AS Monaco, “bà đỡ” mát tay
(Baonghean.vn) - Hai năm qua, không CLB nào ở châu Âu kiếm lãi bằng việc mua bán cầu thủ nhiều như AS Monaco. Năm ngoái, đội bóng chủ sân Louis II bỏ túi 394 triệu euro nhờ "bán máu". Còn mùa này, trước khi thị trường chuyển nhượng khép lại họ cũng đã kịp bổ sung thêm vào tài khoản 330 triệu euro.
Mùa hè 2017, các cầu thủ AS Monaco, nhà vô địch Ligue 1 bỗng trở nên có giá, khiến đội bóng chủ sân Louis IIlà một trong những địa chỉ mua bán cầu thủ nhộn nhịp nhất châu Âu.
Những ngôi sao sáng giá nhất giúp họ vô địch Ligue 1 mùa trước như Bernardo Silva, Kylian Mbappe, Benjamin Mendy… liên tục được các đại gia sân cỏ châu Âu chào mời, ve vãn những hợp đồng béo bở, với những mức lương cao ngất.
"Trạm trung chuyển” cầu thủ
Lần lượt những cái tên đình đám như Kylian Mbappe (180 triệu euro), Thomas Lemar (70 triệu euro), Benjamin Mendy (57,5 triệu euro), Bernardo Silva (50 triệu euro), Fabinho (45 triệu euro) hay Tiemoue Bakayoko (40 triệu euro) đều rời CLB để chuyển tới vùng đất mới. Còn AS Monaco được biết đến với tư cách là “bà đỡ” mát tay, địa chỉ trung chuyển cho các ngôi sao cập bến các đội bóng lớn.
Theo CIES, một công ty chuyên theo dõi thị trường bóng đá, Monaco đã thu về tổng cộng 394 triệu euro từ việc bán những cầu thủ. Theo chiều ngược lại, để chiêu mộ Youri Tielemans, Balde Keita, Steven Jovetic, Terence Kongolo, Adama Diakhaby, Rachid Ghezzal, và Soualiho Meite… họ chỉ phải bỏ ra 105 triệu euro.
Sân Louis II được coi là “trạm trung chuyển” cầu thủ tại châu Âu. Ảnh: CNN |
Như vậy, nhà ĐKVĐ Ligue 1 đã lãi tổng cộng 289 triệu euro. Trên bình diện châu Âu, không đội bóng nào lãi nhiều như Monaco trong kỳ chuyển nhượng mùa hè 2017.
Thực tế, việc mua-bán cầu thủ của đội bóng này có hiệu quả vượt rất xa 2 đội bóng xếp sau. Borussia Dortmund chỉ kiếm được số tiền lãi tổng cộng 110 triệu euro. Trong đó họ thu được 199 triệu euro từ việc bán Ousmane Dembele, Emre Mor và Matthias Ginter.
ĐKVĐ cúp QG Đức chi tổng cộng 89 triệu bảng để đưa về những cầu thủ như M oahmoud Dahoud, Jeremy Toljan… Tiếp đó, Lyon là đội xếp thứ ba khi lãi 72 triệu bảng. CLB này thu 129 triệu từ việc bán những cầu thủ như Corentin Tolisso, Alexandre Lacazette. Và đã phải chi 59 triệu euro để mang về những người thay thế.
Năm nay, mùa hè thị trường chuyển nhượng cầu thủ 5 giải đấu lớn nhất châu Âu vẫn chạm ngưỡng 4,2 tỷ euro, trở thành năm thứ hai liên tiếp vượt mốc 4 tỷ euro. Đứng đầu trong số đó, không ai khác vẫn là AS Monaco, các cầu thủ của họ vẫn được các CLB châu Âu nhiệt tình, săn đón.
Mùa hè này, họ kiếm được 330 triệu euro nhờ việc bán Fabinho (45,8 triệu euro) cho Liverpool, Terence Kongolo (19,9 triệu euro), Adama Diakhaby cho Huddersfield. Ngoài ra, Ghezzal, Joao Moutinho và Soualiho Meite cũng ra đi.
Điều khá ngạc nhiên là số tiền bán cầu thủ của Monaco 2 năm qua còn vượt xa Barca lẫn Real (chỉ được 313 triệu euro và 274 triệu euro) dù trong danh sách bán hàng của 2 đại gia La Liga này có 2 ngôi sao hàng đầu thế giới là Neymar hay Ronaldo.
Mua rẻ, bán đắt
Mới vài năm trước, AS Monaco cho thấy họ là đội bóng Pháp có tham vọng lớn lao. Các ông chủ CLB đã từng dám chi khủng để mua tiền đạo nổi tiếng Radamel Falcao.
Thực tế, CLB AS Monaco đã vô địch Ligue 1 cách đây 2 mùa giải và thậm chí tiến đến trận bán kết UEFA Champions League. Song, việc vung tiền mua sao đã sớm lùi vào dĩ vãng, để thay vào đó là chính sách mua-bán cầu thủ chú trọng vào nguồn thu qua các hoạt động chuyển nhượng hơn.
Cả Vadim Vasilyev, phó chủ tịch Monaco và người chịu trách nhiệm về khâu chuyển nhượng lẫn chủ tịch Dimitri Rybolovlev đều có chung triết lý kinh doanh bóng đá.
Việc bán quá nhiều cầu thủ trụ cột khiến AS Monaco đang phải đứng thứ 13 BXH Ligue 1. Ảnh: CNN |
Mô hình kinh doanh bóng đá mới của họ: xây dựng mạng lưới tuyển trạch viên săn lùng, tìm kiếm các tài năng trẻ, chưa thành danh đưa về sân Louis II. Được tập luyện và thi đấu bên cạnh một thế hệ vàng đầy tài năng sẽ giúp họ thành danh, sau đó bán đi với mức giá của những viên ngọc quý, kim cương.
Trong hè 2018, AS Monaco đã chiêu mộ tài năng người Nga tiền vệ Aleksandr Golovin với giá 30 triệu euro. Đây là cầu thủ thi đấu rất xuất sắc trong màu áo đội tuyển Nga tại World Cup 2018 được nhiều CLB nhòm ngó nhưng đội bóng này nhanh tay hơn.
Trong tay, HLV Leonardo Jardim vẫn còn những "ngọc thô" Samuel Grandsir, Willem Geubbels hay Ronaël Pierre-Gabriel chờ tài rèn giũa của ông thầy mát tay.
Mới đây, Monaco đã chiêu mộ thành công cầu thủ chạy cánh người Bỉ Nacer Chadli từ CLB Championship, West Bromwich Albion với giá 10 triệu bảng với hợp đồng 3 năm.
Chadli năm nay 29 tuổi, là một cầu thủ chạy cánh tài năng. Ở World Cup 2018 vừa qua, anh ghi được 1 bàn thắng sau 6 lần ra sân, góp vào vị trí thứ 3 của tuyển Bỉ. Sau khi West Brom rớt hạng, Chadli đã tỏ rõ mong muốn ra đi, và Monaco là điểm đến lí tưởng cho anh vào lúc này.
Nếu mùa hè sang năm, những cái tên Aleksandr Golovin, Chadli nổi đình đám trên thị trường chuyển nhượng, âu cũng là điều không quá bất ngờ. Vadim Vasilyev, phó chủ tịch Monaco và bộ phận tuyển trạch của AS Monaco đang làm rất tốt việc săn lùng các “ngôi sao ẩn dật” tại các đội bóng nhỏ. HLV Leonardo Jardim lại có tiếng trong việc tạo nên thương hiệu sân cỏ cho các cầu thủ tiềm năng này.
Niềm kiêu hãnh bị tổn thương
Việc liên tục bán đi các cầu thủ trụ cột của đội bóng đã ảnh hưởng đến thành tích của AS Monaco. Tại Ligue 1, sau 4 vòng đấu AS Monaco đã thua 2, hòa 1 và chỉ duy nhất có 1 trận thắng, được 4 điểm và tạm đứng thứ 13, bị PSG bỏ xa 8 điểm.
Rõ ràng là cổ động viên Công quốc Monaco có quyền để phàn nàn ông chủDimitri Rybolovlev đã quá chú trọng lợi nhuận mà quên đi thành tích của đội bóng.
Năm ngoái, tuy đứng thứ 2 Ligue 1 nhưng họ bị PSG bỏ xa tới 13 điểm là một điều khiến cho lòng kiêu hãnh người dân Công quốc Monaco bị tổn thương.