Áp lực mưu sinh, nhiều cán bộ UBND xã, bản vùng cao Nghệ An xin nghỉ việc

Hoài Thu 28/04/2023 14:38

(Baonghean.vn) -  Hiện đang có xu hướng ngày càng có nhiều cán bộ UBND xã, bản lựa chọn rời quê hương, từ bỏ công việc ở cấp uỷ, chính quyền để đến địa phương khác tìm kế sinh nhai. Nguyên nhân để họ lựa chọn hướng đi này, ngoài áp lực mưu sinh, một phần còn do chế độ phụ cấp giảm.

Nhiều bí thư, trưởng bản xin nghỉ việc

Chúng tôi đến xã Bảo Thắng, huyện biên giới Kỳ Sơn trong thời điểm cán bộ và người dân nơi đây đang dồn lực để hoàn thành móng nhà, lắp ghép 120 nhà tặng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở từ nguồn hỗ trợ của Công an tỉnh Nghệ An. Đón chúng tôi ở đầu bản Thà Lạng, Bí thư Chi bộ bản Xeo Văn Ninh cho biết, anh đảm nhận vai trò bí thư chi bộ giữa năm 2022 vì cán bộ bản trước đây xin nghỉ.

Nói thêm về việc cán bộ xã, bản xin nghỉ việc, Bí thư Đảng uỷ xã Bảo Thắng Vi Thị Đắm cho biết, ngoài một số cán bộ thôn, bản xin nghỉ công tác trong năm 2022 thì đến đầu năm 2023 có thêm 4 người nữa xin nghỉ. 4 người này có 1 bí thư chi bộ, 1 trưởng bản và 2 công an viên. Đó là anh Xeo Văn Tân - Bí thư Chi bộ bản Cha Ca 1. Anh Tân nộp đơn xin nghỉ làm bí thư chi bộ với lý do hoàn cảnh gia đình khó khăn, muốn đi tìm việc làm để kiếm thêm thu nhập mới có thể nuôi sống gia đình.

Anh Tân cho biết, vợ anh sức khoẻ yếu, cộng với việc nuôi 3 đứa con nên gánh nặng kinh tế gia đình đều trông cậy vào mình anh. Công việc ở thôn, bản thường không cố định, họp hành nhiều. Thời gian cuối năm hầu như ngày nào anh cũng phải đi cơ sở, rồi hoàn tất các công tác Đảng, chỉ đạo cũng như tham gia các hoạt động cộng đồng xã, bản nên không có thời gian lo cho con cái, gia đình.

Nhà ở của một cán bộ bản Thà Lạng, xã Bảo Thắng. Ảnh: HT

Ngoài ra còn có anh Moong Văn Mai - Trưởng bản Cha Ca 2 cũng nộp đơn xin nghỉ làm trưởng bản vào tháng 2/2023. Anh Mai một mình nuôi bố mẹ già và hai đứa con. Vợ anh Mai cũng ở nhà phụ giúp chồng chăn nuôi lợn và dăm con gà chỉ đủ trang trải thức ăn cho gia đình. Các chi phí khác đều trông cậy vào thu nhập của anh Mai.

Nói về nguồn thu nhập chính của anh Moong Văn Mai, cán bộ UBND xã Bảo Thắng cho biết, trước đây phụ cấp cho trưởng bản theo Nghị quyết 22/2019/NQ-HĐND quy định về số lượng, chức danh, mức phụ cấp, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác ở xã, phường, thị trấn và xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thì anh Mai được hưởng hệ số phụ cấp 1,75 so với mức lương cơ sở. Cụ thể, anh Mai được nhận hơn 2,6 triệu đồng/tháng.

“Tuy nhiên, mức phụ cấp này được áp dụng khi xã Bảo Thắng đang nằm trong danh sách thuộc các xã trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội. Sau khi xã Bảo Thắng được công nhận là đã chuyển hoá thành công, không còn là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, thì theo quy định tại Nghị quyết 22/2029/NQ-HĐND tỉnh, mức phụ cấp cho bí thư, trưởng bản sẽ là hệ số 1,1 so với mức lương cơ sở. Đồng nghĩa với việc số tiền phụ cấp anh Mai được hưởng mỗi tháng sẽ giảm còn khoảng 1,6 triệu đồng. Sau khi UBND xã thông báo về chế độ phụ cấp này được thực hiện từ tháng 1/2023 thì sang tháng 2/2023 anh Moong Văn Mai nộp đơn xin nghỉ làm trưởng bản để đi vào miền Nam xin việc làm” - Bí thư Đảng uỷ xã Bảo Thắng cho biết.

Lãnh đạo xã Bảo Thắng cũng cho biết thêm, đây cũng là một trong những lý do mà Bí thư Chi bộ bản Cha Ca 1 và 2 công an viên ở bản Xa Va và bản Thà Lạng xin nghỉ việc.

Một góc bản Thà Lạng, xã Bảo Thắng. Ảnh: HT

Cũng tình trạng như xã Bảo Thắng, ở xã Mường Lống của huyện Kỳ Sơn, theo lãnh đạo UBND xã thì đầu năm 2023 đến nay đã có 8 người gồm các bí thư, trưởng bản, và cả 1 cán bộ UBND xã xin nghỉ việc.

