Áp dụng công nghệ hiện đại trong chế biến gỗ
(Baonghean) - Công ty Cổ phần Lâm nghiệp Tháng Năm - chủ đầu tư của Dự án “Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An” hiện đã đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất ván thanh và dự kiến trong tháng 5/2016 sẽ đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất MDF. Không chỉ giải quyết việc làm cho hàng ngàn người lao động và góp phần đưa nghề rừng Nghệ An có bước phát triển mới theo hướng bền vững mà việc áp dụng công nghệ hiện đại hàng đầu châu Âu của nhà máy được đánh giá là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường.
Đầu tư thiết bị, công nghệ xử lý hiện đại
Có mặt tại nhà máy chế biến gỗ và ván sợi công nghệ MDF vào những ngày đầu tháng 4, khi dự án đang đi vào giai đoạn “nước rút” để đưa vào vận hành, chúng tôi được chứng kiến quy trình, các khâu lắp đặt công nghệ rất tiên tiến, hiện đại và đặc biệt thân thiện với môi trường. Dự án Nhà máy chế biến gỗ và ván sợi công nghệ MDF được khởi công xây dựng từ tháng 2 năm 2013 trên diện tích 40 ha tại khu công nghiệp Nghĩa Đàn với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD.
Dẫn chúng tôi đi tham quan các công trình xử lý môi trường của dự án, ông Nguyễn Quốc Toản – Trưởng phòng An toàn lao động công ty cho biết: “Trong quá trình xây dựng và đi vào hoạt động, Nhà máy sản xuất ván sợi MDF đã và sẽ luôn thực hiện đầy đủ các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường, khống chế và phòng ngừa các sự cố ô nhiễm môi trường xảy ra”.
Công ty đã đầu tư hơn 18 tỷ đồng để lắp đặt các công trình xử lý môi trường với máy móc, thiết bị hiện đại bậc nhất hiện nay, trong đó đáng chú ý là hệ thống xử lý bụi (9 tỷ đồng), hệ thống xử lý khí thải lò đốt (5 tỷ đồng), hệ thống xử lý nước thải tập trung (2 tỷ đồng), hệ thống rãnh thoát nước thải (695 triệu đồng), hệ thống rãnh thoát nước mưa (690 triệu đồng),…Ngoài ra, với mức đầu tư gần 400 triệu đồng để trồng cây xanh trong khuôn viên, nhà máy được hứa hẹn là môi trường lý tưởng và hoàn mĩ theo kết cấu của nền công nghiệp tiên tiến.
Dây chuyền sản xuất gỗ ván thanh ở Nhà máy gỗ MDF Nghĩa Đàn. |
Ông Nguyễn Quốc Toản cũng cho biết thêm rằng: “Trong giai đoạn thi công dự án và giai đoạn dự án đi vào hoạt động có thể gây ô nhiễm môi trường không khí, nước mặt, nước dưới đất. Do đó, chủ đầu tư đã thiết lập một chương trình giám sát môi trường với mục tiêu thu thập một cách liên tục các thông tin về biến đổi chất lượng môi trường nhằm kịp thời phát hiện những tác động xấu của dự án và đề xuất các biện pháp ngăn ngừa giảm thiểu ô nhiễm; đồng thời đảm bảo cho vận hành an toàn dự án”.
Theo đó, giai đoạn chuẩn bị và xây dựng sẽ tiến hành giám sát chất lượng không khí xung quanh với tần suất 2 lần/năm tại trung tâm khu vực dự án, cổng ra vào khu vực xây dựng dự án, đường vào khu vực xây dựng dự án và hàng rào phía Tây của dự án. Còn giám sát chất lượng nước thải và chất lượng nước mặt với tần suất 4 lần/năm tại kênh thủy lợi cách dự án 200m và tại đầu ra của hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt. Việc giám sát các yếu tố môi trường này được thực hiện cả khi dự án đã đi vào hoạt động, thậm chí sẽ tăng tần suất cao hơn để đáp ứng yêu cầu và phù hợp với tình hình sản xuất.
Xây dựng phương thức hoạt động chuyên nghiệp
Ban quản lý dự án thành lập tổ chuyên trách môi trường gồm 3 người, có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra hệ thống thu gom xử lý nước thải, nước mưa chảy tràn; kịp thời phát hiện các sự cố để sửa chữa nhằm bảo đảm tính hiệu quả của hệ thống, không gây ô nhiễm môi trường; xây dựng nội quy, quy chế về vệ sinh và an toàn lao động, xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động và công tác bảo vệ môi trường trong khu vực; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cán bộ công nhân viên để cho cán bộ công nhân hiểu và có ý thức trong việc bảo vệ môi trường.
Hiện nay, Công ty cổ phần Lâm nghiệp Tháng Năm đang phối hợp với 12 huyện của Nghệ An triển khai tổ chức trồng rừng trên vùng đất được quy hoạch nhằm phục vụ nguyên liệu cho Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An. Diện tích nguyên liệu đã được UBND tỉnh Nghệ An quy hoạch là 45.011,5 ha (trong đó diện tích đất thuê là 11.589,1 ha và diện tích đất liên doanh liên kết là 33.422,4 ha).
Với thời gian dự kiến từ khi trồng đến khi cho thu hoạch là 5 - 7 năm, việc hỗ trợ trồng rừng cho bà con nông dân sẽ giúp phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Do đó, lợi nhuận kinh tế sẽ đi kèm với việc bảo vệ môi trường một cách hiệu quả và bền vững. Đồng chí Vi Văn Sơn - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho rằng: “Dự án Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An do Công ty cổ phần Lâm nghiệp Tháng Năm làm chủ đầu tư có nhiều điểm ưu việt, trong đó có tác động tích cực đến môi trường của các huyện trung du, miền núi. Bằng việc hỗ trợ giống, phân bón, thuốc diệt mối,…và tổ chức kiểm tra kết quả trồng rừng theo từng vụ sẽ khuyến khích các hộ nông dân tích cực trồng rừng. Điều này không chỉ giúp bà con đảm bảo cuộc sống mà diện tích rừng cũng được nâng lên”.
Nói về tôn chỉ, mục đích kinh doanh của công ty, ông Nguyễn Công Vĩnh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lâm nghiệp Tháng Năm nhấn mạnh: “Bên cạnh yếu tố lợi nhuận, công ty chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo sự thân thiện với môi trường. Trong thời đại công nghiệp hiện nay, nếu các nhà máy sản xuất ồ ạt và vận hành theo một quy trình không an toàn và đảm bảo thì sẽ nhanh chóng hủy hoại môi trường sống của chính con người. Với việc áp dụng công nghệ hiện đại hàng đầu châu Âu, chúng tôi tự tin có thể kết hợp hài hòa giữa mục đích lợi nhuận và hiệu quả thiết thực từ công tác bảo vệ môi trường”.
Phương Thảo
TIN LIÊN QUAN