết định chuyển anh Tân từ bộ phận may sang bộ phận kỹ thuật để anh phát huy hết khả năng của mình.

Nhận công việc mới, anh Tân tranh thủ mọi cơ hội để học hỏi từ các đồng nghiệp, tích lũy kiến thức trên internet, làm quen với công nghệ, không ngại đi sớm về khuya để hoàn thành công việc dù nhà cách công ty gần 20km. Từ một người lạ lẫm với vi tính, anh thành thục cài đặt, lập trình phần mềm; từ một người thợ chỉ làm việc với kim, chỉ, vải, anh sử dụng nhuần nhuyễn các loại máy móc hiện đại. Trong quá trình sửa chữa, vận hành máy móc, anh Tân luôn nhìn ra những bất cập về thao tác và cơ chế hoạt động và tìm cách cải tiến chúng.

Trong danh sách dài những sáng chế của anh Tân, ý tưởng về máy may túi đựng xu của quần jean là một trong những ý tưởng anh tâm đắc nhất. Anh Tân chia sẻ: “Một chiếc túi xu nhỏ hơn hộp diêm cần trải qua các bước: ủi vải, vẽ khuôn, gấp mép, may, ghép, xoa phấn để hoàn thiện. Thao tác bằng tay sẽ mất nhiều thời gian lại thiếu tính chính xác. Để khắc phục điều này, tôi đã cải tiến thêm bộ khung bằng nhựa dựa trên chiếc máy dập bình thường và lập trình lại thao tác máy để tạo ra một chiếc máy may túi xu quần jean chuyên dụng”. Cải tiến này đã giúp công ty tiết kiệm được 2-3 nhân công, tăng sản lượng gấp đôi và phù hợp với cả những công nhân chưa có tay nghề.

Cũng như vậy, anh Tân tìm ra ý tưởng về que gấp chun quần khi chứng kiến những chiếc kim gãy, những đầu chun không đều nhau, sự lúng túng của công nhân khi thao tác gói đầu chun. Sau 1 tuần thử nghiệm các thông số, chuẩn hóa quy trình, sáng kiến của anh đã đi vào thực tiễn, cải thiện cả về tốc độ sản xuất lẫn chất lượng sản phẩm. Mới đây nhất, ý tưởng về thao tác làm túi áo rút gọn 3 công đoạn trang trí – gắn khóa – gắn nẹp mà anh ấp ủ cũng đã thành công và được đưa vào sử dụng…

“Quá trình tìm kiếm ý tưởng không phải lúc nào cũng thành công, có những cái bất khả khi, cũng có những cái phải làm đi làm lại nhiều lần mới đạt. Quan trọng là bản thân phải yêu thích công việc, kiên trì thực hiện và không ngừng tìm kiếm những phiên bản tốt hơn” – anh Tân thổ lộ.

Trò chuyện với anh Tân trong ngôi nhà nhỏ của anh, bố anh – người nông dân không tay Hoa Xuân Tứ luôn im lặng trước những thành tích của anh. Ông cũng im lặng như vậy trước những Bằng Lao động sáng tạo hay Giấy khen mà anh mang về. Dẫu luôn lặng lẽ, chẳng bao giờ ấp ôm hay ca ngợi, nhưng tình thương, trách nhiệm và nghị lực của ông đã dẫn những đứa con đi trên con đường của những công dân lương thiện và có ích. Câu chuyện của họ có thể hoàn toàn khác nhau, nhưng đều chuyển tải một thông điệp đẹp về lòng kiên trì và tình yêu lao động.