“Các trường hợp xin nghỉ hầu hết đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cho nên một trong những lý do khiến họ buộc phải xin nghỉ xuất phát từ áp lực mưu sinh, họ là lao động chính cáng đáng nuôi sống cả gia đình nên họ buộc phải tìm nguồn thu nhập cao hơn. Lý do nữa là do từ tháng 1/2023, phụ cấp cho cán bộ thôn, bản giảm khoảng 1 triệu đồng. Bí thư, trưởng bản phụ cấp giảm từ 2,6 triệu đồng xuống 1,6 triệu đồng/tháng. Trưởng bản công tác Mặt trận giảm từ 2,2 triệu đồng xuống còn 1 triệu đồng/tháng” – ông Vừ Bá Xử - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lống cho biết.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 4/2023, Mường Lống có 8 cán bộ UBND xã, bản xin nghỉ việc gồm: 1 Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Đảng uỷ xã, 1 Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, 1 cán bộ thú y UBND xã, 2 Trưởng ban công tác Mặt trận Tổ quốc (bản Tham Pạng và bản Huồi Khun) và 3 trưởng bản (Huồi Khun, Thà Lạng, Tham Hang). Trong số 8 người xin nghỉ có 5 người sau khi nghỉ đã đi vào miền Nam xin việc làm, 3 người còn lại hiện đang ở tại địa phương để tìm hướng sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế.

Băn khoăn chế độ phụ cấp cho cán bộ thôn, bản

Theo quy định tại Nghị quyết 22/2029/NQ-HĐND tỉnh ngày 12/12/2019, Mức phụ cấp của mỗi chức danh người hoạt động không chuyên trách ở xóm, khối, bản, thì đối với xóm, bản thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; xóm, bản thuộc xã biên giới hoặc hải đảo: bí thư chi bộ và trưởng bản hưởng mức phụ cấp 1,75 so với mức lương cơ sở; trưởng ban công tác Mặt trận xóm, bản hưởng 1,5 so với mức lương cơ sở.

Cũng theo nghị quyết này, sau các xã đã được đưa ra khỏi danh sách địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự thì mức phụ cấp cho bí thư, trưởng bản, một số chức danh khác và kinh phí hoạt động của tổ dân vận cũng được điều chỉnh giảm. Ví như phụ cấp của bí thư, trưởng bản sẽ giảm từ hệ số hưởng 1,75 xuống 1,1, trưởng ban công tác Mặt trận điều chỉnh giảm từ 1,5 xuống 0,8; kinh phí hoạt động cho tổ dân vận giảm từ 2,5 triệu đồng xuống 2 triệu đồng/tổ/năm…

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại UBND xã Mường Lống, Kỳ Sơn. Ảnh: HT

“Mặc dù các cán bộ thôn, bản khi xin nghỉ việc họ cũng không bày tỏ băn khoăn về việc tại sao khi xã, bản làm tốt công tác, góp phần giúp địa phương chuyển hoá thành công, đưa địa phương ra khỏi tình trạng phức tạp về trật tự an toàn xã hội song chế độ chính sách được hưởng lại giảm, nhưng họ cho biết với thời gian yêu cầu cho công việc và mức phụ cấp như vậy, họ không thể đảm bảo được cuộc sống gia đình. Cho nên dù muốn cống hiến nhưng họ cũng đành từ bỏ để lo cho vợ con, cha mẹ già” - Bí thư Đảng uỷ xã Bảo Thắng Vi Thị Đắm cho biết.

Cũng đồng tình với ý kiến này, một cán bộ UBND xã Tam Quang (Tương Dương) cũng bày tỏ, năm 2022 xã cũng có 2 công an viên xin nghỉ việc. Họ nghỉ cũng không phải hoàn toàn vì phụ cấp quá thấp, mà chỉ là yếu tố “đẩy thuyền” để họ quyết tâm lựa chọn con đường khác để lập nghiệp, phát triển kinh tế.

Chia sẻ về tình trạng cán bộ cơ sở, đặc biệt là cán bộ trẻ cũng như lực lượng lao động trẻ ngày càng có xu hướng thoát ly quê nhà, đi đến địa phương khác tìm kiếm việc làm, nhiều cán bộ UBND xã đều có chung nhận định, ở bản những người trẻ tuổi có 1- 2 con, họ có học hành về địa phương công tác nếu phụ cấp chỉ từ 1 - 2 triệu đồng/tháng thì áp lực kinh tế để nuôi con cái, chưa kể nuôi thêm cha mẹ già rất lớn. Và phụ cấp thấp chỉ là một trong những yếu tố để họ không lựa chọn tham gia công tác chính quyền, đoàn thể ở địa phương.

“Những người trẻ hiện nay họ có xu hướng phát triển kinh tế, đi làm ăn xa hoặc đi xuất khẩu lao động. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến địa phương thiếu lao động, thiếu nhân lực tham gia hoạt động đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên. Cũng vì vậy, việc tìm nguồn kết nạp Đảng, tạo nguồn cán bộ các cấp ngày càng khó khăn” - một cán bộ UBND xã Lạng Khê, huyện Con Cuông cho biết.

Theo Quyết định số 861/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 5/4/2021 về phê duyệt danh sách địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội chuyển hoá thành công; địa bàn theo dõi sau chuyển hoá; địa bàn thực hiện chuyển hoá, Nghệ An có 77 xã, phường, thị trấn nằm trong diện đã, đang hoặc sẽ tiếp tục chuyển hoá. Cụ thể, đến nay đã có 55 xã, phường, thị trấn chuyển hoá thành công, 12 đơn vị chuyển hoá chưa đạt và 20 địa bàn dự kiến sẽ đưa vào diện chuyển hoá từ năm 2021.

Mới nhất
x
Áp lực mưu sinh, nhiều cán bộ UBND xã, bản vùng cao Nghệ An xin nghỉ việc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO